Nằm sâu trong con ngõ 121, đường Lê Thanh Nghị, thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, “xóm chạy thận” là những dãy nhà cấp bốn tối tăm, ẩm thấp. Cả xóm có tổng cộng 130 người, họ đều là những bệnh nhân mắc bệnh thận. Mỗi người một quê, quây quần thành một xóm trọ ở gần bệnh viện Bạch Mai để dễ dàng cho việc điều trị tại bệnh viện
Rớt mắt vì bao năm đón tết ở phòng trọ
Mỗi lần tết đến xuân về, người dân Thủ đô hào hứng, nô nức đi mua sắm, trang hoàng nhà cửa để chuẩn bị đón Tết. Nhưng trái ngược với không khí nhộn nhịp bên ngoài, đó là khung cảnh buồn ảm đạm, đìu hiu nơi xóm nghèo chạy thận.
Một dãy nhà cấp bốn ẩm thấp ở xóm chạy thận.
Những người ở xóm chạy thận có người đón tết ngay ở xóm trọ.
Trên khuân mặt hốc hác của những người bệnh, với đôi mắt cuồng thâm, chốc chốc lại đưa cái nhìn xa xăm, ẩn sâu trong đó là nỗi buồn chất chứa, sự tủi thân vô bờ bến mà không gì có thể bù đắp được. Ở xóm chạy thận, đã nhiều năm nay có người không được về quê đón tết cùng gia đình, hoặc có chăng cũng chỉ là tranh thủ chút thời gian ít ỏi về nhà được một đến hai ngày rồi lại phải lên Hà nội. Họ không được hưởng trọn một cái tết đầm ấm bên gia đình, người thân mình.
Ngồi trên chiếc ghế nhựa đã bạc màu vì thời gian ở cuối xóm, ông Nhữ Đình Mây (60 tuổi, quê Thanh Hóa), cho biết mình đã ở xóm chạy thận được 12 năm nay. Trước đây khi còn có sức khỏe, vào mỗi dịp tết đến ông Mây tranh thủ về quê được hai ngày (30 đến mùng 1 tết) để thắp hương cúng gia tiên, rồi lại phải lên ngay để kịp chạy thận vào sớm ngày hôm sau.
“Đã mấy năm nay tôi với bà nhà không về ăn tết rồi, phần vì sức khỏe yếu ngại đi lại xa, phần tiền xe cộ ngày tết đắt đỏ gấp mấy ngày thường. Hai vợ chồng đi lại cũng mất cả triệu bạc, không biết xoay sở thế nào”, ông Mây tâm sự.
Cũng theo ông Mây, mỗi năm tết đến, các tổ chức từ thiện đến thăm hỏi phát cho gì thì ăn đó, người cho bánh chưng, người cho hộp bánh... cũng đỡ tủi thân hơn phần nào.
Bà Mai Thị Hường (vợ ông Mây) thỉnh thoảng lại lấy vạt áo gạt nước mắt tâm sự, “năm hết tết đến ai chẳng muốn về nhà đón tết cho có anh có em. Từ khi lên đây chăm chồng, nhà cửa ở quê cũng đành chốt cửa để không. Tết đến không về được thì nhờ cô em gần nhà sang thắp nhang cho các cụ thôi. Nhìn mọi người về quê ăn tết cùng gia đình cũng thấy buồn và tủi thân lắm…”.
Do lịch chạy thận vào đúng dịp tết nên bảy năm qua chú Nguyễn Văn Huệ (53 tuổi ở Tân Yên, Bắc Giang) không được về quê ăn tết với gia đình, “những người ở gần còn tranh thủ về được, chứ như tôi nhà xa cách cả trăm cây số thì không về được. Ngày tết đi xa, xe cộ lại đông đúc, nói gở, nhưng lỡ gặp tai biến dọc đường chưa kịp về đến nhà đã chết rồi. Ra tết xe khách thuận tiện, không đông người tôi mới về được, rồi lại phải lên”, chú Huệ nói.
Chú Huệ nói tiếp “tết nhất ở trên này có gì mà chuẩn bị, đôi lúc muốn ăn gì cũng không dám ăn vì phải để dành tiền để điều trị, chữa bệnh”.
Sau tết, biết lấy tiền đâu để điều trị tiếp đây!
Ở xóm chạy thận, nhiều bệnh nhân có người vẫn phải tự mình bươn trải, gồng mình làm việc. Họ làm đủ các thứ nghề chỉ mong có thể kiếm được tiền để trang trải cho cuộc sống, chi phí cho điều trị, bớt đi gánh nặng phần nào cho gia đình mình.
Chú Huệ cho biết, một tuần mình phải chạy thận ba buổi, mỗi tháng cả tiền phòng trọ, thuốc thang, điều trị lên đến 5 triệu đồng. Để có tiền, thỉnh thoảng chú Huệ phải đẩy xe lăn thuê cho những người bệnh khác từ xóm trọ lên bệnh viện để điều trị. Cả đi, cả về lên bệnh viện với quãng đường là 3km, một tháng cũng chỉ đẩy thuê được hơn chục buổi.
“Cháu bảo lợn gà, lúa gạo nào mà một tháng bán được ra ngay, chưa được bán đã phải lo tiền cho thuốc thang, sinh hoạt ở trên này. Chú còn chút sức thì cũng phải cố gắng làm thêm để phụ giúp cho người thân mình bớt đi gánh nặng, nhà cũng chả giàu có, dư dả gì rồi. Bảy năm qua, số tiền điều trị của chú tính ra đã mất cả vài đàn trâu rồi chứ ít ỏi gì đâu cháu”, chú Huệ nói.
Bà A., một bệnh nhân ở xóm chạy thận lo lắng vì không biết ra tết sẽ lấy đâu ra tiền để điều trị tiếp.
Bà Dư Thị Tân, quê ở (Ứng Hòa, Hà Nội ) cho biết mình đã điều trị ở đây được 5 năm. Cách một ngày bà phải chạy thận một lần, do vậy không về quê ăn tết được. Trong ảnh bà Tân cho xem những vết thẹo còn để lại trong những lần điều trị.
Bà Hường cho biết, trước đây gia đình còn được hưởng chính sách hộ nghèo, nhưng hai năm trở lại đây đột nhiên nhà gia đình mình bị cắt hộ nghèo, mọi sự hỗ trợ đều bị mất hết nên cuộc sống ngày càng kiệt quệ hơn. Giờ ông nhà tôi chỉ được hưởng chính sách bảo trợ.
Không có con cái, để có tiền lo cho sinh hoạt, thuốc men, điều trị bệnh cho ông Mây, bà Hường hàng ngày phải đi bán nước ở bệnh viện Bạch Mai. “Vài hôm trước vừa bán được chai nước thì bảo vệ họ lôi xềnh xệch ra ngoài. Ra tết tôi không biết sẽ đi đâu, làm gì để có tiền lo thuốc men cho ông ấy nữa đây”, bà Hường kể trong nước mắt.
Chia tay mọi người, bước chân ra về chúng tôi vẫn mang trong lòng nỗi niềm trăn trở về tương lai đang mù mịt của những con người nơi xóm nghèo chạy thận.