Lý do người mất 1/3 cánh tay không kháng cáo

Chiều 28-1, ông Trần Xuân Trì cho biết đã nộp đơn đến Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bình Chánh, TP.HCM để yêu cầu Công ty Ninh Phát bồi thường tai nạn lao động.

Ông Trần Xuân Trì tại nhà ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Ảnh: PL

Ông Trì là nguyên đơn trong vụ kiện đòi đền cánh tay bị mất do tai nạn lao động mà PLO đã nhiều lần thông tin.
Xử sơ thẩm lần hai từ ngày 29-9-2020, TAND huyện Bình Chánh đã buộc công ty này bồi thường thiệt hại tai nạn lao động 141 triệu đồng cho ông. 

Ông cho biết đã được luật sư tư vấn và chấp nhận bản án sơ thẩm để sớm có tiền bồi thường lo cho hai con nhỏ và trang trải nợ nần. Nỗi đau vì mất cánh tay vẫn đeo đẳng ông mỗi khi trái gió trở trời.

Tuy nhiên, sự việc không may cũng đã qua đi, giờ ông thấy bình an và biết ơn cuộc đời này đã cho ông người vợ tảo tần, vun vén cho chồng con. Ngoài ra, còn rất nhiều người luôn hỗ trợ ông trong cuộc sống lẫn việc mưu sinh hằng ngày. Ông Trì muốn thông qua PLO, xin cảm ơn tất cả!

Phía bị đơn cũng không kháng cáo. VKS hai cấp không kháng nghị.

Ông Trì làm kỹ thuật sửa chữa và bảo trì máy tại công ty từ ngày 15-9-2013, lương 6 triệu đồng/tháng. Ngày 6-2-2016 (nhằm ngày 28 Tết âm lịch), ông Trì cùng hai người lao động khác vào xưởng sửa máy. 1/3 cánh tay phải của ông Trì bị cuốn vào máy, dập nát phải cắt bỏ, tỷ lệ thương tật 65%.

Công ty cho rằng ông Trì không phải là nhân viên của công ty vì không ký hợp đồng lao động. Công ty cũng không yêu cầu ông vào sửa máy nên không bồi thường. 

Tuy nhiên, theo tòa thì căn cứ các Điều 15, 16, 18, 22, 23, 26, 27 và Điều 29 Bộ luật Lao động năm 2012, ông Trì và công ty đã giao kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn do kết thúc thời gian thử việc, ông Trì vẫn được công ty cho làm việc và trả đủ lương.

Theo Nghị định 45/2013 thì công ty phải quản lý kho xưởng, công ty biết nhưng không ngăn cản người lao động sửa chữa máy móc cũng xem như chấp thuận cho họ thực hiện nhiệm vụ. Tai nạn xảy ra tại công ty. Công ty phải bồi thường cho người lao động.

Từng bị bác tất cả yêu cầu 

Xử sơ thẩm lần một hồi tháng 10-2017, TAND huyện Bình Chánh đã bác yêu cầu của ông Trì vì cho rằng người gọi ông Trì vào làm việc là con trai của giám đốc. Người này không có chức vụ, quyền hạn gì trong công ty nên không quyền điều người.

Ông Trì kháng cáo, trong giai đoạn giải quyết phúc thẩm, TAND TP.HCM đã có công văn đề nghị Công an huyện Bình Chánh điều tra vụ tai nạn lao động.

Ngày 29-6-2018, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã hủy toàn bộ bản án, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm thu thập chứng cứ và giải quyết lại. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm