Từ tháng 9-2022, nhiều quy định pháp luật mới nổi bật sẽ chính thức có hiệu lực thi hành.
Yêu cầu thực hiện kế toán đối với hoạt động từ thiện
Ngày 5-7, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 41/2022 hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện; từ ngày 1-9.
Theo Thông tư 41, tất cả tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân có các hoạt động liên quan đến vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện đều phải mở sổ để ghi chép đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập báo cáo và minh bạch thông tin theo quy định.
Tổ chức, cá nhân kêu gọi từ thiện phải thực hiện mở sổ để ghi chép đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Ảnh minh họa: NGUYỆT NHI |
Cụ thể, đối với các tổ chức, cơ quan, đơn vị có các hoạt động xã hội, từ thiện có tổ chức kế toán riêng đối với các hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện phải thực hiện mở sổ kế toán ghi chép, hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập báo cáo tài chính đầy đủ, minh bạch.
Trường hợp tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện kiêm nhiệm không tổ chức kế toán riêng để hạch toán các hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện thì phải hạch toán trên cùng hệ thống sổ kế toán của đơn vị, theo chế độ kế toán mà đơn vị đang áp dụng. Đồng thời mở sổ chi tiết để theo dõi riêng cho các hoạt động này, đảm bảo quản lý, sử dụng đúng mục đích.
Khác với cơ quan, tổ chức phải mở sổ kế toán, cá nhân khi kêu gọi từ thiện có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện; đồng thời lập báo cáo và công khai tình hình tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp theo quy định của pháp luật.
Thí điểm cho phạm nhân ra ngoài trại giam lao động
Nghị quyết 54/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam chính thức có hiệu lực từ ngày 1-9 và được thực hiện trong năm năm.
Nghị quyết 54 cho phép trại giam của Bộ Công an được áp dụng thí điểm hợp tác với tổ chức trong nước để triển khai hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Trong đó, số lượng trại giam được áp dụng thí điểm không quá 1/3 tổng số trại giam thuộc Bộ Công an.
Việc thí điểm được tổ chức thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; phục vụ hiệu quả công tác giáo dục cải tạo, tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân; giúp phạm nhân tìm việc làm sau khi chấp hành xong án phạt tù.
Phạm nhân lao động, hướng nghiệp, học nghề trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, được trả một phần công và có quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự; thu nhập của tổ chức hợp tác với trại giam trong thời gian thí điểm thì được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp…
Nghị quyết cũng nêu rõ các trường hợp phạm nhân không được đưa ra ngoài trại giam như phạm nhân phạm một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; phạm nhân tái phạm nguy hiểm…
Tại dự thảo nghị định hướng dẫn Nghị quyết 54 nói trên do Bộ Công an xây dựng, ngoài các trường hợp được quy định tại nghị quyết thì cũng không đưa ra ngoài trại giam các phạm nhân phạm các tội như hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi; lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Để được xét đưa ra ngoài trại giam, phạm nhân phải có đủ các điều kiện về nơi cư trú rõ ràng; ý thức chấp hành nội quy cơ sở giam giữ, ý thức cải tạo tiến bộ; kết quả xếp loại và thời gian chấp hành án còn lại.
Đặc biệt, đối với phạm nhân có tiền sử nghiện ma túy phải xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, chỉ lựa chọn số phạm nhân không còn biểu hiện lệ thuộc ma túy để đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam.
Cố ý tố giác, báo tin tội phạm sai sự thật bị phạt nặng
Ngày 29-8 vừa qua, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Pháp lệnh chính thức có hiệu lực từ ngày 1-9.
Theo pháp lệnh, người có hành vi cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật sẽ bị phạt tiền 1-5 triệu đồng. Trường hợp cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, người có thẩm quyền; lôi kéo, xúi giục, lừa dối, mua chuộc, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực buộc người khác tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì mức phạt là 5-15 triệu đồng (nếu chủ thể vi phạm là luật sư (LS) thì mức phạt là 15-30 triệu đồng).
Nêu lý do vì sao cùng một hành vi vi phạm mà LS lại bị xử phạt nặng hơn các chủ thể khác, Phó Chánh án thường trực TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết: Theo quan điểm của TAND Tối cao, LS là người am hiểu pháp luật. Khi tham gia tố tụng, LS phải thể hiện sự tôn trọng pháp luật, thậm chí làm gương cho những người khác tuân thủ theo. Bởi vậy khi họ vi phạm thì mức xử phạt sẽ nặng hơn.
Ngoài ra, pháp lệnh cũng quy định về việc xử phạt đối với người có hành vi không có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan tố tụng.
Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 1 triệu đồng đối với người tham gia tố tụng đã được triệu tập mà vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho hoạt động tố tụng.
Gửi hàng trên xe khách phải cung cấp ít nhất năm thông tin
Chính thức có hiệu lực từ ngày 1-9, Nghị định 47/2022 của Chính phủ quy định đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, tài xế, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi ô tô (người gửi hàng hóa không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi cung cấp đầy đủ, chính xác năm thông tin gồm: Tên hàng hóa, họ và tên, địa chỉ, số CMND/CCCD, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận. Đối với cân nặng hàng hóa có thể yêu cầu hoặc không.Ngoài ra, Nghị định 47 cũng bổ sung quy định mới về việc lắp thiết bị giám sát hành trình đối với ô tô. Từ ngày 1-7-2023, đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng ô tô kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp camera, khi tham gia kinh doanh vận tải lần đầu phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera để được cấp phù hiệu, biển hiệu.
Trong đó, các đơn vị kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp camera được quy định tại Nghị định 10/2022 bao gồm: Ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ chín chỗ (kể cả người lái xe) và ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo.