Ngày 8-9, trong khuôn khổ của Ngày hội du lịch quốc tế lần thứ 16 (ITE HCMC), TP.HCM tổ chức diễn đàn du lịch cấp cao “giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững”. Diễn đàn nhằm tăng cường kết nối giữa các quốc gia khu vực cũng như đề xuất giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam (VN).
Kiến nghị tháo gỡ nhiều điểm nghẽn
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết: Ngành du lịch VN đã nỗ lực vượt qua khó khăn để thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ và chủ động cấu trúc lại thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa. Qua đó góp phần phục hồi hoạt động toàn ngành, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh trở lại sau dịch.
Theo Bộ trưởng Hùng, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến trên toàn cầu, đòi hỏi VN cần có những chiến lược, sản phẩm độc đáo riêng phù hợp với xu hướng du lịch mới. Trong đó, đầu tư, phát triển cho du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng của du lịch VN đến năm 2025.
“Để du lịch MICE thực sự có những bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, ngành du lịch VN, các địa phương, doanh nghiệp (DN), điểm đến cần tiếp tục có những định hướng, giải pháp đồng bộ cùng sự phối hợp hiệu quả của các ngành, dịch vụ liên quan” - Bộ trưởng Hùng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng đại diện ngành du lịch các nước trong khu vực tại diễn đàn. Ảnh: THU TRINH |
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết TP đã chủ động triển khai nhiều giải pháp thông qua chiến dịch truyền thông
“TP.HCM chào đón bạn”, chương trình “Mỗi quận, huyện là một sản phẩm du lịch đặc trưng”, liên kết với các tỉnh, thành trong cả nước để tổ chức các sản phẩm liên vùng...
Bà Thắng đề xuất một số giải pháp phát triển du lịch quốc tế bền vững: Ở cấp độ quốc tế, TP đề xuất các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong thống nhất và công bố rộng rãi các tiêu chí an toàn phòng chống dịch COVID-19, đẩy mạnh xây dựng sản phẩm liên quốc gia.
Ở cấp độ quốc gia, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ VH-TT&DL xây dựng các cơ chế, chính sách ưu tiên để phát triển du lịch, trong đó có chính sách về thị thực.
Ở cấp độ các địa phương, TP đề xuất các tỉnh, thành trong cả nước cùng hợp tác, đẩy mạnh liên kết để phát triển nguồn nhân lực, chú trọng cả lực lượng lao động trực tiếp lẫn gián tiếp.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết lượng khách du lịch quốc tế bảy tháng đầu năm vẫn còn thấp, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch quốc tế chưa cao.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên, như do chính sách liên quan đến việc cấp visa điện tử (E-visa), DN lữ hành vẫn chưa sẵn sàng, chưa có chương trình xúc tiến du lịch thực sự chuyên nghiệp…
Ông Quyền kiến nghị Chính phủ xem xét tăng thời gian miễn visa vào VN từ 15 ngày lên 30 ngày, cải tiến quy trình cấp visa điện tử. TP mong muốn Bộ Y tế xem xét bỏ quy định mua bảo hiểm COVID-19 mức 10.000 USD (chỉ nên áp dụng điều kiện có bảo hiểm du lịch đối với du khách quốc tế). Đồng thời, Bộ VH-TT&DL có chính sách hỗ trợ miễn phí cho các DN tham gia các chương trình khảo sát, xúc tiến du lịch quốc tế.
Du lịch không ngừng kết nối
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết trước dịch COVID-19, ngành du lịch rất phấn khởi. Theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới, thời điểm trước dịch, du lịch VN góp 10,4% GDP toàn cầu.
Trong thời gian dịch COVID-19, Phó Thủ tướng biểu dương nhiều địa phương, nhiều DN lấy khoảng thời gian đó để chuẩn bị đổi mới sản phẩm, sửa sang cơ sở, hết sức cố gắng vượt qua khó khăn. Còn bây giờ, mặc dù đại dịch chưa hết nhưng chúng ta có thể tự tin hơn thực hiện giải pháp mở rộng và phát triển hơn nữa du lịch trong bối cảnh mới.
Theo Phó Thủ tướng, du lịch là không ngừng kết nối. Trước hết, cơ quan du lịch các quốc gia trong khu vực cần tăng cường kết nối. Du lịch chưa là mũi nhọn, muốn đưa thành mũi nhọn thì phải có giải pháp cụ thể.
Phó Thủ tướng cho rằng thứ nhất, chúng ta cần thực hiện nhanh hơn gói hỗ trợ các DN, người lao động, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Cùng nhau có gói hỗ trợ cần thiết để đưa những người tạm thời chuyển từ ngành du lịch sang ngành nghề khác sớm quay lại.
Thứ hai, cơ quan chức năng có giải pháp hỗ trợ DN nhỏ và hộ gia đình kinh doanh dịch vụ liên quan. Thứ ba, qua đại dịch cần xem xét lại chính sách phát triển du lịch để đảm bảo cho du lịch phát triển bền vững hơn. Ngoài ra, DN cần số hóa sản phẩm liên quan đến du lịch để du khách đến thuận tiện hơn.•
Tận dụng sự đổi mới để phát triển du lịch ASEAN
Ông Thong Khon, Bộ trưởng Bộ Du lịch Campuchia, cho rằng: Bộ trưởng Bộ Du lịch ASEAN, các đối tác ASEAN và các nhà lãnh đạo của Tổ chức Du lịch thế giới và Hiệp hội Du lịch ASEAN cần tiếp tục tăng cường phát triển nguồn nhân lực, tận dụng các đổi mới kết nối kỹ thuật số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch ASEAN.
Bên cạnh đó, ASEAN phải làm việc cùng nhau để thúc đẩy sự phục hồi của du lịch bền vững và một tương lai tốt đẹp hơn.
“Chúng tôi kêu gọi ASEAN tiếp tục tăng cường và mở rộng hợp tác với các đối tác, xây dựng quan hệ đối tác công tư (PPP) trong nước, khu vực và trên thế giới, hướng tới sự phát triển của ngành. Du lịch bền vững đi theo một con đường bình thường mới và mang lại sự thịnh vượng cho toàn khối ASEAN” - ông Thong Khon nói.