Nội các Mỹ cạn dần kiên nhẫn với ông Trump?

Nội các Mỹ đang lung lay vì sự bất mãn từ lãnh đạo các bộ, ngành quan trọng với Tổng thống Donald Trump ngày càng tăng. Truyền thông Mỹ ngày 26-7 rộ thông tin Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đang tính từ chức không phải vì áp lực công việc mà vì chán nản do rạn nứt trong quan hệ với Tổng thống Donald Trump. Theo một số bạn bè ông Tillerson, sự bất mãn này tích tụ từ sáu tháng qua và ông Tillerson lo rằng tình hình sẽ không được cải thiện.

Bằng mặt nhưng có bằng lòng?

Ông Tillerson có quan hệ tốt với ông Trump từ trước nhiệm kỳ 2017 và ngoài mặt ông vẫn khẳng định ủng hộ các quyết định của tổng thống Mỹ. Nhưng theo The New York Times, ông Tillerson đang ngày càng không hài lòng cách Nhà Trắng can thiệp công tác nhân sự của Bộ Ngoại giao. Tháng qua, ông Tillerson từng mất bình tĩnh trong một cuộc gặp tại Nhà Trắng về vấn đề này. Nhà Trắng đã ít nhất hai lần gạt đề cử của ông cho các vị trí cấp cao, theo The New York Times. Ông Tillerson và ông Trump cũng có nhiều khác biệt về các chính sách ngoại giao quan trọng, như vấn đề Trung Đông, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đối đầu Nga và quan hệ với các đồng minh.

Ông Trump tháng qua đã phát biểu ủng hộ Saudi Arabia và các nước Ả Rập phong tỏa Qatar chưa đầy 90 phút sau khi ông Tillerson yêu cầu các nước thôi phong tỏa Qatar, đối thoại chấm dứt khủng hoảng. Đó là một đơn cử trong số nhiều lần ông Tillerson chịu áp lực vì các phát biểu mâu thuẫn của tổng thống. Mâu thuẫn mới nhất giữa ông Tillerson và ông Trump là về thỏa thuận hạt nhân Iran. Ngày 17-7, ông Tillerson lên lịch báo cáo rằng Iran tuân thủ tốt thỏa thuận nhưng ông Trump không chịu. Tranh cãi nổ ra và ông Tillerson phải hoãn báo cáo một ngày. Sau vụ việc, ông Trump ngày 21-7 chỉ đạo một nhóm trợ lý Nhà Trắng giành quyền báo cáo từ ngoại trưởng, mục đích để ba tháng sau ông có thể tuyên bố Iran không tuân thủ thỏa thuận.

Các trụ cột trong nội các Mỹ (từ trái qua): cố vấn an ninh quốc gia McMaster, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis, Ngoại trưởng Tillerson đang có nhiều dấu hiệu bất đồng với Tổng thống Trump. Ảnh: AP/GETTY

Hãng Reuters dẫn một nguồn tin trong chính quyền Mỹ cho biết: Ông Tillerson “rất thất vọng khi không được trao thực quyền, sự độc lập và nguồn lực kiểm soát Bộ Ngoại giao, không thể làm việc như một ngoại trưởng bình thường”. Ông Tillerson từng nói với bạn bè rằng tối đa sẽ có một năm trụ ở ghế ngoại trưởng nhưng có lẽ thời gian không còn nhiều.

Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions từng là cố vấn đắc lực của ông Trump trong mùa tranh cử. Thế nhưng vài ngày trước, ông Trump thậm chí đã công kích ông Sessions hiện nay “quá yếu đuối” trong công việc. Theo The New York Times, ông Trump đặc biệt bất mãn ông Sessions bổ nhiệm cựu Giám đốc FBI Robert Mueller làm công tố viên đặc biệt điều tra độc lập Nga can thiệp bầu cử. Ngày 24-7, tổng thống Mỹ còn gọi bộ trưởng Tư pháp là “phiền phức”. Tờ The Washington Post cho biết ông Trump đang bàn với các cố vấn khả năng thay ông Sessions, mở đường sa thải luôn ông Mueller. Về phần mình, ông Sessions không cho thấy dấu hiệu gì sẽ tự nguyện từ chức. Ông Sessions ngày 26-7 còn đến Nhà Trắng để dự một số cuộc gặp cấp cao.

Kiên nhẫn cạn dần

Nhân vật quan trọng thứ ba có nguy cơ bất mãn ông Trump là Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. Mới ngày 26-7, ông Trump bất ngờ lên Twitter nói sẽ cấm người chuyển giới phục vụ trong quân đội. Ông Trump nói đã tham vấn các tướng lĩnh và chuyên gia quân sự trước khi ra quyết định. Tuy nhiên, theo The Washington Post, ông Mattis chỉ được thông báo một ngày trước khi ông Trump đăng đàn.

Dù bản thân không hài lòng chuyện người chuyển giới phục vụ trong quân đội vì tốn kém nhưng ông Mattis cũng như nhiều lãnh đạo quân đội khác giữ quan điểm cho phép các quân nhân chuyển giới được giữ lại biên chế quân đội. Nhiều quan chức Bộ Quốc phòng cũng không bằng lòng khi ông Trump thông báo vội vàng khi họ chưa quyết được các bước đi cụ thể khiến họ không kịp trở tay, có thể sẽ khiến họ phải ra tòa nếu bị kiện.

Nhân vật quan trọng thứ tư có thể sắp hết kiên nhẫn với ông Trump là tướng H.R. McMaster, cố vấn an ninh quốc gia. Theo Politico, tướng McMaster đang chán nản với cung cách làm việc thiếu tổ chức và kỷ luật bên trong Nhà Trắng. Tuần trước, ông Trump đã từ chối duyệt kế hoạch đưa thêm quân đến Afghanistan dù kế hoạch này đã được tướng McMaster, Bộ trưởng Mattis cùng các thành viên nội các thống nhất.

Một số nguồn tin của Politico cho biết cuộc gặp giữa ông Trump với các ông McMaster, Mattis và các thành viên nội các diễn ra rất gay gắt. Theo Politico, thái độ này thể hiện ông Trump thiếu tin tưởng tướng McMaster. Dù ông Trump từng công khai nói trao quyền quyết định rộng hơn cho quân đội, không quản lý quá chi li các chiến lược quân sự mà mình không hiểu rõ. Vấn đề lập trường cứng rắn hay hòa dịu với Nga cũng là một trong các điểm bất đồng giữa tướng McMaster và tổng thống Mỹ. 

Tôi sẽ không đi đâu cả chừng nào tổng thống còn muốn tôi ở lại.

Ngoại trưởng Mỹ REX TILLERSON,
 trả lời báo chí ngày 26-7 khi được hỏi
về mối quan hệ với ông Trump, bác tin mình sẽ từ chức

____________________

Trong các bất đồng với ông Sessions, Chánh Văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus và Trưởng chiến lược Stephen K. Bannon đã tích cực khuyên ông Trump không tìm cách sa thải ông Mueller để tránh bất lợi về chính trị. Đứng phía sau ông Trump trong vụ phản đối kế hoạch đưa quân đến Afghanistan của tướng McMaster là ông Bannon và Giám đốc CIA Mike Pompeo. Ủng hộ ông Trump trong vụ đưa ông Mattis vào thế đã rồi, cấm người chuyển giới làm việc trong quân đội là Phó Tổng thống Mike Pence và ông Bannon, theo Politico. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm