Từ đó đến nay đã tám năm, 16 công nhân này ròng rã tới lui Trung tâm Nha Hố (trước đây), Viện Nha Hố (bây giờ) - cơ quan chủ quản của Công ty Nha Hố và các cơ quan chức năng của tỉnh Ninh Thuận để khiếu nại, đòi quyền được hưởng chế độ BHXH. Bà Bùi Thị Dung, Nguyễn Thị Khánh, Phạm Thị Hiệp cho biết trong các giấy tờ giao dịch dân sự của gia đình họ, từ khi vào Trung tâm Nha Hố làm việc đầu thập niên 1980 đến nay đều được cơ quan xác nhận là công nhân viên. Vì có tên trong danh sách công nhân viên nên nhiều người được cơ quan bán nhà hóa giá, tham gia bảo hiểm y tế, xét khen thưởng, đi tham quan... Trung tâm Nha Hố lại cho rằng 16 công nhân này không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để tuyển dụng nên không thụ lý, giải quyết vụ việc.
Tuy nhiên, trao đổi với Báo Pháp Luật TP.HCM vào ngày 11-4, ông Nguyễn Trọng Tới, Chánh thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận, cho biết Sở đã có kết luận thanh tra vụ việc và có văn bản báo cáo UBND tỉnh. Việc khiếu nại của 16 công nhân đòi chế độ, quyền lợi BHXH là có cơ sở pháp lý. Theo hồ sơ thanh tra, những công nhân này đã đóng nhiều khoản phí trong cơ cấu định mức khoán, trong đó có phần thu BHXH, bảo hiểm y tế, trạm y tế, nhà trẻ, nộp bệnh viện tỉnh... Trong công văn báo cáo UBND nói trên, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận cũng nhận định trong quá trình lao động sản xuất, những công nhân được hưởng các chính sách như giao đất sản xuất, giao nhà ở, giảm giá khi được hóa giá nhà, được cấp thẻ bảo hiểm y tế... Đây là những căn cứ để giải quyết BHXH cho công nhân.
Được biết, trong tháng 10-2007, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã có nhiều công văn yêu cầu Viện Nha Hố cùng BHXH tỉnh Ninh Thuận sớm giải quyết cho 16 công nhân được hưởng chế độ BHXH. Tuy nhiên, mọi việc đến nay vẫn đâu vào đấy. Còn những công nhân nêu trên vẫn tiếp tục “hành trình” khiếu nại của mình.
MINH TRÂN