Đáng chú ý có những vụ trung ương ủy quyền đưa về địa phương giải quyết đã tồn đến năm năm nay. Một số nguyên nhân đã được đưa ra như công tác giám định tư pháp còn chậm; nhiều vụ vi phạm liên quan đến các lĩnh vực chuyên ngành như tài chính, ngân hàng… đòi hỏi phải hiểu biết kiến thức chuyên môn...
Trong quá trình giải quyết án tham nhũng thời gian qua, bên cạnh mặt tích cực là việc cho người phạm tội về tham nhũng hưởng án treo đã được hạn chế thì vẫn còn những điểm cần lưu ý: Số bị can phạm tội về tham nhũng được miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 25 BLHS (do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa) chiếm tỉ lệ cao so với tỉ lệ chung toàn ngành (án tham nhũng lên đến 6,6% trong khi tỉ lệ chung là 0,23%). Tài sản tham nhũng lớn nhưng thu hồi rất thấp (năm 2013 chỉ thu hồi được khoảng 10%). Chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại một số phiên tòa chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp...
Xung quanh việc giải quyết án tham nhũng, có đại biểu cho rằng cần có hướng dẫn về việc xử lý sai phạm trong doanh nghiệp có phần vốn góp của Nhà nước. Cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đề nghị cần có hướng dẫn liên ngành để phân biệt các tội danh vì còn nhiều tranh cãi. Hiện nay có nhiều vụ ban đầu khởi tố về tội tham ô tài sản, sau đó lại chuyển sang những tội danh nhẹ hơn như tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng...
Ông Đàm Hoàng Vũ (Viện trưởng VKSND tỉnh Cà Mau) đề xuất thành lập cơ quan xử lý án tham nhũng ở cấp tỉnh để việc giải quyết án được chuyên sâu và chuyên môn hơn. Ông Vũ cũng đề xuất thành lập một trung tâm giám định tư pháp gồm tất cả lĩnh vực trong đời sống để phục vụ tốt việc giải quyết án hình sự, trong đó có án tham nhũng.
Nhận xét về việc giải quyết án tham nhũng còn chậm, ông Nguyễn Văn Quảng (Viện trưởng VKSND TP Hải Phòng) cho rằng “kéo dài án tham nhũng sẽ gây dư luận không tốt”. Phát biểu kết thúc hội nghị, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng nhấn mạnh: “Nợ giải quyết án tham nhũng là nợ với dân! Đối với án tham nhũng, hạn chế chuyện này càng nhiều càng tốt”.
PHƯƠNG LOAN
Án tham nhũng trong hoạt động tư pháp Theo ông Vũ Đăng Khoa (Cục trưởng Cục Điều tra VKSND Tối cao), từ ngày 1-12-2013 đến ngày 31-5-2014, CQĐT VKSND Tối cao đã tiếp nhận 170 tố giác tin báo về tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp. CQĐT VKSND Tối cao đã khởi tố 59 vụ/51 bị can, trong đó án tham nhũng trong hoạt động xâm phạm hoạt động tư pháp là 24 vụ/21 bị can (ngành công an chín vụ, ngành kiểm sát một vụ, ngành tòa án năm vụ, ngành thi hành án chín vụ). Đáng chú ý án tham nhũng do CQĐT VKSND Tối cao khởi tố chiếm 5,3% trong tổng số án tham nhũng cả nước. |