1. Hôm qua, đọc tin về việc một nữ bác sĩ, phó khoa sản ở một bệnh viện bị bắt vì tội giết người (xem box), tôi không khỏi rùng mình. Nạn nhân là đứa cháu nội tám tháng tuổi của nghi can. Người bà đã đầu độc cháu bằng cách bơm thuốc chuột vào sữa cho cháu uống. Đứa cháu bị ngộ độc, bệnh viện phân tích máu và phát hiện độc tố nên báo công an.
Ai cũng có quyền được sống. Với tội giết người, hành vi giết trẻ em trong trường hợp này là một trong những tình tiết định khung (giết người dưới 16 tuổi, điểm b khoản 1 Điều 123 BLHS) và là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo điểm k khoản 1 Điều 52 BLHS), bởi trẻ không có năng lực tự vệ…
Những bản tin tiếp theo cho thấy: Em bé bị bại não, bị tim bẩm sinh, bị hở hàm ếch và nhiều chứng bệnh khác. Con trai và con dâu đi làm xa và bà nội nhận nuôi cháu.
Bước đầu, bị can khai do cạn nghĩ, muốn chấm dứt khổ đau cho cháu do những chứng bệnh hành hạ, do cháu không có tương lai và cũng không có khả năng nhận biết. Bà thương cháu và cha mẹ cháu...
Sẽ rất dễ để buộc tội và kết án ở mức hình phạt cao với nghi can. Tội phạm đã hoàn thành (nạn nhân không chết là ngoài ý muốn của nghi can). Tất cả yếu tố buộc tội đều có thể được quy kết và nghi can khó lòng cãi được, vì nó rất hiện thực.
2. Trước đây, trong BLHS 1985, hành vi giết con mới đẻ được coi là tội giết người nhưng tách ra thành một khoản riêng (khoản 4 Điều 101) với mức phạt từ sáu tháng đến ba năm tù.
Đến BLHS 1999, các nhà làm luật thấy việc quy định tội giết người với hành vi này là không hợp lý, bởi nó không phản ánh đúng bản chất của hành vi phạm tội, trong khi người mẹ là thủ phạm phải mang dấu ấn giết người cả đời, vì vậy hành vi giết con mới đẻ được tách riêng thành một tội danh tại Điều 94 BLHS 1999.
Tôi còn nhớ khi thảo luận thông qua BLHS 1999, đã có những tranh cãi gay gắt giữa các đại biểu Quốc hội. Một đại biểu Quốc hội ở một tỉnh miền núi nói hành vi này không là cá biệt, nhất là với đồng bào vùng cao, cần xem xét kỹ yếu tố tập quán và trình độ dân trí.
Đến BLHS 2015, hành vi này được quy định tại Điều 124 về tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ. Theo đó, tội danh được áp dụng cho những người nào vì tư tưởng lạc hậu mà giết đứa con trong bảy ngày tuổi. Tội danh này áp dụng duy nhất cho chủ thể là người mẹ đẻ của nạn nhân và trong trường hợp nạn nhân từ tròn bảy ngày tuổi trở xuống. Quá 1 phút thôi, lập tức tội danh và hình phạt sẽ được áp dụng như tội giết người.
3. Trong luật, những tình tiết, hoàn cảnh người mẹ có con trong vòng bảy ngày tuổi, do lạc hậu và trầm cảm sau sinh chỉ áp dụng cho chính người mẹ đẻ chứ không có điều khoản nào áp dụng cho chủ thể khác.
Bà nội của cháu bé trên sẽ bị xử lý theo tội giết người. Như đã nói ở trên, có việc buộc tội giờ đây trở nên quá đơn giản khi hành vi hiển hiện, tình tiết vận dụng cũng rõ ràng; bà nội là người có nhận thức cao (bác sĩ phó khoa sản) và không phải là mẹ đẻ của bé.
Và sự đơn giản ấy sẽ đặt những người tiến hành tố tụng (điều tra viên, công tố viên, thẩm phán) và luật sư vào chỗ phải căng não và bản lĩnh để vận dụng luật và kiến thức khác, dù để buộc tội hay gỡ tội.
Bà nội có thương con, cháu hay độc ác và ích kỷ?
Ở tuổi 51, có vị trí công việc tốt, bà còn năm năm công tác mới tới tuổi hưu, có phòng mạch tư. Thế nhưng bà vẫn nhận nuôi cháu cho con trai và con dâu, dù bà không có nghĩa vụ ấy. Vì thế nên chúng ta khó tin rằng đó là người bà độc ác.
Phải chăng vì là bác sĩ sản khoa, bà nhìn thấy tương lai mịt mờ của đứa cháu, nỗi đau khổ của nó và cha mẹ, gánh nặng cuộc đời của đứa cháu và người thân nên muốn giải thoát như bà nói? Và vì thế, bà đã chọn giải pháp tiêu cực nhất...
Câu chuyện quá đau lòng! Cháu bé được cứu sống và sẽ tiếp tục sống một cuộc đời bất hạnh của nó. Và hành vi phạm pháp của bà nội đã vĩnh viễn khóa lại tương lai của một nữ bác sĩ sau một thời gian lao động. với gia đình họ, bên cạnh nỗi đau vì em bé không bình thường, giờ có thêm nỗi đau bà giết cháu, nó sẽ tàn phá mức độ nào đó trong mối quan hệ gắn kết gia đình.
Tôi tin rằng vụ án nghiêm trọng và hành vi quá rõ ràng này sẽ là một thách thức với những người tiến hành tố tụng (và cả luật sư - người tham gia tố tụng) công tâm và có trách nhiệm. Rất tiếc, các môn tâm lý học tội phạm, tâm thần học và tâm lý tư pháp lẽ ra ngày càng phải đầu tư như một bộ môn khoa học bổ trợ cực kỳ quan trọng, thì từ hơn 10 năm nay dường như chưa được quan tâm đúng mức trong việc đào tạo luật ở bậc ĐH...
Chưa khởi tố bị can bà Chử Thị Mỹ Lệ Chiều 5-8, Công an TP Thái Bình (tỉnh Thái Bình) cho biết cơ quan này vẫn chưa khởi tố bị can đối với nghi can Chử Thị Mỹ Lệ (51 tuổi). Trước đó, bà Lệ đã bị bắt khẩn cấp để điều tra về tội giết người. Bà Lệ là bác sĩ phó trưởng khoa sản của một bệnh viện huyện ở tỉnh Thái Bình. Bà cũng mở một phòng khám tại nhà riêng ở xã Tân Bình, TP Thái Bình. Theo thông tin ban đầu, vợ chồng con trai bà Lệ làm việc ở Hà Nội sinh được cháu trai là LTDM (khoảng tám tháng tuổi) bị đa dị tật bẩm sinh với chứng bại não, tim bẩm sinh, hở hàm ếch. Cháu M. được cha mẹ gửi về quê cho bà Lệ nuôi. Tới ngày 13-7, cháu M. được đưa vào BV Nhi Thái Bình cấp cứu, sau đó cháu được chuyển lên BV Nhi trung ương điều trị. Tại đây, bác sĩ xét nghiệm thì phát hiện dấu hiệu cháu bé bị đầu độc nên báo công an. Công an TP Thái Bình vào cuộc xác minh, bà Lệ thừa nhận đã bơm thuốc chuột vào sữa cho cháu M. uống. Bước đầu, bà Lệ khai do thấy bệnh tình bẩm sinh hành hạ cháu nội khiến cháu quá khổ sở nên trong lúc nông nổi, bà muốn giải thoát cho cháu… Được biết sức khỏe cháu M. hiện đã ổn và cháu đang được điều trị tại BV Nhi tỉnh Thái Bình. ĐỖ HOÀNG |