Anh Nguyễn Xuân Thắng (SN 1990, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) từng là trưởng phòng kinh doanh phụ trách khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ của một công ty chuyên về vật liệu xây dựng. Công ty này ký hợp đồng thuê xe và tài xế của Chi nhánh Công ty TNHH Lotte Rent - A - Car Vina, chở người trong mỗi lần đi công tác.
Sự cố trên đường đi công tác
Ngày 13-12-2018, tài xế đến chở giám đốc và anh Thắng đi công tác. Khi đến xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, Bình Thuận thì chiếc xe lấn sang phần đường ngược chiều và tông mạnh vào một xe container. Sau đó cơ quan điều tra xác định lỗi hoàn toàn thuộc về tài xế xe chở anh Thắng.
Vụ va chạm khiến anh Thắng bị chấn thương mắt phải, phải cắt bỏ nhãn cầu và đặt bi hốc mắt. Tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của anh Thắng do thương tích gây nên là 56% nên hành vi vi phạm của tài xế chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS.
Sau tai nạn, phía Công ty Lotte Rent - A - Car Vina có đề xuất mức bồi thường là 170 triệu đồng. Anh Thắng không đồng ý nên kiện ra TAND quận 7 (nơi có trụ sở công ty vận tải) yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại sức khỏe, tinh thần.
Anh Thắng đòi công ty này phải bồi thường 581 triệu đồng cho các khoản tổn thất tinh thần, chi phí điều trị, chi phí thay mắt giả hằng năm, chi phí đi lại để điều trị, tái khám, thu nhập cho người trực tiếp chăm sóc, tiền bảo hiểm tai nạn. Ngược lại, phía bị đơn là Công ty Lotte Rent - A - Car Vina chỉ chấp nhận bồi thường 43 triệu đồng cho anh Thắng.
Ngày 7-9-2020, TAND quận 7 xử sơ thẩm vụ án đã tuyên bác yêu cầu của anh Thắng với nhận định rằng anh bị tai nạn khi đi công tác nên đây là tai nạn lao động. Do công ty nơi anh công tác đã bồi thường 366 triệu đồng nên phía công ty vận tải không phải bồi thường nữa.
Anh Nguyễn Xuân Thắng. Ảnh: PL
Có phải là tai nạn lao động?
Anh Thắng kháng cáo cho rằng tòa sơ thẩm đã không chính xác khi nhận định đây là tai nạn lao động. Bởi lẽ tiền bồi thường với tai nạn lao động được điều chỉnh bởi Bộ luật Lao động và là quyền lợi của người lao động khi xảy ra tai nạn lao động.
Ngoài ra, người bị tai nạn có quyền yêu cầu bồi thường đối với thiệt hại thực tế về vật chất, sức khỏe, tinh thần do người vận chuyển gây ra theo quy định của BLDS 2015 và Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP TAND Tối cao.
Ngày 29-1 mới đây, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã tuyên hủy án sơ thẩm. Tòa nhận định cấp sơ thẩm chưa thu thập đầy đủ chứng cứ để xem xét toàn diện yêu cầu khởi kiện của anh Thắng nên cần phải xét xử lại.
Cụ thể, tòa sơ thẩm căn cứ khoản 1 Điều 142, Điều 144, Điều 145 BLLĐ 2012 nhận định đây là tai nạn lao động và căn cứ kết quả hòa giải vụ tranh chấp lao động để xác định thiệt hại của vụ tai nạn đã được công ty thỏa thuận và bồi thường. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm lại không làm rõ trong số tiền 366 triệu đồng mà công ty nơi anh Thắng làm việc đã bồi thường cho anh bao gồm khoản tiền nào mà người lao động bị tai nạn lao động được hưởng.
Theo tòa phúc thẩm, phải làm rõ vấn đề trên mới xem xét thiệt hại của anh Thắng đã được công ty bồi thường đủ chưa, đã bồi thường những khoản nào, còn những khoản nào chưa được bồi thường. Tại phiên tòa phúc thẩm, công ty nơi anh Thắng làm việc có đơn xin xét xử vắng mặt. Hồ sơ vụ án cũng không có tài liệu, chứng cứ thể hiện việc công ty và anh Thắng đã được đối chất để làm rõ về những khoản chi phí này hay chưa.
Ngoài ra, anh Thắng có yêu cầu trả tiền bảo hiểm thương tật đối với người ngồi trên xe nhưng tòa không triệu tập công ty bảo hiểm để làm rõ các bên đã giải quyết bảo hiểm đối với vụ tai nạn hay chưa, ai được thụ hưởng bảo hiểm.
Phía công ty vận tải trình bày tại phiên tòa phúc thẩm rằng chiếc xe gây tai nạn không thuộc quyền sở hữu của công ty này mà thuộc công ty mẹ. Chủ thể ký hợp đồng bảo hiểm xe là công ty mẹ nhưng tòa sơ thẩm không xác minh chủ sở hữu xe, không triệu tập công này đến tham gia tố tụng để làm rõ quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia bảo hiểm.
Cuộc sống đảo lộn
Sau phiên tòa phúc thẩm, anh Thắng đã chia sẻ với PV Pháp Luật TP.HCM về những khó khăn anh phải trải qua sau sự cố của mình.
Anh Thắng nói: “Mình đang thất nghiệp, với tình trạng sức khỏe này cũng khó có thể tìm được việc gì. Mất một mắt khiến việc giao tiếp bình thường cũng gặp khó. Mình không còn tự tin khi chở vợ con đi chơi hoặc đưa con đi học nên việc di chuyển hoàn toàn phụ thuộc vợ. Việc múc đồ cho con ăn đưa vào miệng con cũng không còn chuẩn nữa…”.
Bác sĩ yêu cầu anh không được đọc sách nhiều, không được sử dụng các thiết bị điện tử vì mắt đã rất yếu vì một bên là mắt giả, một bên là mắt cận. Hằng ngày hai lần sáng chiều, anh Thắng đều phải lấy mắt giả ra để làm vệ sinh. “Trong người tôi lúc nào cũng phải có một chai nước mắt nhân tạo để ổn định mắt vì tuyến lệ bị đứt. Do khuôn mắt bị lệch nên mắt thường bị xoay, lộn lên lộn xuống…” - anh kể.
Trước khi bị tai nạn, anh có mua căn nhà trả góp, khi đó với thu nhập 25-30 triệu đồng/tháng thì phù hợp nhưng nay thì anh đã thất nghiệp. Anh nộp hồ sơ xin việc, đến khi phỏng vấn, biết anh đeo mắt giả thì họ đều từ chối khéo. Từ người trụ cột trong gia đình giờ vai trò ấy chuyển sang người vợ.
Anh Thắng tiếp: “Thế nhưng nếu cứ chìm đắm trong mất mát, chúng ta sẽ quên mất cuộc sống tươi đẹp trước mắt. Nếu chỉ mãi nuối tiếc quá khứ và sống bằng quá khứ thì hiện tại sẽ bỏ rơi chúng ta và tương lai chẳng bao giờ đến. Do đó, tôi thấy mình phải gắng sức từng ngày thôi, phải suy nghĩ về cuộc sống theo một cách khác. Hết dịch COVID-19 chắc tôi sẽ mở một tiệm tạp hóa để mưu sinh...”.