Những ngày cuối tháng 4 oi bức, trong chuyến công tác đến các bệnh viện thuộc tỉnh Hà Giang, đoàn chúng tôi mất gần 4 giờ chỉ để di chuyển hết quãng đường 50km do mặt đường xấu, quanh co, trắc trở.
Đoạn đường thêm phần khó đi vì đêm qua cơn mưa lớn giải nhiệt cho Hà Giang làm nền đất ẩm ướt, bị các phương tiện xới tung lên vì trơn trượt. Chúng tôi xuống xe đi bộ hơn 2km rồi tiếp tục lên xe vào Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Mê (Hà Giang). Cơn mưa còn gây thiệt hại thêm cho hệ thống điện tại BV, nhiều hoạt động sinh hoạt, khám chữa bệnh bị ngưng trệ.
Điều kiện vật chất khó khăn
Khi đoàn có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Mê, các y bác sĩ đang tất bật sửa sang lại khuôn viên BV. Nói là khuôn viên chứ nơi đây chỉ vọn vẹn một vài dãy nhà chắp vá, cũ kỹ, xuống cấp, thiết bị y tế phục vụ cho khám chữa bệnh thiếu thốn. Để công tác khám chữa bệnh thuận lợi, người lo quét dọn cây đổ sau trận mưa lớn, người tất tả lo phát điện để cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân.
Bắc Mê là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hà Giang, dân số 57.547 người, trung tâm huyện cách thành phố Hà Giang 53 km. Do đi lại khó khăn nên ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống người dân. Trước đây, mỗi lần ốm đau, bệnh tật, người dân muốn khám bệnh phải đi từ khuya hôm trước, hoặc mất gần cả ngày hôm trước để chuẩn bị ra thành phố, rất vất vả.
BV đa khoa huyện Bắc Mê thường xuyên tổ chức khám bệnh cho người dân huyện nhà. ẢNH: HẢI ÂU
“Có những trường hợp bệnh nặng, nếu được cấp cứu ngay là có thể sống nhưng vì đường xa nên đành phải phó mặc cho trời. Cháu trai tôi ngày ấy bị ngã xuống vách núi, mất rất nhiều máu, nhưng do đường ra Bệnh viện thành phố quá xa, cháu không cầm cự nổi quá nửa đường dù đã được cầm máu” – ông Hồ Văn Tảo (54 tuổi), bùi ngùi kể lại.
Khắc phục những khó khăn về vị trí địa lý, nhiều năm trở lại đây, xác định y tế xã là tuyến y tế trực tiếp gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản. Trong những năm qua, huyện Bắc Mê đã đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Từ đó, BV Đa khoa huyện Bắc Mê trở thành trung tâm khám chữa bệnh được giao phó trọng trách lớn, nhờ đó mà người dân trên địa bàn được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe với chất lượng ngày càng cao.
Bắc Mê còn làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nhờ có mạng lưới y tế đồng bộ, hoạt động hiệu quả bao gồm Trung tâm y tế huyện, 2 phòng khám đa khoa khu vực trực thuộc Bệnh viện đa khoa huyện và 11 trung tâm y tế xã, thị trấn. Bên cạnh đó, mạng lưới y tế thôn, bản với 138 nhân viên y tế thôn bản đang hoạt động tại 138 thôn, bản, tổ, khu phố. Hiện tổng số nhân lực tại 11 trạm y tế xã của Bắc Mê là 57 người, trong đó có 10/11 trạm có bác sĩ. Trong số 138 nhân viên y tế thôn bản có 61 người qua các lớp đào tạo chuyên môn y tế 3 tháng trở lên, đạt tỉ lệ 44,2%...
Trong những năm qua, 100% trạm y tế xã, thị trấn, Trung tâm Y tế huyện được đầu tư xây dựng và sửa chữa. Trang thiết bị từng bước được đầu tư nâng cấp, đảm bảo công tác khám chữa bệnh chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Các trạm y tế xã được trang bị các trang thiết bị khám bệnh, sơ cấp cứu, đỡ đẻ, chăm sóc sơ sinh, khám phụ khoa và thực hiện các chương trình mục tiêu y tế quốc gia. Riêng các trạm y tế có bác sĩ tổ chức thực hiện mô hình Bác sĩ gia đình được trang bị máy siêu âm...
Sinh nở, chữa bệnh còn nhiều hủ tục
Tại bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, BS Phạm Đình Phẩm, Giám đốc bệnh viện cũng cho biết, đa số sản phụ ở Đồng Văn là người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn. Họ gần như không chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cho mẹ và bé trước và sau khi sinh.
“Nhiều sản phụ đến bệnh viện sinh con với hai bàn tay không: Không tã lót, không quần áo cho bé, không bỉm sữa, không phích nước, không đồ dùng… chỉ vỏn vẹn bộ quần áo mặc trên người”, BS Hoàng Hoa Màn, Phó Giám đốc bệnh viện chia sẻ.
Theo BS Nguyễn Ngọc Chung, có nhiều thôn, bản còn chưa có đường ô tô, đường đất vào bị chia cắt bởi đồi núi cao, khe suối sâu, người bệnh lại không thể ngồi được xe máy nên người nhà và bác sĩ phải chở bệnh nhân bằng xe bò ra bệnh viện.
Dù hoạt động trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn về trang thiết bị y tế, nhân lực song các bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, không sợ khó, không sợ khổ.
“Những khó khăn, vất vả vẫn đeo bám người dân và những bác sĩ nơi đây, nhưng khi chứng kiến những gì diễn ra tại các cơ sở y tế này, chúng tôi cảm nhận được chính sự kiên cường của người dân và các bác sĩ nơi vùng cao này đã lấn át mọi khó khăn, trở ngại” – BS Nguyễn Ngọc Chung, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bắc Mê chia sẻ.
Với quyết tâm cải thiện chất lượng bệnh viện nhằm cứu chữa bệnh nhân như cứu chữa chính những người thân, đồng hương, bạn bè.. bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Mê đang thực sự “chuyển mình” trong công tác khám chữa bệnh cho người dân. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2019, bệnh viện đã tiếp nhận 5.091 lượt khám, chữa bệnh (đạt 103% so với cùng kỳ năm ngoái). Đặc biệt, năm 2018 bệnh viện đã làm chủ được nhiều kỹ thuật như đình chỉ thai nghén đối với thai chết trong buồng tử cung, mổ u buồng trứng xoắn 2,5kg, mổ cấp cứu thủng dạ dày có sự hỗ trợ của tuyến trên, mổ cấp cứu trẻ suy thai bị 3 vòng dây quấn cổ, phẫu thuật vỡ tử cung…
Đặc biệt, vừa qua 3 nhân viên y tế của Bệnh viện đã được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc cứu sống mẹ con sản phụ rơi xuống vực sâu.
Ngoài ra, trong năm qua lần đầu tiên các BS của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang- tỉnh miền núi đầu tiên thực hiện phẫu thuật thành công ca ung thư gan nguyên phát. Đây là ca đại phẫu đòi hỏi cao về kỹ thuật cũng như trình độ chuyên môn. Với thành công của ca phẫu thuật là một tin vui cho người bệnh trong tỉnh mắc các bệnh lý về gan nói chung và ung thư gan nguyên phát nói riêng trong việc phát hiện, điều trị cũng như giảm chi phí trong quá trình khám chữa bệnh.