Nỗ lực đòi quyền lợi cho người lao động

(PLO)- Nhiều người lao động đã đòi lại được quyền lợi hợp pháp, chính đáng nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP.HCM.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM là nơi chuyên tư vấn miễn phí cho người lao động (NLĐ) về lĩnh vực pháp luật lao động.

Trong những năm qua, đã có nhiều NLĐ đòi được quyền lợi hợp pháp, chính đáng nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP.HCM.

Hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng

Bị sa thải với lý do giao giày sai quy trình, tháng 3-2024, chị T (ngụ TP Dĩ An, Bình Dương) đã nộp đơn kêu cứu lên công ty để đòi quyền lợi nhưng không được chấp thuận.

Trước khi bị sa thải, chị T giữ vị trí quản lý tại một công ty giày tại Khu Chế xuất Linh Trung (phường Linh Trung, TP Thủ Đức).

Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ
Chị T viết đơn kêu cứu để được giải quyết với chế độ nghỉ việc thay vì bị sa thải. Ảnh: NVCC

Chị T cho biết đi làm suốt 27 năm, đây là lần đầu tiên chị gặp phải tình huống này. Vì không tự tin vào kiến thức pháp luật của mình nên chị không biết phải xử lý vấn đề của mình ra sao.

Theo chị T, vào thời điểm xảy ra sự việc, một nhân viên trong tổ đang nghỉ phép nên chị đã đi giao giày thay. Tuy nhiên, không có giấy tờ, sổ sách nên chị T bị công ty sa thải với lý do giao giày không đúng quy trình. Chị đã viết đơn kêu cứu bằng tay, rồi gửi qua bảo vệ để chuyển lên công ty nhưng đơn bị ém, không được xử lý và công ty vẫn sa thải chị.

"Theo quy định của công ty, tôi sẽ không được lên lương trong vòng 6 tháng nếu giao giày sai quy trình. Nhưng đằng này, công ty vì đang tinh giản biên chế nên đã sa thải tôi" - chị T nghẹn ngào nói và cho hay nếu bị sa thải, chị sẽ mất hết quyền lợi, không được hưởng trợ cấp theo quy định và gặp khó khăn khi tìm việc làm mới.

Từ một người bạn giới thiệu, chị T đến Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP.HCM để được hỗ trợ. Chị T được hướng dẫn gửi đơn lên tổng công ty qua đường bưu điện và gửi đến người đã ký hợp đồng với chị. Trong vòng ba ngày, đơn kêu cứu của chị T đã được giải quyết.

“Tôi đến Trung tâm tư vấn pháp luật khoảng 2 lần, sau đó tôi khá bận vì phải tìm công việc mới nên trung tâm hướng dẫn tôi qua điện thoại rất cụ thể. Nhờ vậy, trường hợp của tôi được giải quyết là nghỉ việc thay vì bị sa thải. Nếu không tôi sẽ bị mất 151 triệu.

Tôi đi kiện có thể mấy năm sau đơn kiện của tôi mới được giải quyết. Thôi thì tôi chấp nhận nghỉ việc, miễn là công ty đồng ý để tôi có thể tiếp tục làm việc ở nơi khác” - chị T nghẹn ngào nói.

Cùng đợt chị bị sa thải, còn có hai đồng nghiệp khác. Nhờ chị T tiên phong viết đơn kêu cứu, đồng nghiệp cũng được hưởng trợ cấp thôi việc đúng quy định.

Một trường hợp khác, anh H, Chủ tịch Công đoàn một doanh nghiệp tại TP.HCM đã đến Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP.HCM để nhận hỗ trợ pháp lý trong xây dựng quy chế đối thoại dân chủ cơ sở và tổ chức hội nghị người lao động.

“Tôi gặp khó khăn trong thương lượng các điều khoản liên quan đến lương tối thiểu vùng và các chế độ phúc lợi bổ sung vào thỏa ước lao động. Việc này trở nên phức tạp bởi trách nhiệm thương lượng đã đặt nặng lên vai các chủ tịch công đoàn” - anh H nói.

Theo anh H, anh được trung tâm hỗ trợ cung cấp các văn bản pháp luật liên quan như Bộ luật Lao động 2019, Luật Công đoàn 2012 và các nghị định hướng dẫn thi hành. Ngoài ra, anh H còn được trung tâm hỗ trợ chỉnh sửa và hoàn thiện các văn bản để đảm bảo xây dựng quy chế đối thoại dân chủ cơ sở thực hiện đúng quy định pháp luật.

“Không gì mềm như nước và không gì mạnh hơn nước. Kết hợp giữa mềm và mạnh, lúc nào cần mềm thì mềm, lúc nào cần cứng rắn thì cứng rắn” - anh H dẫn lại lời khuyên từ cán bộ Trung tâm tư vấn pháp luật LĐLĐ TP.HCM.

Cân bằng, hài hòa lợi ích

Theo báo cáo của LĐLĐ TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2024, Tổ tư vấn pháp luật và Trung tâm Tư vấn Pháp luật của LĐLĐ TP.HCM đã kịp thời hỗ trợ tư vấn cho 3.502 trường hợp, thông qua hình thức: tư vấn trực tiếp, điện thoại, trang thông tin điện tử của các cấp công đoàn.

Ông Phạm Văn Hiền, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP.HCM, cho biết người lao động có thể liên hệ qua điện thoại bàn, đường dây nóng hoặc đến trực tiếp để được giải đáp.

Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ
Ông Phạm Văn Hiền (ở giữa), Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP.HCM và ông Trần Văn Triều (thứ 2 từ trái qua), nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP.HCM cùng hỗ trợ tư vấn cho NLĐ.

"Tôi luôn tìm cách tốt nhất tư vấn cho NLĐ khi họ gặp vướng mắc, theo quy định pháp luật nhằm xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định. Quan hệ lao động tốt sẽ hạn chế tranh chấp lao động, người lao động an tâm gắn bó lâu dài với cơ quan, đơn vị" - ông Hiền cho hay.

Ngoài ra, Trung tâm tư vấn pháp luật còn chú trọng đến tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các doanh nghiệp và NLĐ.

“Gần đây, việc tuyên truyền qua không gian mạng cũng rất phổ biến nhưng NLĐ cần phải lựa chọn nguồn thông tin chính thống để tránh hiểu sai từ đó tự bảo vệ quyền lợi của mình” - ông Hiền nói.

nguoi-lao-dong1-3448-5371.jpeg
NLĐ đến Trung tâm tư vấn pháp luật của LĐLĐ TP.HCM để được hỗ trợ tư vấn pháp lý.

Theo ông Trần Văn Triều, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP.HCM, ông thường đứng ra bảo vệ quyền lợi cho NLĐ giống như luật sư bảo vệ thân chủ của mình.

Ông Triều cho hay bản thân không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp mà còn duy trì mối quan hệ hài hòa giữa NLĐ và doanh nghiệp.

"Ai cũng muốn lương cao và điều kiện làm việc tốt. NLĐ phải có kỹ năng thương lượng, nhất là khi đối mặt với những yêu cầu của người sử dụng lao động. Tôi luôn tìm cách để cả hai bên có thể đạt được thỏa thuận mà không gây thiệt hại cho nhau" - ông Triều nói.

Dẫu vậy, ông Triều cho hay công việc này đôi lúc cũng khó khăn ở chỗ: "Vì có những NLĐ không trung thực nên gây trở ngại trong việc tư vấn. Tôi phải đối mặt với áp lực từ nhiều phía, kể cả khi NLĐ không đồng tình với lời khuyên của tôi".

Tăng cường trợ giúp pháp lý

Trong năm 2022, ngoài hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục khởi kiện và cử cán bộ tham gia bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hàng chục NLĐ tại tòa án, giúp nhiều trường hợp đòi được quyền lợi với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng, Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP.HCM và 29 tổ TVPL trực thuộc LĐLĐ các quận, huyện, TP Thủ Đức, Công đoàn các KCX-KCN… đã thực hiện tư vấn cho 7.149 trường hợp.

Năm 2023, bên cạnh đẩy mạnh trợ giúp pháp lý, Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP.HCM còn phối hợp với Công đoàn cấp trên rà soát, thành lập tổ Tư vấn pháp luật và tổ chức tư vấn pháp luật lưu động tại doanh nghiệp có từ 500 lao động trở lên, các tổ công nghiệp nghiệp tự quản, khu nhà trọ có đông lao động.

Được biết, tháng 11 tới đây Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP.HCM sẽ có kế hoạch tuyên truyền pháp luật tập trung vào các khu vực có đông lao động, nhà trọ và khu lưu trú.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm