Sức đề kháng là khả năng cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh đến từ vi khuẩn, virus, thay đổi thời tiết… Suy giảm hệ miễn dịch là nguyên nhân chính gây suy giảm sức đề kháng. Để cải thiện khả năng miễn dịch, chúng ta có thể cải thiện các thói quen hằng ngày. Theo Boldsky, dưới đây là những thói quen có thể giúp tăng khả năng miễn dịch:
Tiêu thụ trái cây có thể giúp tăng cường miễn dịch của cơ thể. Ảnh: NGUYÊN VÕ |
Ăn rau và trái cây
Một thói quen giúp tăng cường miễn dịch tuyệt vời là ăn một chế độ ăn uống lành mạnh dựa trên thực vật. Tiêu thụ những loại trái cây và rau củ giàu vitamin A, B6, C, E, selen, sắt, axit folic, kẽm sẽ giúp tăng khả năng miễn dịch của cơ thể.
Bắp cải tím là một trong những loại thực phẩm tốt để tăng khả năng miễn dịch, do chúng chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao. Ngoài ra, chúng ta nên tiêu thụ nhiều đậu hơn để cải thiện hệ vi khuẩn đường ruột.
Ngủ đủ giấc
Thiếu ngủ đã được chứng minh là làm suy giảm chức năng miễn dịch một cách đáng kể. Trong khi ngủ, các phân tử chống nhiễm trùng quan trọng được tạo ra. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người không ngủ đủ giấc có nhiều khả năng bị bệnh hơn sau khi tiếp xúc với virus, chẳng hạn như virus cảm lạnh thông thường.
Uống đủ nước
Uống đủ nước rất cần thiết cho chức năng miễn dịch vì nó giúp thải độc tố ra ngoài. Uống đủ nước đặc biệt quan trọng đối với những người lớn tuổi, đây là những người tiêu thụ ít nước trong ngày.
Ăn thực phẩm chứa probiotic
Thực phẩm chứa probiotic như sữa chua, được chứng minh là có tác dụng giảm viêm trong cơ thể. Ngoài ra, một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thực phẩm chứa probiotic có thể rút ngắn thời gian cảm lạnh xuống hai ngày và giảm 34% mức độ nghiêm trọng bằng cách tăng số lượng vi khuẩn tốt trong hệ tiêu hóa.
Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục có thể cải thiện khả năng miễn dịch bằng cách tăng cường tuần hoàn tổng thể, giúp các tế bào miễn dịch và các phân tử chống nhiễm trùng khác dễ dàng di chuyển khắp cơ thể hơn.
Mỗi ngày chúng ta chỉ cần 30 phút tập thể dục ở mức độ vừa phải đến mạnh có thể cải thiện hệ thống miễn dịch.