UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản báo cáo gửi đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh về Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê. Báo cáo này nhằm phục vụ hoạt động chất vấn tại kì họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đang diễn ra.
Theo đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Dự án Khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê sử dụng công nghệ khai thác chưa phù hợp với đặc thù địa chất mỏ tại đây, nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, phương thức vận chuyển quặng của dự án khó khả thi, hiệu quả thấp; thị trưởng tiêu thụ quặng sắt chưa chăc chắn và năng lực tài chính của nhà đầu tư không bảo đảm.
Tỉnh Hà Tĩnh cũng dẫn quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về dự án này, trong đó, Bộ KH&ĐT thống nhất chọn phương án chấm dứt hoạt động dự án.
Thiết bị, hạ tầng phục vụ dự án mỏ sắt Thạch Khê đang nằm chờ. Ảnh: ĐL |
Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, việc chấm dứt dự án là có cơ sở pháp lý và phù hợp thực tiễn, đảm bảo được vấn đề môi trường, nhất là môi trường ven biển, không đặt ra mối đe dọa, rủi ro về môi trường nữa. Từ đó, tạo tiền đề vững chắc để Hà Tĩnh tập trung nguồn lực và cơ sở hạ tầng cho kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, dự án được khởi động từ năm 2008, đến nay gần 14 năm đã gây ra những hệ lụy, tác động lớn đến đời sống, sản xuất của người dân và sự phát triển của địa phương. “Dù tỉnh Hà Tĩnh nhiều lần đề xuất với các bộ, ngành dừng dự án nhưng vẫn chua được xem xét. Cử tri Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ cho biết hướng xử lý tổ hợp dự án này”- Văn bản của tỉnh Hà Tĩnh nêu.
Trong khi đó, trao đổi với PLO, lãnh đạo Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), cổ đông nắm giữ tỉ lệ cổ phần chính của dự án nêu quan điểm tiếp tục triển khai dự án. TKV cho rằng, nếu dự án dừng hoạt động sẽ gây ra hệ lụy nghiêm trọng. Việc dừng dự án sẽ ảnh hưởng đến tài chính của các cổ đông góp vốn thực hiện dự án, nguy cơ tổn thất vốn của doanh nghiệp, Nhà nước; Phá vỡ quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt và Quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh đã được Chính phủ phê duyệt.
Dự án đang gây ra hệ lụy cho cả địa phương và doanh nghiệp. Ảnh: ĐL |
Đồng thời gây mất niềm tin của doanh nghiệp, không phát huy được tài nguyên sẵn có để phát triể kinh tế, xã hội đất nước. Đáng chú ý, mặc dù đề nghị dừng thực hiện dự án nhưng UBND tỉnh Hà Tĩnh vẫn yêu cầu TIC phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và nộp tiền thuê đất, thuế phi nông nghiệp.
Năm 2021, Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định ngừng sử dụng hóa đơn của TIC. Quyết định này khiến cho mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của TIC bị tê liệt, đặc biệt từ năm 2021 đến nay, TIC không thể tiến hành trả lương cho công nhân, người lao động, làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người lao động.
Do đó, nhà đầu tư cho biết sẽ tiếp tục báo cáo, giải trình đề nghị với Chính phủ, các bộ ngành, chính quyền đia phương xem xét toàn bộ quá trình triển khai Dự án một cách toàn diện, khách quan nhằm giải quyết triệt để những bức xúc của người lao động và của người dân vùng dự án.
Khi giải quyết được những vấn đề này, chủ đầu tư sớm tái khởi động dự án nhằm mang lại hiệu quả, lợi ích quốc gia, nhân dân vùng dự án, địa phương và doanh nghiệp.
TIC cũng sẽ áp dụng công nghệ khai thác mỏ tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện địa chất vùng, đảm bảo hiệu quả, an toàn, giảm thiểu tổn thất tài nguyên và tác động xấu tới môi trường.
Nhà đầu tư cũng cam kết tập trung đảm bảo đủ năng lực để triển khai Dự án đạt hiệu quả cao nhất nếu được Bộ Chính trị, Thủ tướng và các cấp có thẩm quyền tiếp tục cho phép thực hiện Dự án.
Điều này sẽ giúp đảm bảo cung cấp nguyên liệu ổn định lâu dài cho các cơ sở luyện kim trong nước theo Quy hoạch ngành đã được Chính phủ phê duyệt; Giảm nhập khẩu quặng, phôi thép từ nước ngoài; Tạo nguồn thu ngân sách lớn cho nhà nước, đem lại việc làm cho lao động địa phương.
Theo tính toán với giá bán quặng 50 USD/tấn (giá quặng sắt 62% cập nhật ngày 5-6-2022 là 144,4 USD/tấn) thì dự án nộp ngân sách trung bình giai đoạn I là 1.200 tỉ đồng/năm, giai đoạn II là 2.400 tỉ đồng/năm. Ngoài ra, còn các khoản thuế, phí khác như thuế xuất nhập khẩu, thuế TNDN, thuê đất, ...
Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê thuộc địa bàn 6 xã của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh (Thạch Hải, Thạch Khê, Thạch Đỉnh, Thạch Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc). Dự án có tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là hơn 14.500 tỉ đồng, chia làm hai giai đoạn, tổng diện tích sử dụng đất: 4.821 ha, trong đó gần 3.900 ha đất liền và hơn 920 ha lấn biển.
Dự án ban đầu gồm có 9 cổ đông thành lập Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC):
Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV- 30%); Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (MITRACO-24%); Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTELL-20%); Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT-4%); Tập đoàn Sông Đà; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (VINASHIN); Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Minh (BITEXCO); Công ty Cổ phần Khoáng sản luyện kim Thăng Long (Thăng Long).
Hiện tại, TKV và các cổ đông còn lại là MITRACO, VNSTEEL, BITEXCO và Thăng Long đã góp khoảng gần 2.000 tỉ đồng