Trại giam, ngày đặc xá. Bên cạnh niềm vui vỡ òa của các phạm nhân được đặc xá, chúng tôi nhìn thấy nhiều cuộc chia tay bịn rịn giữa anh chị phạm nhân chưa đủ điều kiện để xét đặc xá với những người được đoàn tụ với gia đình. Đó là những ánh mắt khao khát ngày trở về…
Thuyết “buôn vua”, Hải “bánh”: Quá khứ đã sau lưng
“Năm ngoái, tôi đủ điều kiện xét đặc xá, ban giám thị trại đã chuyển lên Hội đồng Đặc xá Trung ương xem xét. Khi biết tin mình không được đặc xá, tôi buồn và mất ngủ gần nửa tháng. Theo quy định đặc xá năm nay, tôi không đủ điều kiện, dù đã xác định tư tưởng nhưng thấy anh em về lòng vẫn cứ nao nao…” - phạm nhân Trần Văn Thuyết (Thuyết “buôn vua”), bị kết án 20 năm tù trong vụ án Trương Văn Cam và đồng phạm đang thụ án tại Trại giam Phước Hòa - Bộ Công an (Tiền Giang), kể.
Ông Thuyết tâm sự: “Sau khi xử sơ thẩm, tôi xác định hành vi phạm tội của mình nên tôi chấp hành hình phạt, không kháng cáo, đồng thời khắc phục hậu quả. Hơn 10 năm thụ án, tôi thường xuyên theo dõi những chính sách, quy định pháp luật thi hành án hình sự thông qua tờ báo Pháp Luật TP.HCM. Ngoài phấn đấu cải tạo tốt, tôi luôn cập nhật những thông tin ở xã hội thông qua các phương tiện thông tin đại chúng ở trại để đừng bị tụt hậu, để ngày về không hụt hẫng, không gặp nhiều khó khăn trong việc tái hòa nhập”.
Hải “bánh” đang cùng cán bộ quản giáo trang hoàng cho buổi lễ công bố đặc xá ở Trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai).
“Ngày tòa tuyên án, con gái tôi mới 12 tuổi, được học bổng sang nước Anh, lên máy bay vác va li to hơn người. Nay cháu đã tốt nghiệp ĐH luật ở Anh, hiện đã về nước làm việc và hằng tháng vào thăm tôi. Hình ảnh con gái một thân ở xứ người, tự học thành tài là nguồn động viên vô bờ với tôi trong những tháng ngày cải tạo và là niềm tự hào của những tháng năm còn lại cuộc đời tôi” - ông Thuyết bộc bạch với ánh mắt đỏ hoe…
Tháng 12-2005, Phạm Đức Bình (Bình “kiểm”) bị bắt về tội bắt cóc con tin đòi tiền chuộc 10 triệu USD, chúng tôi gặp Bình “kiểm” tại cơ quan điều tra. Với tố chất “đại ca”, Bình “kiểm” bình tĩnh trả lời tất cả hành vi phạm tội của mình và làm dáng khi chúng tôi chụp ảnh. Gặp lại Bình “kiểm” gần sáu năm sau ở Trại giam Phước Hòa, Bình “kiểm” tóc đã bạc nhiều và trông rắn rỏi hơn. “Mới hơn 40 tuổi mà tôi đã “lận lưng” ba tiền án, hai tiền sự và đang thụ án 30 năm tù. Quá khứ tội lỗi đã khép lại sau lưng, giờ tôi chỉ tập trung lao động, cải tạo tốt để đến mốc được xét giảm án…” - Bình “kiểm” bộc bạch.
Khi các phạm nhân được xét đặc xá chuẩn bị hành trang về với gia đình thì Nguyễn Tuấn Hải (Hải “bánh”, lãnh án tù chung thân trong vụ án Trương Văn Cam) cùng với một số phạm nhân được ban giám thị trại phân công dọn dẹp, trang hoàng cho buổi lễ công bố đặc xá tại Trại giam Xuân Lộc. Hải “bánh” tâm sự: “Tôi chưa bể án (tù chung thân được giảm thành tù có thời hạn) nên biết rõ mình không thuộc diện xét đặc xá. Dù vậy, thấy anh em chuẩn bị về mà tôi cứ ao ước trở về với gia đình. Con gái tôi mới lấy chồng cách đây vài tháng. Tôi không thể về trong ngày vui của con. Hiện nay mẹ tôi bệnh nặng đang nằm trong bệnh viện, tôi không có mặt bên cạnh để chăm sóc. Làm con, tôi không tròn chữ hiếu, làm cha thì không có trách nhiệm…”. “Tôi xác định tư tưởng là cố gắng cải tạo, lấy công việc để làm niềm vui. Cái thằng Hải “bánh” giang hồ ngày xưa đã chết. Tôi rất mong các anh chị nhà báo nếu viết về tôi xin đừng nhắc chuyện cũ mà hãy phản ánh những tháng ngày cải tạo của tôi…” - Hải “bánh” bày tỏ với chúng tôi.
Bình “kiểm” và cán bộ quản giáo ở Trại giam Phước Hòa (Tiền Giang).
Ngày về không xa
Bên cạnh hàng trăm phạm nhân đang làm thủ tục đặc xá, một nữ phạm nhân trẻ, xinh xắn, tay đeo băng đỏ ngồi riêng một góc nhìn mọi người. Đó là Tô Vũ Anh Trang, phạm nhân bị kết án bảy năm tù về tội mua bán ma túy, đã thụ án hơn bốn năm ở Trại giam Thủ Đức. “Trang có được đặc xá không?” - chúng tôi hỏi. “Dạ không. Nhưng đến 30-4-2012 là em mãn hạn tù rồi. Em làm ở tổ văn hóa, hôm nay được cán bộ phân công giữ gìn trật tự…”. “Tám tháng nữa là mãn hạn tù rồi nhưng em vẫn thấy lâu quá, nhìn thấy anh chị em được về mà mình cứ ao ước. phải chi hôm nay được về với gia đình” - Trang nói tiếp. “Gia đình em có ba anh em, điều kiện kinh tế ổn định. Em đang học năm cuối ĐH Văn Lang, mở một tiệm thời trang ở quận Bình Thạnh. Tiệm đông khách, nhiều khách hàng tuổi “teen” đến mua sắm và em làm quen với vài người. Trẻ, đẹp và có tiền nên em cũng học đòi đến vũ trường, rồi em sử dụng thuốc lắc. Mặc dù gia đình cấm cản, người yêu khuyên can nhưng em phớt lờ. Cuối cùng, điều tệ hại nhất đã đến, em bị bắt quả tang cùng với một số ma túy tổng hợp. Lúc đó ân hận cũng quá muộn rồi. Bốn năm qua đối với em là chuỗi ngày dài ân hận. Tháng năm đẹp nhất của đời con gái em trải qua ở trại giam. Cách đây hai năm, cha chết vì tai nạn, mẹ thì già yếu nhưng vẫn lặn lội thăm nuôi hằng tháng…” - Trang ứa nước mắt. “Khi mãn hạn tù, Trang sẽ tiếp tục kinh doanh chứ?” - chúng tôi hỏi. “Đúng rồi anh à. Trang không quá lo về vấn đề mưu sinh mà lo về một mái ấm gia đình. Trong hoàn cảnh của Trang, không dễ tìm được người đàn ông thương yêu và chấp nhận quá khứ của mình…” - Trang hơi lo lắng.
Trời nhá nhem tối, chúng tôi rời Trại giam Thủ Đức. Trên đường đi, chúng tôi thấy nhiều tốp phạm nhân lao động trở về buồng giam. Chúng tôi nhìn thấy từng khuôn mặt rắn rỏi, mồ hôi ướt đẫm trên áo, ánh mắt khát khao một ngày về đoàn tụ với gia đình. Chúng tôi tin khi để lại quá khứ lầm lỗi ở phía sau, phấn đấu cải tạo trở thành người lương thiện thì ngày về của họ không xa…
Vườn cam đang đợi Minh về Chúng tôi gặp lại phạm nhân Minh tại Trại giam Phước Hòa. Minh tâm sự: “Cha mẹ tôi trên 80 tuổi và bệnh liên miên, vậy mà vẫn thăm nuôi tôi đều đặn. Mỗi lần gia đình vào thăm, vắng bóng mẹ cha, tôi sợ mình đã muộn mất rồi. Tôi mong sao sớm được trở về để phụng dưỡng cha mẹ già…”. Minh khoe: “Tết 2013, tôi mãn án tù. Nhà có vườn cam, quanh năm suốt tháng trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch… Về rồi tôi sẽ phụ nhà tiếp tục làm vườn, trồng cây”. “Hồi giờ anh đã yêu người con gái nào chưa? - chúng tôi hỏi. Minh cười buồn, nghĩ ngợi một lúc rồi nói: “Tôi có thương một người, giờ người đó đã có gia đình. Khi trước thường vào thăm tôi, giờ không thấy nữa. Tôi mong gặp lại người ấy để nói lời cảm ơn…”. |
T.DUNG - P.LOAN - A.NHÂN