Vừa qua, tại hội thảo "Thanh niên khởi nghiệp – những vấn đề lý luận pháp luật về hỗ trợ vốn cho thanh niên khởi nghiệp và một số gợi mở" do Trường ĐH Luật Hà Nội và Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam tổ chức, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, theo báo cáo chỉ số khởi nghiệp Việt Nam từ năm 2017 – 2018 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong năm 2017, cứ 100 người trưởng thành thì có 23 người đang trong giai đoạn khởi sự kinh doanh.
Sự tự tin về năng lực kinh doanh thường thể hiện rõ nét với tuổi trẻ: tỉ lệ thanh niên (18 – 34 tuổi) nhận thức có khả năng kinh doanh sáng tạo ở mức cao (55%), tỉ lệ người nằm trong độ tuổi 25-34 tham gia vào giai đoạn khởi sự kinh doanh cao nhất, chiếm tỷ lệ 54%. Nhiều thanh niên Việt Nam khởi nghiệp thành công có tên trong danh sách những gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất châu Á.
Hiện nay, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách, giải pháp thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là Đề án 844 tạo lập môi trường thuận lợi cho cộng đồng Startup, đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.
Các trường đại học cũng đã bắt đầu chú trọng việc thúc đẩy nghiên cứu, tạo ra nguồn lực về mặt phát kiến mà các thế hệ thanh niên có thể nhanh chóng chuyển giao trở thành những ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống. Thái độ xã hội đối với khởi nghiệp, với giới doanh nhân đã có rất nhiều chuyển biến tích cực, vai trò của doanh nhân, của việc khởi nghiệp đã được nâng cao.
Theo nhiều ý kiến, khi mới bắt đầu khởi nghiệp, thanh niên gặp không ít những khó khăn và thách thức. Ảnh PHI HÙNG |
Tuy nhiên, khi mới bắt đầu khởi nghiệp, thanh niên còn gặp nhiều thách thức, hạn chế như thiếu nền tảng kiến thức tổng quát, chẳng hạn như nhiều người giỏi chuyên môn nhưng lại không có kiến thức về kinh doanh quản trị, thiếu kiến thức về phát triển và hoàn thiện sản phẩm; thiếu vốn kinh doanh để phát triển doanh nghiệp, sản phẩm, đổi mới công nghệ; thiếu hiểu biết pháp luật liên quan đến kinh doanh, tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ; thiếu những trải nghiệm để xử lý các công việc dẫn đến những sai lầm, thất bại... Cùng với đó là những khó khăn từ sự cạnh tranh gay gắt đến từ các doanh nghiệp nước ngoài hoặc những thử thách bất ngờ như đại dịch COVID-19.
Để thúc đẩy và phát triển mô hình thanh niên khởi nghiệp cũng như là tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn của thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh cho rằng cần thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp của thanh niên. Tăng cường tuyên truyền, thổi vào thanh niên và sinh viên khát vọng lập thân, lập nghiệp và ý chí làm giàu vì một đất nước Việt Nam ngày càng phát triển và hội nhập.
Xây dựng các chính sách cho các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt là chính sách cho những doanh nghiệp công nghệ số. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hỗ trợ, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cũng như tháo gỡ các rào cản trong thủ tục hành chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Tư vấn, đào tạo, hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng cho thanh niên khởi nghiệp. Tổ chức nhiều cuộc khi khởi nghiệp từ cấp quốc gia, khu vực. Tổ chức thường xuyên các cuộc thi với các hoạt động bồi dưỡng chuyên đề, trao đổi với ban cố vấn là cơ hội học hỏi nâng cao năng lực thiết thực nhất của tất cả doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia.
Về đáp ứng nhu cầu về vốn cho thanh niên khởi nghiệp cần có sự đa dạng nguồn vốn huy động tại Việt Nam và dễ tiếp cận với đối tượng thanh niên…
Cũng tại hội thảo, một số ý kiến cho rằng thanh niên khởi nghiệp đang là một chủ đề “nóng” hiện nay; trong đó việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào cung ứng dịch vụ hỗ trợ vốn cho thanh niên khởi nghiệp cũng là một vấn đề cần quan tâm vì đây là một mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái thanh niên khởi nghiệp.
Để mắt xích này không bị đứt đoạn, hay nói cách khác, nhằm tăng sức hấp dẫn cho lĩnh vực này, Nhà nước cần hoàn thiện hơn nữa những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân này.