Một trong những vấn đề nóng là nhà máy xử lý nước thải thuộc dự án thoát nước và xử lý nước thải Cần Thơ hiện đang bị “tắc” đầu ra.
Cụ thể, theo báo cáo của Công ty CP Cấp thoát nước Cần Thơ, nhà máy xử lý nước thải đã tiếp nhận nước thải từ ngày 18-6. Tuy nhiên, đến nay nhà máy vẫn chưa thể đưa vào vận hành thử trong ba tháng theo đúng công suất thiết kế 30.000 m3/ngày đêm. Lý do là theo thiết kế, nhà máy chỉ xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cột B TCVN 5945-1995 (Tiêu chuẩn Việt Nam về nước thải công nghiệp - giới hạn ô nhiễm cho phép), tương đương cột B theo quy chuẩn của Bộ TN&MT hiện hành. Nếu nhà máy vận hành trong 90 ngày, lượng nước sau xử lý sẽ xả ra là 2,7 triệu m3 thì không chỗ nào chứa đủ. Trong khi đó, để được xả nước thải ra sông Hậu, nước này phải đạt tiêu chuẩn cột A theo quy chuẩn của Bộ.
Hệ thống xử lý nước thải tại nhà máy xử lý nước thải thuộc dự án thoát nước và xử lý nước thải Cần Thơ. Ảnh: TQ
Ông Nguyễn Hữu Lộc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cấp thoát nước Cần Thơ, cho biết do không có chỗ chứa nước đầu ra nên hiện nay nhà máy mới chỉ cho chạy thử 2.000 m3/ngày đêm và nước sau xử lý vẫn để ở hồ điều hòa của nhà máy. Hiện với mức nước thải chạy thử 2.000 m3/ngày đêm thì không đủ để đánh giá hết mức độ nước thải hiện nay đang có những chất gì. Bởi nước hiện đang xử lý là nước đã lưu ở các cống lâu ngày, nhiều chất đã lắng đọng, không phải nước người dân thải trực tiếp mỗi ngày.
Phía đại diện Ngân hàng Tái thiết Đức hỏi liệu có thể vận hành thử bằng cách xả xuống sông Hậu được không. Đại diện lãnh đạo UBND TP khẳng định không thể làm như vậy được vì sông Hậu là nguồn nước sinh hoạt của nhiều địa phương.
Báo cáo của Công ty CP Cấp thoát nước Cần Thơ cho thấy dự án thoát nước và xử lý nước thải Cần Thơ có tổng mức đầu tư gần 500 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2003 đến 2016.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Mai Như Toàn, Trưởng ban Đô thị, HĐND TP, cho biết trước đây khi đi tiếp xúc cử tri quận Ninh Kiều, người dân hỏi hoài về việc khi nào nhà máy xong. Ông cũng hỏi nhiều người để trả lời cho người dân là năm 2012 xong, rồi năm 2013 xong... nhưng giờ cũng chưa xong! “Để giải quyết câu chuyện này phải có các chuyên gia kỹ thuật. Thậm chí TP phải mời các vị đầu ngành vào coi xem thế nào, có giải pháp công nghệ nào để giải quyết chuyện này hay không” - ông Toàn nêu ý kiến.