Hãng Bloomberg đưa tin ngày 11-10 (giờ Mỹ), Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một, tạo tiền đề cho những thỏa thuận quy mô lớn hơn vào cuối năm nay giữa hai cường quốc.
Trả lời phóng viên tại Phòng Bầu dục trong Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết thỏa thuận giai đoạn hai sẽ được bắt đầu ngay khi hai nước ký kết thỏa thuận đầu tiên. Ông Trump cũng cho biết khả năng thỏa thuận sẽ được ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Chile vào giữa tháng 11 tới.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) đang bắt tay Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phòng Bầu Dục ngày 11-10 -2019. Ảnh: BLOOMBERG.
Vốn chịu áp lực phải đạt được một thỏa thuận toàn diện với Trung Quốc, người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh thỏa thuận thương mại này phải được giải quyết theo từng giai đoạn vì đây là một thỏa thuận vô cùng lớn.
Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng tuyên bố tại Phòng Bầu dục rằng Washington sẽ hoãn lệnh tăng thuế đối với 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc từ 25% lên 30% dự kiến vào ngày 15-10.
"Vẫn còn nhiều việc phải làm dù chúng tôi đã hiểu được những vấn đề cốt lõi" - ông Mnuchin phát biểu.
Tuy nhiên, cả hai bên không đạt được thỏa thuận nào liên quan đến tập đoàn viễn thông Huawei, tờ South China Morning Post cho hay. Các công ty Mỹ hiện đang vướng phải lệnh cấm mua hàng từ người khổng lồ Trung Quốc này.
Cũng có mặt tại Phòng Bầu dục, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc gửi ông Trump lá thư từ Chủ tịch Tập và phát biểu rằng các nhà đàm phán đang đạt được những bước tiến đúng đắn. Việc điều chỉnh mối quan hệ kinh tế song phương sẽ mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia và toàn thế giới, ông Lưu nhấn mạnh.
Tính đến nay, phía Mỹ đã áp thuế quan trị giá hơn 360 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Một số nhà phân tích cho rằng chính quyền Washington dường như đang muốn tính toán lại sau nhiều tháng "đo găng" với Bắc Kinh.
"Không dễ dàng gì để giành phần thắng trong một cuộc chiến thương mại và tổng thống cũng đã nghe rất nhiều lời phàn nàn về những thiệt hại mà doanh nghiệp Mỹ phải gánh chịu do chính sách thuế" - GS kinh tế tại ĐH Rutgers (Mỹ) Thomas Prusa cho hay.
"Thậm chí chỉ cần một thỏa thuận nhỏ cũng có thể hữu ích ngay cả khi nó không thay đổi mọi thứ. Các doanh nghiệp rất muốn biết điều gì sẽ xảy ra trong 12 tháng tới để họ có thể lên kế hoạch và tìm hiểu xem có nên chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc hay không" - ông Thomas kết luận.