Những thách thức trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số

(PLO)- Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông dẫn đến việc bảo vệ sở hữu trí tuệ (SHTT) đang đối mặt với nhiều thách thức mới.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm nay (11-12), Viện Luật So sánh (Trường ĐH Luật TP.HCM) phối hợp với Viện Nghiên cứu Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực (Hiệp hội các Trường Cao đẳng, Đại học Việt Nam) tổ chức tọa đàm Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: cơ hội và thách thức trong kỷ nguyên số.

Gia tăng vi phạm sở hữu trí tuệ trên không gian mạng

Theo ban tổ chức, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông, việc bảo vệ sở hữu trí tuệ (SHTT) đang đối mặt với nhiều thách thức mới.

Các nền tảng số giúp tăng khả năng tiếp cận và quảng bá các sản phẩm sáng tạo như âm nhạc, phim ảnh, phần mềm hay thiết kế. Tăng cường kết nối giữa nhà sáng tạo và khách hàng trên toàn cầu…

Bên cạnh đó, tồn tại không ít những thách thức như gia tăng vi phạm SHTT trên không gian mạng. Sao chép, phát tán trái phép các sản phẩm số trở nên dễ dàng hơn với công nghệ hiện đại. Các trang web lậu, ứng dụng vi phạm bản quyền ngày càng tinh vi. Không gian mạng xuyên biên giới khiến việc xác định nơi vi phạm và đối tượng chịu trách nhiệm trở nên phức tạp...

Toạ đàm nhằm mục đích giúp cung cấp kiến thức cơ bản và cập nhật về pháp luật SHTT, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ và quản lý quyền SHTT tại Việt Nam và quốc tế.

sở hữu trí tuệ
GS.TS Đỗ Văn Đại (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM) chủ trì tọa đàm. Ảnh: YC

Tại tọa đàm, GS.TS Đỗ Văn Đại (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM) cũng đặt ra một số vấn đề về việc xem nhẹ thực thi quyền SHTT, tầm nhìn của doanh nghiệp về SHTT chưa cao, các địa phương còn hạn chế chi phí để nâng cao kiến thức về SHTT... Ông Đại cũng hi vọng trong tương lai, hai Viện sẽ có sự phối hợp nhiều chương trình hơn nữa.

so-huu-tri-tue.jpg
TS Nguyễn Thái Cường (phụ trách Viện Luật So sánh, Trường ĐH Luật TP.HCM) nêu nhiều thách thức trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số. Ảnh: YC

Những thách thức trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Tại tọa đàm, TS Nguyễn Thái Cường (phụ trách Viện Luật So sánh, Trường ĐH Luật TP.HCM) trình bày về khung pháp lý Việt Nam về bảo vệ quyền SHTT trong môi trường số.

Theo TS Cường, cơ sở pháp lý bảo vệ quyền SHTT trong môi trường số tại Việt Nam bao gồm hệ thống văn bản pháp luật liên quan. Đó là Luật SHTT (2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019, 2022), là khung pháp lý cơ bản quy định về bảo vệ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng, bao gồm cả trong môi trường số. Luật An ninh mạng (2018) đề cập đến việc bảo vệ dữ liệu và thông tin cá nhân, hỗ trợ gián tiếp việc bảo vệ quyền SHTT trên các nền tảng số và các điều ước quốc tế.

Đồng thời có các quy định cụ thể về môi trường số như bảo vệ quyền tác giả trên không gian mạng, các hành vi sao chép, phát tán trái phép tác phẩm trên internet đều bị cấm. Xử lý vi phạm bản quyền trực tuyến, quy định về biện pháp xử lý như gỡ bỏ nội dung vi phạm, ngừng cung cấp dịch vụ internet...

TS Cường cũng đưa ra những thách thức trong bảo vệ quyền SHTT trong môi trường số. Đó là việc vi phạm bản quyền tràn lan, việc sao chép, phát tán nội dung số (nhạc, phim, sách điện tử) trái phép diễn ra phổ biến do tính chất dễ dàng, chi phí thấp. Các nền tảng mạng xã hội và trang web phát trực tuyến thường là nơi vi phạm quyền tác giả.

Thách thức nữa là khó khăn trong thực thi pháp luật đến từ khả năng truy vết. Đặc điểm ẩn danh của người dùng trên không gian mạng gây khó khăn cho việc xác định đối tượng vi phạm. Các cơ quan chức năng chưa được trang bị đầy đủ công nghệ và nhân lực để xử lý các vi phạm phức tạp trên môi trường số.

Cạnh đó, một thách thức từ nền tảng xuyên quốc gia khi các nền tảng như YouTube, Facebook, TikTok thường đặt máy chủ ở nước ngoài, gây khó khăn trong việc áp dụng luật quốc gia và phối hợp quốc tế.

so-huu-tri-tue 3.jpg
Quang cảnh toạ đàm. Ảnh: YC

Từ đó, TS Cường cũng đề xuất nhiều giải pháp. Trong đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm của các nền tảng số trong việc kiểm soát nội dung vi phạm quyền SHTT, xây dựng cơ chế xử lý nhanh các khiếu nại bản quyền trực tuyến.

Đồng thời, tăng cường thực thi pháp luật, đào tạo chuyên sâu cho cán bộ thực thi pháp luật về kỹ năng sử dụng công nghệ để xử lý vi phạm trên môi trường số. Hợp tác quốc tế để truy vết và xử lý vi phạm xuyên quốc gia, đặc biệt thông qua WIPO và các hiệp định thương mại tự do…

Khi kiện về sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp gặp khó khăn gì?

Dưới góc nhìn thực tiễn, thẩm phán Dương Quốc Cường (TAND quận Bình Tân, TP.HCM) chia sẻ rằng khi doanh nghiệp bị xâm phạm về nhãn hiệu, giải pháp hữu ích, tên thương mại, doanh nghiệp sẽ khởi kiện yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên doanh nghiệp gặp khó khăn khi thu thập chứng cứ chứng minh cho thiệt hại. Việc chứng minh thiệt hại rất khó và không làm được nên doanh nghiệp thường phải rút yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Ông nêu ví dụ về một vụ án về xâm phạm giải pháp hữu ích liên quan đến thanh nhôm. Doanh nghiệp khởi kiện đã đăng ký thành công giải pháp hữu ích trong việc vận hành thanh nhôm không phát ra tiếng ồn. Khi bị xâm phạm họ khởi kiện tuy nhiên không chứng minh được thiệt hại và doanh nghiệp này phải rút yêu cầu về bồi thường thiệt hại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm