“Các công dân của chúng ta không thể thay đổi được thói quen xấu của họ. Khi đến châu Phi, họ không đoàn kết và thường xuyên đánh nhau”, Đại sứ Lu nói. Ông đề cập vấn đề cạnh tranh giữa các công ty Trung Quốc để giành hợp đồng và vấn nạn nhà thầu Trung Quốc hối lộ quan chức Tanzania.
Ông Lu cũng bày tỏ quan ngại về chất lượng nhiều dự án cơ sở hạ tầng ở các nước châu Phi xung quanh do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện với giá thấp một cách đáng nghi ngờ. “Khi tôi trở thành Đại sứ năm 2012, làm mỗi cây số đường tốn khoảng nửa triệu USD. Sau đó, chi phí tăng lên để đảm bảo chất lượng đường”, ông Lu nói.
Tuy nhiên, một số công ty Trung Quốc (bị chính quyền Tanzania cấm cửa) vẫn đang làm đường ở nhiều nước xung quanh với chi phí chỉ từ 300.000 USD đến 400.000 USD/km. “Điều gì sẽ xảy ra với những con đường đó sau 3-5 năm nữa?”, ông Lu đặt câu hỏi.
Ông Lu cũng cho biết, Đại sứ quán Trung Quốc rất căng thẳng mỗi lần chính quyền Tanzania thông báo có thêm một vụ thu giữ ngà voi. Cảnh sát và chính quyền địa phương thường phàn nàn về tình trạng người Trung Quốc giấu ngà voi trong ca-pô xe hoặc thậm chí giấu trong đồ lót của phụ nữ để lên máy bay.
Ông Adams Bodomo, giáo sư nghiên cứu châu Phi tại Đại học Vienna (Áo), chia sẻ những quan ngại của ông Lu. “Tình trạng doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn gian dối ở châu Phi xảy ra nhan nhản, đặc biệt là hoạt động khai thác mỏ trái phép ở Ghana, săn bắt động vật quý hiếm ở Nam Phi và hối lộ quan chức để làm những công trình hạ tầng kém chất lượng trên khắp châu lục”, giáo sư Bodomo nói. Ông cho rằng, các chính phủ ở châu Phi phải tăng cường hiệu quả của hệ thống kiểm tra, giám sát.
Trước đó, Đại sứ Trung Quốc tại Namibia, ông Xin Shunkang, đã lên tiếng kêu gọi những người Trung Quốc tại quốc gia châu Phi này tránh “những hành vi không thích hợp” và tuân thủ luật pháp nước sở tại, xây dựng quan hệ lao động hài hòa khi làm ăn ở đây.
Ông Xin nói rằng, Đại sứ quán Trung Quốc hay bị quấy rầy bởi các hành vi ngỗ ngược của một số doanh nhân Trung Quốc. “Mọi người đều biết những vụ việc bị nêu trên báo chí gần đây; cách làm ăn của người Trung Quốc bị chỉ trích. Chúng tôi cảm thấy rất tồi tệ, nên tôi đã phải tập hợp họ lại để yêu cầu họ điều chỉnh hành vi của mình”, trang tin chuyên về châu Phi All Africa dẫn lời ông Xin.
Báo chí địa phương trước đó nêu tình trạng doanh nhân Trung Quốc đối xử bất công với người lao động. Hai doanh nhân Trung Quốc ở thành phố Otjiwarongo của Namibia phải công khai xin lỗi vì đã bắt công nhân xử lý phân người.