Phóng sự bằng clip trên các báo về bốn đứa trẻ sống vắt vẻo dưới gầm cầu Móng, phía trên dòng nước cuồn cuộn chảy thực sự gây ấn tượng rất lớn đối với tôi và nhiều độc giả. Ngay sau khi báo đăng, công an phường đã kiểm tra. Sau đó, hai em nhỏ đã hồi gia, hai em khác được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội (gọi tắt là trung tâm). Điều đó phần nào làm nhiều người yên lòng.
Nhưng cũng như những lần trước đây, khi ngành chức năng đưa một số trẻ em tại các cơ sở nuôi trẻ trái phép vào trung tâm, nhiều bạn đọc bày tỏ trên mạng xã hội sự thất vọng khi các em “bị gom” vào đây. Một bạn đọc miêu tả về cuộc sống của các em nhỏ trong trung tâm: “Các em sẽ không được tiếp xúc bên ngoài, khi nào có lễ hội giao lưu thì một số em ngoan được cho đi dưới sự quản lý chặt chẽ của thầy cô và các em lớn”.
Ảnh trên: Các em nhỏ sống dưới dầm cầu Móng (ảnh cắt từ clip). Ảnh dưới: Các em nhỏ trong một gia đình ở Làng thiếu niên Thủ Đức. Anh, chị lớn trong gia đình giúp các mẹ nuôi chăm sóc, chỉ bài cho các em nhỏ. Ảnh: HỒNG MINH
Điều này rất sai sự thật, vì trong các trung tâm các em được chăm sóc theo phương châm hòa nhập và vươn lên. Các em được cho đi học cùng với các trẻ em bình thường khác, hết giờ học mới về trung tâm để sinh hoạt như trong một gia đình. Ở đây, dù có những hạn chế nhất định về cơ sở vật chất nhưng chắc chắn các em được chăm sóc tốt ở những nhu cầu cơ bản mà đứa trẻ nào cũng cần có: ăn mặc, học tập, nghỉ ngơi. Các em được trao cơ hội học hành tới nơi tới chốn cho đến khi có việc làm.
Có thể các em sẽ vẫn thua thiệt so với những đứa trẻ có mẹ cha đầy đủ nếu không nỗ lực. Có thể sẽ có những em đi chệch hướng và tiếp nhận sự ảnh hưởng từ cuộc sống phức tạp bên ngoài nhưng ngay cả những gia đình hoàn hảo vẫn có những đứa trẻ như vậy. Và có một điều chắc chắn là cuộc sống ở đây tốt hơn rất nhiều so với cuộc sống “tự do” vô định trước đây nếu nhìn về tương lai của các em.
Không biết tại sao và từ khi nào nhiều người xem trung tâm bảo trợ xã hội của Nhà nước như “nhà tù” như vậy, nhất là trước mỗi lần TP mạnh tay chấn chỉnh những cơ sở nuôi trẻ không phép, các em được đưa đến những trung tâm này. Có những lúc dư luận phản ứng mạnh tới mức Thủ tướng yêu cầu phải báo cáo sự việc. Một cán bộ Trung tâm Bảo trợ ở Thủ Đức cho biết khi chị đến đón các em từ một cơ sở nuôi trẻ không phép, các em đã được họ hàng, gia đình đón về hết (thực chất là trốn để khỏi vào trung tâm). Không phải tất cả nhưng nhiều cơ sở nuôi trẻ trái phép luôn gieo vào suy nghĩ non nớt của các em và một số người bảo trợ rằng vào trung tâm không khác gì “bị bắt nhốt”. Có những người còn theo vào tới tận trung tâm để phản đối. Khi vào tới nơi, họ mới thay đổi suy nghĩ của mình.
Trong tuần qua, tôi đã đến thăm những đứa trẻ được đưa về Làng thiếu niên Thủ Đức từ nhiều nơi khác nhau. Có một điểm chung là các em hòa nhập rất nhanh và yêu thương gia đình mới của mình. Mỗi gia đình có từ vài đến một chục đứa trẻ sống cùng mẹ nuôi. Các em không muốn về nơi ở cũ trước đây bởi cảm giác an toàn và thân thuộc của gia đình. Có em khi nghe ai đó ghẹo: “Nếu con không muốn ở đây thì sẽ cho con về” là bỏ không ăn cơm. Trước đó, các em nhỏ và người thân cũng nghĩ rằng “tưởng vô đây là bị bắt nhốt”.
Với những đứa trẻ không có gia đình (dù nhiều em trong số đó còn người thân, thậm chí còn cha hoặc mẹ), chắc chắn các em rất thiệt thòi vì gia đình là nơi nâng đỡ, che chở và giúp các em hình thành nhân cách. Làm sao một đứa trẻ “tự do” ở ngoài kia có đủ nhận thức rằng cần phải có những giấy thông hành (cả nghĩa đen và nghĩa bóng) để bước vào cuộc đời trong tương lai? Vì vậy, Nhà nước đã trao cho các em một cơ hội thứ hai để vươn lên và hòa nhập.
Các bạn hãy thử một lần đến tham quan những nơi này để mục sở thị cuộc sống của các em. Xin đừng phản đối chỉ vì “nghe nói…”.