Niềm tin của dân và vấn đề kiểm soát quyền lực

Một hội thảo lớn về kiểm soát quyền lực được Ban Nội chính Trung ương tổ chức sáng 21-1 khi chỉ vài ngày nữa, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ khai mạc.

Mục đích của hội thảo là cung cấp các cơ sở khoa học, thực tiễn để triển khai nhiệm vụ mà Bộ Chính trị giao Ban Nội chính Trung ương: Chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam xây dựng đề án “tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành hoặc chỉ đạo ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng”.

Với tính chất như thế, những vấn đề rất lớn, từ lý luận quyền lực và kiểm soát quyền lực, đến phòng ngừa lạm quyền trong từng lĩnh vực cụ thể như điều tra, truy tố, xét xử, thanh tra, kiểm toán, quản lý ngân sách, mua sắm công… đã được thẳng thắn nêu ra.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NGHĨA NHÂN 

Đảng đang tự và chịu sự kiểm soát quyền lực thế nào?

Được mời phát biểu đầu tiên, PGS-TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, nêu khái quát vấn đề kiểm soát quyền lực trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Theo ông, về mặt lý luận, đến nay đã thống nhất về yêu cầu kiểm soát quyền lực cả của Đảng và Nhà nước.

“Hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay chỉ có một đảng chính trị nên Đảng Cộng sản Việt Nam một lúc thực thi hai quyền: quyền lực chính trị (lãnh đạo) và quyền lực nhà nước (cầm quyền). Vì vậy, Đảng phải tự giới hạn quyền lực, bằng cách trong hiến pháp quy định là lực lượng lãnh đạo, chứ không phải là chủ thể thực thi quyền lực nhà nước” - ông Thông nói.

Định chế như vậy cũng là một sự khẳng định nguyên tắc Đảng lãnh đạo nhưng không phải là Nhà nước, không làm thay Nhà nước, không ra văn bản quy phạm pháp luật như Nhà nước.

Ngoài ra, cũng trong hiến pháp ràng buộc các tổ chức Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật. Đồng thời Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

Các nguyên tắc kiểm soát quyền lực ấy không chỉ được quy định trong hiến pháp mà còn được khẳng định trong chính Cương lĩnh, Điều lệ của Đảng. Và để giữ được tính cách mạng, Đảng thực hiện cơ chế “tự kiểm soát” bằng các hình thức sinh hoạt Đảng như tự phê bình và phê bình, kỷ luật Đảng, hoạt động kiểm tra, giám sát từ chi bộ tới Trung ương.

Vượt lên tất cả, theo ông Thông, “chế tài” mạnh nhất đối với kiểm soát quyền lãnh đạo của Đảng là lòng tin của nhân dân, của những người đi theo Đảng. “Mất lòng tin của nhân dân sẽ dẫn tới nguy cơ mất vai trò lãnh đạo và mất quyền lãnh đạo, dù quyền đó có được chế định pháp lý” - ông Thông thẳng thắn.

Tôn trọng nguyên tắc xét xử độc lập

Bình luận về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực xét xử, PGS-TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, nhận xét từ sau Nghị quyết 49 về chiến lược cải cách tư pháp 2005 đến gần đây là Hiến pháp 2013, nhiều luật tố tụng đã được sửa đổi toàn diện và ngành tòa án cũng ban hành nhiều quy định mới. Nhìn chung, các văn bản ấy vừa thừa nhận vai trò, nâng tầm tòa án với tính chất là quyền lực tư pháp, vừa siết chặt kỷ luật, kỷ cương nghề nghiệp, hạn chế việc lạm dụng trong hoạt động nghiệp vụ, xét xử.

Tuy nhiên, theo ông Độ, kiểm soát quyền lực bằng tôn trọng nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật vẫn chưa được nhận thức đầy đủ, nhất quán. “Tình trạng chỉ đạo, báo án dẫn tới tình huống thẩm phán không được độc lập nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về những sai sót trong nghiệp vụ”.

Trong hành chính tư pháp còn những bất hợp lý như trao cho chánh án quyền phân công thẩm phán thụ lý, giải quyết vụ án cụ thể dễ dẫn tới thiếu khách quan. Việc phân công các cặp thẩm phán - thư ký cố định, lâu dài có thể hình thành đường dây tiêu cực trong chính tòa án…

Cũng theo ông Độ, vấn đề tòa án cần thoát khỏi nguyên tắc hành chính lãnh thổ vốn được Nghị quyết 49 đặt ra từ 16 năm trước, đến nay vẫn chưa có đột phá. Vậy nên sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương có những ảnh hưởng không nhỏ tới tính độc lập xét xử của tòa án, bao gồm cả việc xử lý án tham nhũng.

Trong quản trị tòa án, mặc dù đã hình thành một mô hình mới về hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia nhưng thành phần, cơ cấu, tổ chức lại bị hành chính hóa. “Hội đồng mới chỉ thực hiện nhiệm vụ tuyển chọn về mặt hình thức mà chưa giám sát thẩm phán như mong muốn khi thành lập” - ông Độ nhận xét.

Quyền hạn đến đâu, trách nhiệm đến đó

23 tham luận được gửi tới với 14 phát biểu trong một buổi sáng gợi ra rất nhiều việc cần phải tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ trong thời gian tới. Với tính chất ấy, kết luận hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nói: “Kiểm soát quyền lực Đảng ta đã làm bấy lâu nhưng nghiên cứu bài bản thì chưa nhiều và mổ xẻ ra thì vẫn còn rất mới, rất khó”.

Thống nhất với ý kiến nhiều chuyên gia, ông Trạc cho rằng cần quán triệt nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bởi cơ chế; quyền hạn đến đâu, trách nhiệm đến đó. Từng văn bản của Đảng, Nhà nước ban hành mà có nội dung về nhiệm vụ, thẩm quyền của tổ chức, cá nhân thì đồng thời phải có quy định về kiểm soát quyền lực.

Cũng theo ông Trạc, cần tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa cơ chế kiểm soát quyền lực từ bên trong, kiểm soát lẫn nhau và kiểm soát từ bên ngoài với các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Quá trình hoàn thiện cần phù hợp với thể chế chính trị Việt Nam, tuân thủ nguyên tắc tổ chức của Đảng, Nhà nước và đặt trong tổng thể công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Ba cơ quan tố tụng nặng phối hợp, nhẹ chế ước

Đi sâu vào vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước, GS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đề nghị cần xây dựng cơ chế hữu hiệu kiểm soát quyền lực của người có chức danh tư pháp trong chính các cơ quan chống tham nhũng.

“Quan sát hoạt động của các cơ quan tố tụng thì có hiện tượng ba cơ quan nặng về phối hợp mà xem nhẹ chế ước, kiểm soát nhau” - GS Trần Ngọc Đường nói.

GS Đường cho rằng từ lý do đấu tranh phòng, chống tội phạm kịp thời, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, việc nặng về phối hợp này lại ẩn chứa nhiều nguy cơ tiêu cực, tham nhũng. 


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm