Đầu tuần rồi, Ireland, Tây Ban Nha và Na Uy cho biết sẽ công nhận Nhà nước Palestine vào ngày 28-5 tới, một bước hướng tới khát vọng lâu dài của người Palestine trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza vô cùng thảm khốc do xung đột Israel - Hamas.
Cho đến nay, khoảng 140 quốc gia đã công nhận nhà nước Palestine, tuy nhiên phần lớn các quốc gia này không phải các nước phương Tây.
Thế nên, động thái của Ireland, Tây Ban Nha và Na Uy được đánh giá là có ý nghĩa về mặt ngoại giao vì tạo động lực cho các quốc gia khác ở châu Âu công nhận Nhà nước Palestine cũng như làm sâu sắc thêm sự cô lập mà Israel đang đối mặt.
Ý nghĩa đối với Palestine
Theo tờ The New York Times, từ năm 1948, Liên Hợp Quốc (LHQ) đã bỏ phiếu về việc thành lập một quốc gia Ả Rập Palestine nằm cạnh nhà nước Do Thái Israel. Tuy nhiên, những cuộc chiến dai dẳng giữa các nước Ả Rập trong khu vực và Israel đã đẩy giải pháp hai nhà nước gần như đi vào ngõ cụt và các vùng lãnh thổ của người Palestine tiếp tục bị chia rẽ trong bảy thập niên qua. Điều này khiến khát vọng có một quốc gia cho người Palestine tiếp tục chỉ là ước mơ.
Đầu tháng này, khi xung đột Israel - Hamas bước vào tháng thứ 8, Đại Hội đồng LHQ thông qua áp đảo một nghị quyết tuyên bố rằng Palestine đủ điều kiện trở thành thành viên của LHQ. Nghị quyết này cho thấy tình đoàn kết của cộng động quốc tế đối với người Palestine đã trở nên sâu sắc hơn do cuộc chiến ở Gaza.
Trong bối cảnh đó, việc công nhận của ba quốc gia châu Âu, trong đó có hai nước là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) là Ireland và Tây Ban Nha, có ý nghĩa to lớn về mặt ngoại giao. Động thái của ba nước đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh châu Âu sắp bước vào cuộc bầu cử nghị viện từ ngày 6 đến ngày 9-6 tới.
Tuy nhiên, sẽ khó có sự thay đổi trên thực tế đối với các vùng lãnh thổ Palestine ở Dải Gaza và Bờ Tây.
“Quyết định công nhận Nhà nước Palestine là một bước đi cực kỳ quan trọng và mang tính biểu tượng, đặc biệt khi được các quốc gia phương Tây thực hiện. Quyết định này nêu bật sự ủng hộ ngày càng tăng đối với quyền tự quyết của người Palestine trên khắp thế giới. Tuy nhiên, chỉ sự công nhận của các quốc gia này là chưa đủ” - tờ The Conversation dẫn nhận định của ông Simon Mabon, GS Quan hệ Quốc tế tại ĐH Lancaster (Anh).
Cụ thể, đề cập việc công nhận một nhà nước Palestine, Ngoại trưởng Ireland - ông Michael Martin cho biết việc công nhận sẽ dựa trên đường biên giới sau chiến tranh Trung Đông năm 1967, nghĩa là nhà nước Palestine bao gồm Dải Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem là thủ đô.
Tuy nhiên, thực tế của việc này phức tạp hơn nhiều vì hiện có nhiều khu định cư của người Israel trên các vùng lãnh thổ trên.
Israel sáp nhập Đông Jerusalem và coi đây là một phần thủ đô của mình. Trong khi đó, Bờ Tây hiện là nơi sinh sống của hơn 500.000 người Israel và 3 triệu người Palestine ở Bờ Tây đang sống dưới sự quản lý của quân đội Israel.
Tại Dải Gaza, Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu nói rằng Israel sẽ duy trì quyền kiểm soát an ninh ở Gaza ngay cả khi loại bỏ hoàn toàn Hamas.
Hãng tin AP dẫn lời ông Hugh Lovatt - thành viên cấp cao tại viện nghiên cứu Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (trụ sở Đức) rằng “sự công nhận là một bước hữu hình hướng tới con đường chính trị khả thi cho quyền tự quyết của người Palestine”. Tuy nhiên, theo ông Lovatt, để có tác động, việc công nhận phải đi kèm với “các bước hữu hình để chống lại việc Israel sáp nhập cũng như việc người Israel định cư tại lãnh thổ Palestine”.
Tác động với Israel
Ngay sau tuyên bố của Ireland, Tây Ban Nha và Na Uy, chính phủ Israel phản ứng gay gắt bằng cách triệu hồi đại sứ Israel ở ba nước trên về nước, đồng thời triệu tập đại sứ của ba nước tại Israel để gửi thông điệp phản đối.
“Lịch sử sẽ ghi nhớ rằng Tây Ban Nha, Na Uy và Ireland đã quyết định trao huy chương vàng cho những kẻ sát nhân Hamas” - Ngoại trưởng Israel - ông Israel Katz nói.
Ngoài ra, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Israel - ông Itamar Ben-Gvir sau đó tới thăm khu phức hợp nhà thờ Al-Aqsa - nơi người Hồi giáo gọi là Thánh địa cao quý và với người Do Thái là một địa điểm linh thiêng, gọi là Núi Đền.
“Chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ một tuyên bố nào về một Nhà nước Palestine” - ông Ben-Gvir nói trong chuyến thăm.
Chưa dừng lại ở đó, Bộ trưởng Tài chính Israel - ông Bezalel Smotrich cho biết sẽ ngừng chuyển doanh thu thuế dành cho Chính quyền Palestine. Động thái này có nguy cơ làm mất khả năng của Palestine trong việc trả lương cho hàng nghìn công chức.
Theo hiệp định hòa bình tạm thời vào những năm 1990, Israel thay mặt Chính quyền Palestine thu thuế người dân. Sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel hôm 7-10-2023, Israel đóng băng việc chuyển tiền, nhưng đến đầu năm 2024 Israel đồng ý gửi tiền đến Na Uy để Na Uy chuyển cho chính quyền Palestine.
Giới quan sát cho rằng sở dĩ phía Israel có phản ứng dữ dội như vậy bởi vì việc ba nước châu Âu công nhận nhà nước Palestine như một đòn giáng thứ hai vào danh tiếng quốc tế của Israel chỉ trong một tuần.
Hôm 20-5, trưởng công tố viên của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) - ông Karim Khan xin lệnh bắt ông Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Israel - ông Yoav Gallant vì cáo buộc vi phạm tội ác chiến tranh.
Bên cạnh đó, Israel cũng đang bị Nam Phi kiện với cáo buộc diệt chủng người Palestine tại Dải Gaza trong một vụ án do Tòa Công lý Quốc tế (ICJ) thụ lý.
Theo tờ The Guardian, bối cảnh trên khiến các nước đồng minh thận trọng hơn trong việc viện trợ Israel. Trong nước, người Israel cũng nhận thức được rằng đất nước của họ đang bị cô lập hơn về mặt ngoại giao. Điều này thúc đẩy những rạn nứt ngày càng rõ ràng trong nội các của ông Netanyahu cũng như sự suy giảm trong niềm tin của người dân với chính phủ.
Dù vậy, việc Ireland, Tây Ban Nha và Na Uy công nhận nhà nước Palestine khó có thể tác động cuộc chiến ở Gaza, nơi các cuộc đàm phán đang rơi vào bế tắc và Israel vẫn kiên quyết chiến tới cùng với Hamas.
Mỹ nói gì về việc công nhận Nhà nước Palestine?
Tuần rồi, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng giải pháp hai nhà nước là cách tốt nhất giải quyết vấn đề Israel - Palestine nhưng nhắc lại sự phản đối của Mỹ với “bất kỳ sự công nhận đơn phương nào đối với nhà nước Palestine”, theo tờ The Guardian.
“Tổng thống Joe Biden đã lên tiếng ủng hộ giải pháp hai nhà nước. Ông ấy cũng nhấn mạnh rằng giải pháp hai nhà nước nên được thực hiện thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên chứ không phải thông qua sự công nhận đơn phương” - ông Sullivan nói.
Ông Sullivan nhấn mạnh rằng “cách duy nhất để đạt được giải pháp hai nhà nước”, mang lại lợi ích cho cả người Israel và người Palestine là thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên.
Tuy nhiên, vị quan chức Mỹ này chỉ trích việc Israel phản ứng lại quyết định của Tây Ban Nha, Na Uy và Ireland bằng cách ngưng chuyển tiền thuế cho Chính quyền Palestine.
“Tôi nghĩ rằng điều đó là sai về mặt chiến lược vì việc giữ lại các khoản tiền gây bất ổn cho Bờ Tây. Động thái này làm suy yếu việc tìm kiếm an ninh và thịnh vượng cho người dân Palestine, vốn có lợi cho Israel” - ông Sullivan nói thêm.