Những trang sách 'vỡ lòng' không thể nào quên (Kỳ cuối)

Quốc văn giáo khoa thư do Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận biên soạn cho lớp Đồng ấu (lớp một), Dự bị (lớp hai) và Sơ đẳng (lớp ba)

Điều thú vị là cả hai ông đều trùng tên Nam: Sơn Nam (1926-2008) và Giang Nam (1929) khi đọc Quốc văn giáo khoa thư đã tạo cảm hứng cho hai ông viết nên các tác phẩm văn học được nhiều người biết đến. Đó là truyện ngắn Tình nghĩa giáo khoa thư của nhà văn Sơn Nam và bài thơ Quê hương nổi tiếng của nhà thơ Giang Nam.

Nhà văn Sơn Nam đã dành tình cảm đặc biệt trong một truyện ngắn Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư. 

Sơn Nam viết chân tình, mộc mạc để trên 60i năm trôi qua người đọc vẫn thấy cái tình chan chứa của người con cũng là tiếng nói chung của bao tâm trạng khi xa xứ trở về làng quê yên ả.

Từ bài văn này đã tạo cảm hứng cho nhà văn Sơn Nam viết truyện ngắn Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư. 

Ông trích lại một đoạn truyện "Chốn quê hương đẹp hơn cả" trong Quốc văn giáo khoa thư: “…Một người đi du lịch đã nhiều nơi. Hôm về nhà, kẻ quen người thuộc làng xóm, láng giềng đến chơi đông lắm. Một người bạn hỏi ông: ông đi du sơn du thủy…

- Đó đa! Anh Tư nhớ kỹ quá… Người du lịch mới trả lời: ở chốn quê hương… Từ cái bụi tre ở xó vườn cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi cho tôi những tình cảm chứa chan…” Bài đó có hình ông già mang kiếng, chống gậy nói chuyện với mấy người khăn đóng áo dài(câu chuyện miêu tả đoạn đối thoại giữa anh chàng phái viên nhà báo Chim Trời đi đòi tiền báo mua năm của chú Tư Có). 

Nhà văn Sơn Nam đã viết những trang gợi nhớ về một thời cắp sách đến trường: "Còn đâu mùi hương của những quyển sách mới bao bì kỹ lưỡng nhưng vài ngày sau đã rách bìa! Làm sao nghe được tiếng phập phồng trong ngực của đứa bé khi trời mưa to, đi học trễ, run rẩy bước vào trường rồi cởi áo phơi ngay trong lớp... Đây, thấy giáo mặc đồ ba ba, lâu lâu bước ra khỏi lớp để chào hỏi khi thầy xã, thầy cai tổng đi ngang qua. Một đôi lúc, thầy giáo quá cay nghiệt đã dùng thước đánh vào những đầu ngón tay non yếu, hoặc huơ cây thước bảng...

Dầu sao đi nữa, những kỷ niệm xa xưa vẫn vui, vui như một lũ học trò giành nhau chụp cho được cây dùi trống, đánh thùng thùng báo hiệu giờ vào lớp".

Nhà văn Sơn Nam (giữa), hà văn Trần Thanh Phương và tác giả (bên phải). Ảnh ĐỨC HUY

Trong khi đó, Nhà thơ Giang Nam đã từ câu thơ "Ai bảo chăn trâu là khổ" trong Quốc văn giáo khoa thư để viết nên bài thơ Quê hương (được nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu phổ nhạc).

Bài văn Chăn trâu trong Quốc văn giáo khoa thư tạo cảm hứng cho nhà thơ Giang Nam sáng tác bài thơ Quê hương

Nhà thơ Giang Nam hiện sinh sống tại thành phố Nha Trang.

Quê hương

Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường 
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ 
"Ai bảo chăn trâu là khổ'' 
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
Có những ngày trốn học 
Đuổi bướm cạnh bờ ao 
Mẹ bắt được... 
Chưa đánh roi nào tôi đã khóc! 
Có cô bé nhà bên 
Nhìn tôi cười khúc khích...

Cách mạng bùng lên 
Rồi kháng chiến trường kỳ 
Quê tôi đầy bóng giặc 
Từ biệt mẹ, tôi đi 
Cô bé nhà bên có ai ngờ!
Cũng vào du kích 
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích 
Mắt đen tròn thương thương quá đi thôi!
Giữa cuộc hành quân không nói được một lời 
Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại 
Mưa đầy trời mà lòng tôi ấm mãi... 

Hòa bình tôi trở về đây 
Với mái trường xưa, bãi mía, luống cày 
Tôi lại gặp em 
Thẹn thùng nép sau cánh cửa 
Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ 
Chuyện chồng con khó nói lắm anh ơi!
Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi 
Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng... 

Rồi hôm nay nhận được tin em 
Không tin được dù đó là sự thật 
Giặc bắn em rồi, quăng mất xác 
Chỉ vì em là du kích, em ơi!
Đau xé lòng anh, chết nửa con người! 

Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm 
Có những ngày trốn học bị đòn roi 
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất 
Có một phần xương thịt của em tôi.

Quốc văn giáo khoa thư hay những trang sách vỡ lòng đã ố vàng theo thời gian vẫn và mãi mãi lưu lại những ký ức theo năm tháng không thể nào quên của mỗi thế hệ học trò...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm