Những ngày qua, Israel liên tục tấn công TP Rafah (cực Nam Dải Gaza) - nơi Israel xem là thành trì cuối cùng của Hamas. Trong đó, vụ không kích trại tị nạn ở khu phố Tal al-Sultan hôm 26-5 khiến 45 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương được xem là vụ việc đáng chú ý và gây phẫn nộ nhất đối với cộng đồng quốc tế.
Những thi thể cháy thành than
Chiều 26-5 (giờ địa phương), anh Mohammad Al-Haila (35 tuổi) - người đã sơ tán từ miền trung Gaza đến TP Rafah do các đợt giao tranh - đang đi mua một số hàng hóa tại một cửa hàng thì nhìn thấy một tia sáng lớn theo sau là những tiếng nổ liên tiếp và sau đó là một ngọn lửa lớn.
“Tôi cảm thấy cơ thể mình lạnh cóng vì sợ hãi” - anh Haila kể với tờ The Washington Post qua điện thoại, cho biết anh ngay sau đó vội vàng chạy đến khu vực hỏa hoạn để tìm kiếm người thân.
“Tôi nhìn thấy ngọn lửa bùng lên, những thi thể cháy đen, mọi người chạy tán loạn và những lời kêu cứu vang lên ngày càng lớn. Chúng tôi bất lực trong việc giải cứu họ” - anh Haila nói.
Vụ không kích này cướp đi bảy người thân của anh Haila, trong đó người lớn nhất 70 tuổi, bốn đứa con của anh cũng thiệt mạng.
“Chúng tôi không thể nhận dạng được họ vì các thi thể đã cháy thành than. Các đường nét trên khuôn mặt hoàn toàn biến mất” - anh Haila kể lại.
Một nhân chứng khác, anh Ahmed Al-Rahl (30 tuổi) - cũng là một người sơ tán từ phía bắc Gaza - kể lại rằng gia đình anh đang chuẩn bị đi ngủ thì nghe thấy nhiều tiếng nổ lớn, sau đó, cả căn lều của gia đình anh rung chuyển và sự hỗn loạn dần bao trùm cả trại tị nạn.
“Không ai biết phải làm gì. Những đứa trẻ trong khu trại chạy đến chỗ chúng tôi và nhờ cứu ba mẹ chúng đang bị lửa thiêu đốt” - anh Al-Rahl kể lại.
Anh Rahl mang bình cứu hỏa đến giúp nhưng nói rằng anh không biết phải làm gì khi xung quanh anh là “những thi thể không còn nguyên vẹn, những đứa trẻ không đầu và những cái xác đã cháy thành tro”.
Cũng theo anh Rahl, trong lều không có nước để dập lửa, cộng thêm vật liệu làm lều dễ cháy cùng các bình gas nấu ăn phát nổ khiến vụ hỏa hoạn thêm khủng khiếp.
“Tôi đã tận mắt chứng kiến một người đang cháy kêu cứu nhưng tôi không cứu được anh ấy” - anh Al-Rahl kể lại.
Đang ở ngoài lều lúc vụ không kích trại tị nạn xảy ra, ông Mohammad Abu Shahma (45 tuổi) vội chạy đến lều tìm gia đình khi nghe tin không kích.
Tưởng rằng cả gia đình sẽ an toàn vì lều của gia đình ông cách nơi xảy ra vụ tấn công gần 0,5 km, nhưng ông Shahma đã đau đớn chứng kiến anh trai của ông qua đời sau khi bị mảnh đạn đâm vào ngực và cổ. Anh trai của ông Shahma là cha của 10 đứa trẻ, một số trong những đứa trẻ này đã bị thương.
Ông Shahma và gia đình 50 thành viên của ông đã chuẩn bị xong đồ đạc để sơ tán đến nơi khác. Họ quyết định rằng phụ nữ và trẻ em sẽ chuyển đến khu vực Mawasi - một vùng đất ven biển phía tây bắc Rafah, nơi Israel sơ tán dân thường đến đây, còn đàn ông trong nhà sẽ đến TP Khan Younis gần đó.
“Chúng tôi thậm chí không có thời gian để đau buồn vì những người đã mất. Tất cả những gì quan trọng với chúng tôi bây giờ là cứu những người còn sống” - ông Shahma chia sẻ.
Phòng khám hỗn loạn
Khoảng 10 giờ tối, số người chết và bị thương trong vụ không kích trại tị nạn được đưa đến các phòng khám dã chiến trong khu vực.
Ông Samuel Johann - điều phối viên cấp cứu của Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới ở Gaza - nói rằng có 28 người chết trên đường đến một trung tâm cứu thương do Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới điều hành, cách địa điểm xảy ra vụ tấn công chưa đến 3 km.
Theo ông Johann, trung tâm đã điều trị cho 180 bệnh nhân bỏng nặng, hoặc mất các bộ phận cơ thể do mảnh đạn ghim trúng.
Xa hơn về phía tây, tại một phòng khám do tổ chức nhân đạo International Medical Corps điều hành, bác sĩ Ahmed al-Mokhallalati kể lại tình trạng hỗn loạn trong phòng khám, nơi mọi người tuyệt vọng tìm kiếm người thân.
Bác sĩ Mokhallalati kể lại rằng có một cô bé đến hỏi từng người trong phòng khám xem có gặp ba mẹ em không, nhưng không may ba mẹ cô bé nằm trong số những người thiệt mạng.
Vị bác sĩ cho biết nhiều người đến phòng khám với những vết thương khủng khiếp và phải cắt cụt chi. Ông Mokhallalati cùng các đồng nghiệp đã trải qua một đêm dài với hơn 12 giờ trong phòng phẫu thuật.
Ông Mokhallalati nhớ lại ca phẫu thuật cho một bé gái 6 tuổi với vết thương kéo dài từ đùi đến bụng do trúng mảnh đạn. Cô bé sau đó không qua khỏi.
Bác sĩ Mokhallalati cho biết phòng khám đã hết găng tay y tế, áo bảo hộ và các vật dụng cơ bản khác để điều trị vết thương hở. “Chúng tôi đang cạn kiệt mọi thứ, theo đúng nghĩa đen” - ông nói với The Washington Post.
Cũng theo vị bác sĩ, những bệnh nhân cần được chuyển lên tuyến trên không tìm được nơi chữa trị vì hai bệnh viện lớn ở Rafah đã bị lực lượng Israel yêu cầu sơ tán trước đó, một bệnh viện nhỏ hơn cũng cho biết phải đóng cửa sau nhiều đợt tấn công.
Theo The Washington Post, khu trại tị nạn trúng không kích hôm 26-5 không nằm trong khu vực mà quân đội Israel yêu cầu sơ tán và người dân cũng không được yêu cầu rời đi trước khi vụ tấn công xảy ra.
Lời kêu gọi liên tục từ cộng đồng quốc tế
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 27-5 yêu cầu Israel thực hiện mọi biện pháp bảo vệ dân thường sau thảm kịch tại Rafah.
“Israel có quyền truy đuổi Hamas và chúng tôi hiểu rằng cuộc tấn công này đã giết chết hai kẻ khủng bố cấp cao của Hamas. Nhưng như chúng tôi đã nói rõ, Israel phải thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa có thể để bảo vệ dân thường” - hãng tin Reuters dẫn lời một người phát ngôn của Nhà Trắng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng ông “phẫn nộ” trước vụ không kích trại tị nạn và kêu gọi “ngừng bắn ngay lập tức”.
Đức - một trong những nước ủng hộ Israel nhiệt thành nhất ở châu Âu - gọi những hình ảnh từ vụ tấn công là “không thể chịu nổi” và nói rằng “dân thường ở Gaza phải được bảo vệ tốt hơn”.
Trong ngày 27-5, một số tổ chức viện trợ quốc tế đã viết một lá thư chung kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) thực thi phán quyết của Tòa Công lý Quốc tế (ICJ), trong đó yêu cầu Israel “dừng ngay lập tức” cuộc tấn công quân sự ở Rafah.
“HĐBA LHQ phải hành động ngay bây giờ để bảo vệ công lý, bảo vệ nhân quyền, duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Nếu không sẽ gây tổn hại các điều kiện để duy trì sự sống của con người ở Gaza và sẽ làm suy yếu niềm tin toàn cầu vào tính ưu việt của luật pháp quốc tế” - theo lá thư chung của các tổ chức viện trợ quốc tế gửi đến HĐBA.