Nỗ lực Mỹ-Trung có thể thành ‘công dã tràng’

Trung Quốc (TQ) và Mỹ vừa đạt được thỏa thuận thương mại ở giai đoạn một, trong đó có nhắc đến việc TQ mua sản phẩm nông nghiệp Mỹ, các điều khoản về sở hữu trí tuệ, dịch vụ tài chính và tiền tệ. Đây là một động thái phá vỡ căng thẳng kéo dài 18 tháng giữa hai cường quốc và tạo cú hích chính trị trong chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2020. Tuy nhiên, có những rủi ro thỏa thuận này sẽ bị đổ vỡ trước khi hai nhà lãnh đạo đặt bút ký.

Washington thay đổi thái độ với Bắc Kinh

Theo tờ China Daily, mặc dù hai nước vẫn đang làm việc để đạt được một thỏa thuận toàn diện, những bước tiến tích cực trong vòng đàm phán thương mại Trung-Mỹ mới nhất là một dấu hiệu cực kỳ đáng mừng và hoan nghênh. “Dù chỉ là giai đoạn một nhưng thỏa thuận xoay quanh nhiều vấn đề quan trọng của hai nước và có vai trò rất đáng kể” - ông Trump phát biểu. Hơn nữa, Phó Thủ tướng TQ Lưu Hạc cũng nhấn mạnh các nhà đàm phán hai bên đang đi đúng hướng.

Tờ nhật báo của TQ còn cho biết cam kết tuần qua đã làm dịu căng thẳng hơn một năm qua giữa hai cường quốc. Hơn nữa, dù vẫn chưa có dấu hiệu hai nước sẽ dừng việc so găng bằng thuế cao nhưng tuyên bố hoãn tăng thuế lên 30% của Mỹ đã cho thấy triển vọng rằng hai bên đang cố gắng tìm được tiếng nói chung ở những điều khoản còn quan trọng hơn thuế quan.

Truyền thông TQ vẫn cho rằng vẫn còn sớm để đưa ra kết luận cuối cùng nhưng không thể phủ nhận rằng chính quyền Washington đã thay đổi thái độ trong mối quan hệ với Bắc Kinh. Điều này còn được chứng minh khi Mỹ quyết định sẽ xem xét danh sách đen các công ty TQ và mở cửa chào đón sinh viên cũng như các nhà đầu tư TQ đến Mỹ. Washington dường như đã sẵn sàng để tiếp tục xây dựng một mối quan hệ song phương lành mạnh và khách quan hơn, tờ China Daily nhận xét.

Hình ảnh các nhà đàm phán của Mỹ và Trung Quốc trong vòng đàm phán thứ 13. Ảnh: KEEGAN BARBER

Thỏa thuận hay lệnh đình chiến?

Theo tờ Bloomberg, vẫn còn một mối đe dọa kinh tế lớn nhất của ông Trump khiến cho bức tranh thương chiến u ám hơn: Một kế hoạch áp thuế khác dự kiến vào tháng 12 năm nay. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết kế hoạch này vẫn đang được đàm phán.

“Chúng tôi biết có nhiều việc phải làm nhưng tôi tin rằng cả hai bên sẽ nỗ lực rất nhiều. Tôi đoán kế hoạch này sẽ kết thúc” - Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin phát biểu hôm 3-10 trên đài ABC News.

Mặc dù thỏa thuận giai đoạn đầu này được gọi là thỏa thuận nhưng nó không xóa bỏ gánh nặng thuế quan hiện có đối với thương mại Mỹ-Trung hoặc giảm bớt sự không chắc chắn của các doanh nghiệp trong mối quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai.

CHRISTIAAN TUNTONOchuyên gia kinh tế cấp cao
tại Allianz Global Investors
 

Không những còn một mối đe dọa từ ông Trump, thỏa thuận vừa qua còn một số thiếu sót như không đề cập đến những vấn đề chính, khó khăn hơn, nhạy cảm hơn giữa hai quốc gia. Một trong số đó là đánh cắp tài sản trí tuệ và tương lai của các doanh nghiệp TQ bị liệt kê trong danh sách đen của Mỹ.

“Thỏa thuận giai đoạn một chủ yếu nói về việc mua sản phẩm nông nghiệp, đình chỉ thuế quan và điều khoản về tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, những vấn đề cốt lõi như chuyển giao công nghệ, an ninh quốc gia vẫn là những rào cản lớn mà hai nước cần đạt được thỏa thuận mặc dù sẽ rất khó khăn” - chuyên gia kinh tế tại Tập đoàn Ngân hàng Australia & New Zealand Raymond Yeung nhận định.

Một số nhà phân tích khác còn cho rằng cam kết vừa qua trông giống như một lệnh đình chiến hơn là một thỏa thuận thực sự, hãng tin CNBC cho hay. Thậm chí lệnh đình chiến này còn có thể bị gãy trước thời điểm ký kết thỏa thuận dự kiến vào tháng 11-2019. “Trên thực tế, việc soạn thảo thỏa thuận là một quá trình khó khăn và sự cố bất ngờ trong các cuộc đàm phán hồi tháng 4-5 là một ví dụ điển hình cho một rủi ro như vậy” - nhận xét của các nhà phân tích của Tập đoàn Ngân hàng Australia & New Zealand. Truyền thông Mỹ cho rằng các cuộc đàm phán đó thất bại vì TQ không muốn cam kết thay đổi luật của mình nhằm xóa tan nỗi lo của Mỹ về đánh cắp tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ.

Để bức tranh kinh tế lạc quan hơn, từ bây giờ đến cuộc họp các nhà lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Washington và Bắc Kinh cần phải thực hiện nhiều bước tiến tiến bộ hơn trong những vấn đề gai góc và nhạy cảm của cả hai, nhà báo Brendan Murray kết luận.

Tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm

Theo tờ Bloomberg, Quỹ Tiền tệ Quốc tế có khả năng cắt giảm dự báo tăng trưởng cho năm 2019 và 2020 trong Triển vọng kinh tế thế giới. Vào tháng 7, quỹ này đã hạ dự báo xuống 3,2% cho năm nay và 3,5% cho năm 2020. Đây là lần hạ thứ tư kể từ tháng 10-2018. Dữ liệu GDP của TQ trong quý III dự kiến sẽ cho thấy tăng trưởng kinh tế TQ giảm xuống mức 6,1%. Đây là mức chậm nhất trong gần ba thập niên. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm