Bước chuyển quốc phòng của Đức-nhà tài trợ vũ khí lớn thứ hai cho Ukraine và Israel

(PLO)- Đức đã có bước chuyển ngoạn mục về quốc phòng khi từ tro tàn của hai cuộc thế chiến trở thành một trong những nhà cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới, đặc biệt cho các cuộc chiến đang diễn ra ở Trung Đông và Ukraine.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đức gánh chịu tổn thất nặng nề trong hai cuộc chiến tranh thế giới khiến phần lớn cơ sở hạ tầng quân sự cũng như ngành công nghiệp quốc phòng bị phá hủy. Tuy nhiên, chỉ vài thập niên sau đó, Đức trở thành một cường quốc xuất khẩu vũ khí toàn cầu, theo trang The EurAsian Times.

Từ đống tro tàn, ngành quốc phòng của Đức đã trở thành một trong những ngành công nghiệp quốc phòng lớn nhất thế giới, chiếm 5,6% xuất khẩu vũ khí toàn cầu từ năm 2019 đến năm 2023.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Đức hiện giữ vị trí là nước xuất khẩu quốc phòng lớn thứ năm thế giới, xếp sau Mỹ, Pháp, Nga và Trung Quốc.

Một thực tế nữa, Đức hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Ukraine và Israel, sau Mỹ.

Từ giải trừ quân bị đến nước xuất khẩu quốc phòng hàng đầu

Tổn thất nặng nề trong Thế chiến hai cả về người lẫn năng lực công nghiệp, Đức trải qua một thời kỳ giải trừ quân bị và phi quân sự hóa đáng kể.

Sau khi Đức Quốc xã đầu hàng đồng minh, phe đồng minh đã áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt đối với khả năng sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự của Đức, khiến nhiều công ty quốc phòng Đức phải chuyển trọng tâm sang sản xuất hàng dân dụng.

Song, Đức vẫn dần dần lấy lại được vị thế, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng Chiến tranh Lạnh. Vào tháng 5-1955, việc Tây Đức gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã thúc đẩy đáng kể ngành công nghiệp quốc phòng của nước này.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và đất nước thống nhất vào năm 1990, ngành công nghiệp quốc phòng Đức trải qua quá trình tái cơ cấu. Trong giai đoạn này, Đức nỗ lực tái vũ trang và hiện đại hóa. Các công ty của Đức như Rheinmetall, ThyssenKrupp và Krauss-Maffei Wegmann quay trở lại sản xuất vũ khí và trở nên nổi tiếng nhờ công nghệ quân sự tiên tiến, bao gồm xe tăng, máy bay và tàu hải quân.

Đức trở thành một trong những nhà cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đứng cạnh xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 của quân đội Đức hồi năm 2022. Ảnh: GETTY IMAGES

Đức xuất khẩu vũ khí sang Israel

Vũ khí nhập khẩu từ Đức đóng vai trò lớn thúc đẩy khả năng phòng thủ của Israel. Dù cũng là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhưng Israel phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu máy bay, bom dẫn đường và tên lửa.

Theo số liệu của SIPRI, trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2023, Mỹ là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Israel, chiếm 69%, ngay sau Mỹ là Đức với 30% tổng sản lượng vũ khí mà Israel nhập khẩu từ nước ngoài.

Tổng giá trị mặt hàng vũ khí mà Đức bán cho Israel trong năm 2023 lên đến 353,7 triệu USD. Do xung đột Israel - Hamas, phê duyệt xuất khẩu quốc phòng của Đức cho Israel trong năm 2023 đã tăng gần gấp 10 so với năm 2022.

Theo hãng thông tấn Đức Deutsche Presse-Agentur, năm qua, Đức chủ yếu cung cấp cho Israel các linh kiện của hệ thống phòng không và thiết bị liên lạc. Ngoài ra còn có 3.000 vũ khí chống tăng cầm tay và 500.000 viên đạn cho súng tự động hoặc bán tự động.

Việc chuyển giao vũ khí của Đức cho Israel đã vấp phải phản ứng từ các quốc gia ủng hộ người Palestine. Hồi tháng 3, Nicaragua đã đệ đơn lên Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) kiến nghị tòa ban hành các biện pháp khẩn cấp yêu cầu Đức ngừng viện trợ quân sự cho Israel.

Nicaragua lập luận rằng Đức “đang tạo điều kiện cho việc thực hiện tội ác diệt chủng”. Một tháng sau đó, ICJ bác bỏ yêu cầu của Nicaragua nhưng nhắc nhở Đức về nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế là không cung cấp vũ khí có thể được sử dụng để vi phạm nhân quyền.

Hỗ trợ của Đức cho Ukraine

Trong lịch sử, Đức luôn duy trì vị thế là nước hỗ trợ quân sự hàng đầu cho Ukraine ở châu Âu cũng như trên toàn cầu, chỉ đứng sau Mỹ.

Khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Đức nhanh chóng nổi lên không chỉ với vai trò đồng minh chính trị vững chắc, nhà cung cấp quốc phòng quan trọng, mà còn là một đối tác kinh tế lớn, cung cấp hàng hóa thiết yếu cho nền kinh tế Ukraine.

Theo báo cáo của đài BBC News, từ tháng 2-2022 đến cuối tháng 2 năm nay, Đức đã cung cấp cho Ukraine lượng vũ khí và thiết bị với giá trị khủng lên tới 10,7 tỉ USD.

Trong số các tài sản quân sự Berlin cung cấp cho Kiev có hai loại vũ khí nổi bật là hệ thống tên lửa không đối không dẫn đường hồng ngoại tầm trung Iris-T và xe tăng Leopard 2.

Đức trở thành một trong những nhà cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới
Tổ hợp tên lửa đất đối không Iris-T mà Đức chuyển giao cho Ukraine. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Ngoài ra, Đức cũng tích cực góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng của quân đội Ukraine khi giúp huấn luyện hơn 10.000 binh sĩ Ukraine tại Đức. Tổng chi phí đào tạo lên tới khoảng 304 triệu USD. Bên cạnh đó, Đức cũng đang phân bổ các quỹ để điều trị y tế cho các binh sĩ Ukraine bị thương.

Theo The EurAsian Times, hiện tại, Đức đang nhắm đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như một thị trường tiềm năng cho xuất khẩu quốc phòng.

Hồi tháng 3, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đề ra ưu tiên xuất khẩu quốc phòng sang các thị trường trọng điểm ở châu Á như Ấn Độ. Berlin và New Delhi đang nỗ lực hợp tác trong lĩnh vực này.

Hiện Đức đã đơn giản hóa các thủ tục cấp phép và thông quan cho hàng hóa quân sự sang Ấn Độ, cũng như xóa bỏ các hạn chế đối với việc bán vũ khí nhỏ và phụ tùng thay thế. Công ty quốc phòng khổng lồ Thyssenkrupp Marine Systems của Đức và công ty Mazagon Dockyards Limited của Ấn Độ cũng đang tăng cường hợp tác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm