Israel ở thế 'tứ bề thọ địch'

(PLO)- Israel đối mặt áp lực lớn chưa từng có khi tòa án quốc tế, nhiều nước và chính người dân Israel kêu gọi nước này giải quyết các vấn đề liên quan cuộc chiến ở Gaza.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tháng 5 là tháng có nhiều rắc rối đối với Israel. Xét về các chính sách của Israel đối với người Palestine, chưa bao giờ nhà nước này phải chịu áp lực quốc tế từ nhiều bên như lúc này, theo đài CNN.

Tuần này, công tố viên Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) xin lệnh bắt Thủ tướng Israel – ông Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant vì nghi phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người trong cuộc chiến ở Gaza.

Hôm 24-5, Tòa Công lý Quốc tế (ICJ) ra phán quyết yêu cầu Israel ngừng ngay lập tức hoạt động quân sự ở TP Rafah (nam Gaza), cho rằng tình hình nhân đạo ở đó là “thảm họa” và dự báo tình hình sẽ “căng thẳng hơn nữa”.

Israel đối mặt áp lực lớn chưa từng có
Nhóm pháp lý Israel tại Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague (Hà Lan) hôm 24-5. Ảnh: AP

Israel đối mặt áp lực trong lẫn ngoài

Bảy tháng sau khi Hamas tấn công Israel, cuộc chiến của Israel tại Gaza vẫn chưa đạt được mục tiêu. Các lãnh đạo hàng đầu của Hamas vẫn chưa bị bắt và 125 con tin Israel vẫn bị giữ trong dải đất này. Gaza hiện bị tàn phá và hơn 35.000 người dân Gaza đã thiệt mạng do các cuộc tấn công của Israel.

Áp lực từ mọi phía đòi Israel phải chấm dứt cuộc xung đột. Áp lực này từ các trường đại học Mỹ, tòa án quốc tế, những người nổi tiếng ở Mỹ, các đồng minh phương Tây của Israel và thậm chí cả gia đình các con tin Israel.

Các quan chức Israel đang nỗ lực bác bỏ các cáo buộc của tòa quốc tế. Họ chỉ trích các bên là theo chủ nghĩa bài Do Thái và khẳng định sẽ không chùn bước trước áp lực quốc tế.

“Ngay cả khi Israel buộc phải đứng một mình, chúng tôi sẽ đứng một mình và chúng tôi sẽ tiếp tục tấn công kẻ thù một cách mạnh mẽ cho đến khi chiến thắng” – ông Netanyahu nói.

Trong nhiều năm, các quan chức Israel đã phản đối việc đơn phương công nhận Nhà nước Palestine, vì lo ngại điều đó sẽ tạo điều kiện cho người Palestine đưa Israel ra trước tòa án quốc tế và làm suy yếu vị thế của nước này trong các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai.

Do đó, Nhà nước Palestine đã không thể giành được tư cách thành viên đầy đủ tại Liên Hợp Quốc. Một phần nguyên nhân dẫn điều này cũng là do Palestine vấp phải sự phản đối của Mỹ – đồng minh thân cận nhất và là nước thường bảo vệ Israel trên trường thế giới.

Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 10-5 cho thấy sự ủng hộ áp đảo của quốc tế đối với Nhà nước Palestine. Ngoài ra, một số quốc gia đã chọn tự mình hành động để thể hiện quan điểm ủng hộ nhà nước Palestine.

gettyimages-2152178227.webp
Khói bốc lên trong cuộc không kích ở đông Rafah (nam Gaza) hôm 13-5. Ảnh: AFP

Tuần qua, Ireland, Tây Ban Nha và Na Uy công bố kế hoạch chính thức công nhận Nhà nước Palestine, đồng thời cho biết hy vọng động thái này sẽ thúc đẩy các quốc gia khác ở châu Âu làm theo. Động thái này nhanh chóng bị Israel lên án và triệu hồi đại sứ của họ tại 3 nước trên về nước.

“Hôm nay (22-5), Ireland, Na Uy và Tây Ban Nha thông báo rằng chúng tôi công nhận Nhà nước Palestine. Mỗi quốc gia trong số chúng tôi giờ đây sẽ thực hiện bất kỳ bước đi cần thiết nào ở cấp quốc gia để quyết định đó có hiệu lực” – Thủ tướng Simon Harris của Ireland nói tại buổi họp báo ở thủ đô Dublin (Ireland).

Trong khi đó, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store nói rằng xung đột Israel-Hamas “cho thấy rõ rằng việc đạt được hòa bình và ổn định phải dựa trên giải quyết vấn đề Palestine”.

“Giữa một cuộc chiến, với hàng chục nghìn người thiệt mạng và bị thương, chúng ta phải duy trì giải pháp chính trị duy nhất cho cả người Israel và người Palestine, đó là: Hai nhà nước, sống cạnh nhau, trong hòa bình và an ninh” – ông Store nói.

Tương tự, phát biểu trước Hạ viện Tây Ban Nha, Thủ tướng Pedro Sanchez nói rằng việc công nhận nhà nước Palestine là vì “hòa bình, gắn kết và công lý”.

“Sự công nhận này không chống lại người dân Israel và chắc chắn không chống lại người Do Thái. Sự công nhận cũng không có lợi cho Hamas mà chỉ ủng hộ việc cùng tồn tại” – theo ông Sanchez.

Bên cạnh những áp lực quốc tế kêu gọi chấm dứt xung đột, ông Netanyahu cũng chịu áp lực mạnh mẽ trong nước khi nhiều người kêu gọi chính phủ đạt thỏa thuận với Hamas để đưa con tin trở về. Khi các cuộc đàm phán ngừng bắn và thả con tin bị đình trệ, người thân của những người bị bắt cũng thúc ép chính quyền Israel quay lại đàm phán.

Tình thế khó khăn cho đồng minh của Israel

Các vụ việc liên quan ICJ và ICC nói trên là thử thách đối với cam kết của các quốc gia phương Tây về việc đồng hành cùng Israel. Điều này đã tạo ra sự rạn nứt giữa các đồng minh phương Tây của Israel và liên minh nhiều quốc gia Nam bán cầu trải dài khắp châu Á, châu Phi và Nam Mỹ – những nước kêu gọi Israel phải chịu trách nhiệm về các hành động của họ ở Gaza.

Quyết định của công tố viên ICC về việc xin lệnh bắt ông Netanyahu và ông Gallant cũng đã gây chia rẽ giữa các đồng minh phương Tây của Israel.

Mỹ và Anh lên án động thái này. Trong khi đó, các quốc gia châu Âu như Pháp, Đức khẳng định ICC có tính độc lập và không loại trừ khả năng bắt giữ các quan chức Israel nếu họ vào lãnh thổ các nước này, trong trường hợp ICC ban hành lệnh bắt giữ.

Công tố viên cũng xin lệnh bắt 3 thành viên hàng đầu của Hamas: ông Ismail Haniyeh, ông Yahya Sinwar và ông Mohammed Deif. Một hội đồng thẩm phán tại ICC vẫn đang cân nhắc xem có nên ban hành các lệnh này hay không.

Tại Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông có kế hoạch làm việc với quốc hội nước này về biện pháp trừng phạt ICC.

Thượng nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Cộng hòa Lindsey Graham – người dẫn đầu các nỗ lực chống ICC tại quốc hội Mỹ – cho biết: “Nếu họ [ICC] làm điều này với Israel, thì chúng ta là nước tiếp theo”. Theo CNN, phát biểu này cho thấy dù Israel có chịu áp lực lớn ra sao, họ vẫn còn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm