“Nội gián” rút ruột công ty

Mới đây, ông Yew Kean Lai, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco), đã có đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng và báo chí. Nguyên do là toàn bộ mạng lưới kinh doanh, thị trường của Anco đang đứng trước nguy cơ rơi vào tay đối thủ cạnh tranh, vốn lại là lãnh đạo của Anco.

Đưa đơn hàng về công ty riêng

Ông Yew Kean Lai cho biết Anco đã bãi nhiệm chức vụ của hai cổ đông vốn giữ chức vụ lãnh đạo cấp cao của công ty. Cụ thể, hai người này có hành vi góp cổ phần vào công ty đối thủ cạnh tranh, gây mất ổn định hoạt động của công ty thời gian qua. 

Trong thời gian điều hành công ty, hai người kể trên nguyên là lãnh đạo cấp cao Anco đã nắm hết thông tin, những bí mật kinh doanh, hệ thống đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi. Sau đó, họ âm thầm đẩy mạnh hoạt động của công ty đối thủ, vốn do chính hai người này cùng người thân thành lập, vận hành.

Cụ thể, khi đang làm ở Anco, hai người cùng người thân âm thầm góp vốn vào bốn công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi khác tại Hậu Giang, Đồng Nai, Tây Ninh, Hà Nam. Tuy nhiên, điều đáng nói là hai ông này đã âm thầm sử dụng quyền lực, nguồn lực nhân viên bán hàng, phương tiện vận chuyển, dữ liệu khách hàng của Anco để phục vụ lợi ích riêng của công ty mới.

Đáng chú ý hơn, cả hai ông còn chèn ép hệ thống phân phối của Anco nhằm đánh mất uy tín Anco, tạo cơ hội cho công ty riêng của mình tham gia và mở rộng mạng lưới phân phối. Theo Anco, hàng chục đại lý lớn đã đồng loạt gửi đơn kiến nghị về tình trạng bị chính nhân viên bán hàng của Anco, không hiểu vì lý do gì, đã dùng nhiều cách khác nhau để gây áp lực, ép buộc các đại lý phải kinh doanh sản phẩm của công ty mới do hai ông kia thành lập. Điều này khiến nhiều đại lý lớn của Công ty Anco và nông dân gặp khó khăn khi bị cắt đứt nguồn hàng quen thuộc.

Hậu quả là doanh số của Anco giảm mạnh. Tiền vay ngân hàng ứng trước cho các điểm bán biến thành “nợ xấu”, không thu hồi được và nguy cơ mất trắng toàn bộ công việc kinh doanh. Trong tháng 10-2013, sản lượng sản phẩm Anco chỉ được tiêu thụ bằng 79% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó khu vực Đồng Nai chỉ đạt 56% bất chấp nhu cầu của người chăn nuôi vẫn tăng. Theo tính toán từ phía Anco, công ty này đã thiệt hại khoảng 100 tỉ đồng do các hành động phá hoại mà hai vị lãnh đạo cũ gây ra. Thế nên Anco phải gửi đơn kêu cứu đến cơ quan Công an tỉnh Đồng Nai và cơ quan ngoại giao Malaysia để hỗ trợ bảo vệ quyền lợi.

Luật còn bỏ ngỏ

Chuyên gia về Luật Cạnh tranh, TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cho biết những trường hợp doanh nghiệp (DN) bị chơi xấu như Anco được gọi là hành vi tư lợi trong DN.

Tuy nhiên, theo TS Sơn, Luật Cạnh tranh vẫn chưa điều chỉnh tới hành vi trên. Để tránh lâm vào tình cảnh bị ăn cắp bí mật kinh doanh, khuyến cáo DN phải có hợp đồng lao động chặt chẽ với những người lãnh đạo nhằm phòng, chống các giao dịch tư lợi. Ngoài ra, DN phải xây dựng quy chế tự bảo vệ mình. Cụ thể DN phải có cơ chế giám sát nội bộ. Ví dụ, hội đồng quản trị giám sát chính những vị lãnh đạo DN như tổng giám đốc hay các phó tổng giám đốc và buộc họ phải tuân theo.

Với kinh nghiệm nhiều năm tư vấn cho DN và từng là lãnh đạo của nhiều DN, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch CLB Doanh nghiệp Dẫn đầu, cho rằng đây chính là kẽ hở mà luật Việt Nam chưa có quy định và chế tài cụ thể. Thế nên mới xảy ra tình trạng vi phạm đạo đức kinh doanh nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Việt Nam.

Theo ông Trai, một trong những tiêu chuẩn quan trọng của kinh doanh quốc tế là đạo đức kinh doanh. Ở nước ngoài, mỗi DN đều có Bản nguyên tắc hành xử (code of conduct) mà mọi nhân viên đều phải ký cam kết thực hiện. Bản nguyên tắc hành xử thường quy định rõ: Tất cả cán bộ công nhân viên cam kết không làm bất cứ điều gì mâu thuẫn về quyền lợi hợp pháp của công ty (conflict of interest), như trực tiếp tham gia hoặc có người thân (chồng, vợ, anh em, con cái) tham gia vào công ty đối thủ cạnh tranh dưới bất kỳ hình thức nào. Trường hợp phát hiện sẽ bị đuổi việc hoặc nghiêm trọng hơn nếu gây thiệt hại cho công ty sẽ bị kiện ra tòa.

Ông Trai còn cho biết thêm các hợp đồng lao động đều có quy định cụ thể về tính bảo mật và tôn trọng lợi ích của DN. Ngoài ra, môi trường pháp lý trong các vấn đề như sở hữu công nghệ cũng rất rõ ràng, cụ thể. Thế nên cho dù người lao động vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, dù là một bằng sáng chế nhỏ cũng bị xử phạt nặng.

Một quy định quan trọng không kém nữa mà ông Trai chỉ ra là “nhân viên nghỉ việc ở chỗ này, nếu sang làm một DN cùng ngành nhưng sử dụng những bí mật công nghệ, những bí quyết kinh doanh của DN cũ thì có thể bị kiện ra tòa. Và nếu DN cũ có thể chứng minh được tổng thiệt hại do việc này gây ra thì nhân viên đó sẽ bị xử lý nghiêm”.

 

Bạn thân thành “nội gián”

Giám đốc Công ty Nông nghiệp Tam Nông cho biết công ty của ông đã kịp thời phát hiện âm mưu của một người quản lý phá hoại hoạt động kinh doanh, cướp khách hàng của DN. Người quản lý này vốn là một người bạn mà vị giám đốc nhận vào làm và tin tưởng giao cho trọng trách trưởng đại diện DN tại TP.HCM.

Anh ta đã âm thầm lập một công ty cùng ngành nghề tên là Phú Nông, rất giống Tam Nông. Từ đó, người này lấy thông tin khách hàng thuyết phục họ không mua sản phẩm của Tam Nông. Khi phát hiện, giám đốc Tam Nông cũng lặng lẽ cho người theo dõi hành động của kẻ nội gián và nắm bằng chứng đuổi việc.

May mắn hơn là trường hợp của Công ty Vinamit khi thắng kiện trong việc tranh chấp thương hiệu Đức Thành với một đối tác phân phối cũ của Vinamit tại Trung Quốc. Sau bốn năm theo đuổi vụ kiện với ba phiên tòa, Vinamit đã được thừa nhận là chủ sở hữu của thương hiệu Đức Thành, tiếp tục xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Trung Quốc.

QUANG HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm