Nợ đọng xây dựng nông thôn mới đã lên đến 8.600 tỉ đồng

Tại cuộc họp cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chủ nhiệm UBKT Nguyễn Văn Giàu đã chỉ ra những tồn tại của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới như nguồn vốn huy động từ ngân sách và xã hội còn thấp; một số địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích nên huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng thanh toán để lại hậu quả lớn và ảnh hưởng đến chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước.


Chủ nhiệm UBKT Nguyễn Văn Giàu

Hiện số nợ đọng xây dựng cơ bản cho chương trình này của 35/41 tỉnh, thành phố trong cả nước đã lên đến khoảng 8.600 tỉ đồng; kết quả xây dựng nông thôn mới không đồng đều.

Việc triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (được phê duyệt từ tháng 6-2013) còn chậm, đến nay còn chín địa phương chưa ban hành đề án, kế hoạch tái cơ cấu trên địa bàn (gồm Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Thừa Thiên-Huế, Đắk Lắk, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ, Kiên Giang).


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Cho ý kiến về báo cáo giám sát này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là hết sức đúng đắn và cần đi sâu hơn trong vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mở rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp. Theo đó, phó thủ tướng đề nghị cần làm rõ tại sao hợp tác xã kiểu cũ không thể chuyển sang mô hình hợp tác xã kiểu mới được, có phải vì do nợ đọng cũ tồn đọng mãi, mặc dù đã mấy được lần xử lý nhưng vẫn còn tồn tại. 

“Đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép Chính phủ nghiên cứu xóa số nợ đọng này. Chúng tôi chưa thống kê cụ thể như số nợ nhỏ thôi, bởi về pháp lý nếu không giải thể được thì thành yếu kém” - ông Huệ nói.

Cùng mổ xẻ những điểm chưa giải quyết được của chương trình nông thôn mới, đề án tái cơ cấu nông nghiệp, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền nhấn mạnh cần phải quan tâm đến đào tạo nguồn lao động ở nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.


Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cũng đã đặt vấn đề Tại sao doanh nghiệp trong nước lại đi đầu tư nông nghiệp ở nước ngoài: “Vừa rồi có một phong trào khá lớn là các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam lại đầu tư ra nước ngoài. Doanh nghiệp, nhà đầu tư báo cáo lại là quá trình đầu tư rất hiệu quả, đầu tư sang nhiều nước như Mỹ, Úc, Nga, Lào, ví dụ như đầu tư sang Nga hay Mỹ sau 5-6 năm đã thu hồi vốn. Do đó, trong báo cáo này cũng cần phân tích lại chính sách của ta và bạn có gì khác nhau để tính lại tác động chính sách” - ông Dũng đặt vấn đề.

Kết thúc nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị đoàn giám sát tiếp thu các ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đặc biệt là chuẩn bị tốt một nghị quyết về vấn đề này, trong đó chỉ rõ những giải pháp khắc phục những tồn tại, đồng thời tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào tháng 9-2016 tới, sau đó sẽ trình Quốc hội khóa 14 vào kỳ họp thứ 2 để tiến hành giám sát tối cao.

Trình bày báo cáo giám sát về việc thực hiện chương trình xây dựng mục tiêu nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chủ nhiệm UBKT Nguyễn Văn Giàu cho hay: Đến hết năm 2015, cả nước có 1.526 xã chiếm 17,1% tổng số xã đạt tiêu chí nông thôn mới và đến tháng 3.2016, có 1.761 xã chiếm 19,7% đạt tiêu chí nông thôn mới. Từ năm 2010-2015, cả nước đã huy động khoảng 851.380 tỉ đồng cho chương trình này, trong đó từ ngân sách là 266.785 tỉ đồng (chiếm 31,34%,) vốn tín dụng là 434.950 tỉ đồng (chiếm 51%), huy động từ doanh nghiệp là 42.198 tỉ đồng (chiếm 4,9%), người dân đóng góp là 107.447 tỉ đồng (chiếm 12,62%). 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới