Chiều 2-10, Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển) công bố giải Nobel Y học, mở màn cho mùa giải Nobel năm 2023 với sáu giải thưởng danh giá nhằm vinh danh các cá nhân hoặc tổ chức có những đóng góp cao cả cho nhân loại.
Chủ nhân giải Nobel Y học năm nay thuộc về GS-BS Drew Weissman (Mỹ) và GS Katalin Karikó (Hungary) với công trình nghiên cứu về công nghệ mRNA, mở đường tạo ra các loại vaccine giúp ngăn chặn đại dịch COVID-19.
Công nghệ mRNA quan trọng thế nào?
Theo thông cáo báo chí trên trang The Nobel Prize, Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska quyết định trao giải Nobel Y học 2023 cho ông Weissman và bà Karikó vì “những khám phá trong việc chỉnh sửa nucleoside, cho phép phát triển các loại vaccine mRNA hiệu quả chống lại COVID-19”. Nucleoside là các “chữ cái” phân tử viết mã di truyền của mRNA, theo hãng tin Reuters.
Theo thông cáo, những khám phá của hai nhà khoa học trên có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển vaccine mRNA giúp ngăn chặn đại dịch COVID-19.
“Thông qua những phát hiện đột phá giúp thay đổi căn bản sự hiểu biết của chúng ta về cách mRNA tương tác với hệ thống miễn dịch, những người đoạt giải đã đóng góp vào tốc độ phát triển vaccine chưa từng có, giữa lúc xảy ra một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người trong thời đại hiện đại” - thông cáo ghi nhận thành tựu.
Từ năm 1901 đến 2022, giải thưởng Nobel Y học đã được trao 114 lần cho 227 người.
Hội đồng Nobel cho biết ông Weissman và bà Karikó công bố kết quả nghiên cứu đầu tiên trong một bài báo vào năm 2005, tuy nhiên, vào thời điểm đó công trình này không nhận được nhiều sự chú ý.
Qua những công trình nghiên cứu mà ông Weissman và bà Karikó công bố trong giai đoạn 2008-2010, sự quan tâm đến công nghệ mRNA bắt đầu tăng lên và vào năm 2010, một số công ty đã nỗ lực phát triển phương pháp này. Ban đầu là các nghiên cứu bào chế vaccine chống virus Zika và MERS-CoV, sau đó là nghiên cứu có liên quan chặt chẽ với virus SARS-CoV-2.
“Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, hai loại vaccine mRNA, được sửa đổi giúp mã hóa protein được tìm thấy trên bề mặt của virus SARS-CoV-2, được phát triển với tốc độ kỷ lục với hiệu quả bảo vệ lên đến 95%”, theo thông cáo.
Công nghệ mRNA được ông Weissman và bà Karikó phát triển sau đó đã được hãng dược Pfizer (Mỹ) và Công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức) cũng như hãng dược Moderna (Mỹ) sử dụng trong quá trình sản xuất các loại vaccine ngừa COVID-19.
Đáng chú ý, công nghệ mRNA có thể mở đường cho việc chế tạo các loại vaccine chống lại các bệnh truyền nhiễm khác. Trong tương lai, công nghệ này cũng có thể được sử dụng để cung cấp các protein trị liệu và điều trị một số bệnh ung thư.
Ngoài vaccine ngừa COVID-19, công nghệ mRNA có thể mở đường cho việc chế tạo các loại vaccine chống lại các bệnh truyền nhiễm khác.
Hai nhà khoa học được vinh danh là ai?
GS Weissman sinh năm 1959 tại bang Massachusetts, Mỹ. Ông là một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Perelman thuộc ĐH Pennsylvania (Mỹ).
Bà Karikó sinh năm 1955 tại TP Szolnok, Hungary. Bà nhận bằng tiến sĩ tại ĐH Szeged năm 1982 và làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện Hàn lâm khoa học Hungary cho đến năm 1985. Do chương trình nghiên cứu của trường thiếu kinh phí, bà cùng gia đình chuyển đến Mỹ làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại ĐH Temple (bang Philadelphia). Bà là phó chủ tịch cấp cao tại Công ty công nghệ sinh học BioNTech cho đến năm 2022 và kể từ đó đóng vai trò cố vấn cho công ty. Bà là giáo sư tại ĐH Szeged và Trường y Perelman thuộc ĐH Pennsylvania (Mỹ).
Theo Reuters, bà Karikó tìm ra cách ngăn hệ thống miễn dịch kích động phản ứng viêm chống lại mRNA. Trước đây, phản ứng này được coi là trở ngại lớn đối với bất kỳ việc sử dụng mRNA nào trong điều trị. Vào năm 2005, bà Karikó cùng ông Weissman chứng minh thành công rằng việc chỉnh sửa nucleoside có thể giữ mRNA trong tầm kiểm soát của hệ thống miễn dịch.•
Hai nhà khoa học được vinh danh Nobel Y học 2023 từng đạt giải VinFuture
Trước khi Giải Nobel gọi tên TS. Karikó và GS. Weissman, Giải thưởng VinFuture năm 2021 là một trong số ít giải thưởng khoa học công nghệ quy mô toàn cầu đầu tiên tôn vinh công trình nghiên cứu của TS. Karikó và GS. Weissman.
Viêc VinFuture vinh danh TS. Karikó và GS. Weissman trước Nobel 2 năm đã thể hiện tầm vóc và tầm nhìn của Hội đồng Giải thưởng VinFuture.
Mặc dù đã được vinh danh bởi nhiều giải thưởng quốc tế lớn, Giải thưởng VinFuture vẫn có vị trí đặc biệt đối với TS. Karikó. Trong một chia sẻ vào cuối tháng 6-2023, bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có những giải thưởng khoa học đến từ các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là những giải thưởng có uy tín, vì sẽ thu hút sự chú ý không chỉ ở trong nước mà còn trên phạm vi toàn cầu.
Bà Karikó khẳng định rằng, từ VinFuture, các nhà khoa học thế giới đã hiểu hơn về một Việt Nam đang mạnh mẽ vươn ra quốc tế. Những giải thưởng quốc tế như VinFuture không chỉ là nguồn cảm hứng cho những nhà khoa học nội địa mà còn tạo nên sức hút, sự quan tâm từ các quốc gia có nền khoa học và công nghệ phát triển mạnh, từ đó mở ra cơ hội cho sự hợp tác và chia sẻ kiến thức, đẩy mạnh tiến trình phát triển khoa học công nghệ trên toàn cầu, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển.
Thông tin về giải Nobel danh giá
Giải Nobel là một giải thưởng quốc tế vô cùng danh giá được sáng lập theo di nguyện của nhà phát minh người Thụy Điển Alfred Nobel nhằm “vinh danh những người vào năm ngoái đã mang lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại”, theo Reuters.
Giải thưởng Nobel lần đầu được tổ chức vào năm 1901. Ban đầu, giải thưởng Nobel chỉ trao cho các công trình nghiên cứu ở các lĩnh vực gồm y học, vật lý, hóa học, văn học và hòa bình. Đến năm 1968, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển thành lập thêm giải thưởng Kinh tế để tưởng nhớ nhà phát minh Alfred Nobel.
Trong các giải thưởng Nobel, giải Nobel Y học do Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska quyết định. Các giải Nobel Vật lý, Nobel Hóa học và Nobel Kinh tế do Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển quyết định. Giải Nobel Văn học do Viện Hàn lâm Thụy Điển quyết định. Và cuối cùng, giải Nobel Hòa bình do Ủy ban Giải thưởng Nobel thuộc Quốc hội Na Uy quyết định.
Sau giải Nobel Y học, giải Nobel Vật lý sẽ được công bố vào ngày 3-10, tiếp đó là giải Nobel Hóa học (ngày 4-10), giải Nobel Văn học (ngày 5-10), giải Nobel Hòa bình (ngày 6-10) và cuối cùng là giải Nobel Kinh tế (ngày 9-10).
Giữa tháng 9, Quỹ Nobel thông báo chủ nhân giải thưởng Nobel sẽ nhận 11 triệu krona Thụy Điển (khoảng 989.000 USD), tức tăng 1 triệu krona Thụy Điển so với năm ngoái.