Phiên giao dịch hôm nay (10-10), giá dầu thô toàn cầu vẫn áp sát mốc 90 USD/thùng.
Các chuyên gia phân tích ING đánh giá, thị trường dầu mỏ đang có rất nhiều bất ổn. Nếu Iran thực sự có liên quan đến cuộc xung đột Israel và Hamas hiện nay thì sẽ tạo một lực đẩy cho giá dầu. Vì khi đó, Mỹ có thể sẽ thực hiện cấm vận xuất khẩu dầu của Iran.
Dù Israel sản xuất rất ít dầu thô nhưng thị trường vẫn lo ngại khi xung đột leo thang có thể ảnh hưởng đến nguồn cung tại Trung Đông và làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt dầu trong thời gian còn lại của năm.
Do đó, giá dầu có thể dao động trong khoảng 90-100 USD/thùng trong quý IV-2023.
Tiến sĩ Bùi Duy Tùng, Đại học RMIT Việt Nam cho biết, giá dầu duy trì mức cao không chỉ ảnh hưởng đến giá cả vận tải hàng hóa mà còn lan tỏa đến các mặt hàng khác, như giá lương thực, từ đó tăng áp lực lên lạm phát.
Tăng giá dầu toàn cầu đặt ra một thách thức đối với Việt Nam, một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu.
Khi giá dầu tăng, nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu dầu cũng tăng theo, có thể đẩy giá trị của đồng Việt Nam xuống.
"Một đồng tiền yếu hơn có thể tạo ra tác động truyền dẫn đến lạm phát, khi giá của các mặt hàng nhập khẩu, bao gồm dầu tăng tính theo đồng nội tệ. Sự mất giá của đồng tiền có thể làm phức tạp thêm các nỗ lực kiểm soát lạm phát của Ngân hàng Nhà nước" - tiến sĩ Tùng nói.