Hôm qua, tổ chức Thomson Reuters Foundation vừa công bố kết quả một cuộc khảo sát 550 chuyên gia về các vấn đề phụ nữ. Theo đó, Ấn Độ được đánh giá là đất nước nguy hiểm nhất với phụ nữ liên quan đến thực trạng tấn công tình dục, bạo hành, bóc lột sức lao động, mua bán nô lệ lao động, nô lệ tình dục và cả cưỡng ép kết hôn với phụ nữ.
Cũng theo bản khảo sát, Ấn Độ cũng là quốc gia nguy hiểm nhất trên thế giới vì các truyền thống văn hóa có ảnh hưởng đến phụ nữ. Trong đó nổi cộm là các cuộc tấn công bằng acid, hủy hoại bộ phận sinh dục phụ nữ, nạn tảo hôn và bạo hành thể chất phụ nữ.
Mức độ nguy hiểm gia tăng không ngừng
Kết quả khảo sát lần này, theo đánh giá của CNN, cho thấy Ấn Độ tăng ba bậc so với bảy năm trước (cũng chương trình khảo sát này, Ấn Độ xếp thứ tư trên thế giới). Kết quả khảo sát của Thomson Reuters Foundation đưa ra trong bối cảnh công chúng Ấn Độ đang rất phẫn nộ vì hàng loạt vụ án hiếp dâm chấn động.
Trong đó, vụ việc một bé gái tám tuổi bị hiếp dâm tập thể và bị sát hại tại bang Kashmir được tiết lộ vào tháng 4; và sau đó là một thiếu nữ 16 tuổi bị hai người đàn ông bắt cóc, hiếp dâm và thiêu sống khi bị tố cáo tại bang Jharkhand đã làm dư luận Ấn Độ dậy sóng.
Như giọt nước tràn ly, các cuộc biểu tình nổ ra khắp Ấn Độ. Vào tháng 4 vừa qua, hàng ngàn người biểu tình xuống đường yêu cầu các biện pháp bảo vệ gắt gao hơn dành cho phụ nữ. Đây được đánh giá là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất diễn ra tại Ấn Độ kể từ khi một nữ sinh viên y khoa 23 tuổi ở thủ đô Delhi bị hãm hiếp, đánh đập và giết hại vào năm 2012.
Phụ nữ Ấn Độ đối diện nguy hiểm nhất thế giới. Ảnh: INTERNET
Vụ án khi đó gây bạo loạn ở Ấn Độ và chấn động thế giới khi các nhà điều tra đã mất ba năm để thu thập, bổ sung chứng cứ. Phiên tòa kéo dài bảy tháng, khép tổng thể 13 tội danh trong đó có tội giết người, hiếp dâm tập thể, trộm cắp,... đối với bốn kẻ thủ ác. Tổng hợp hình phạt là tử hình đối với cả bốn hung thủ, giữ y án sau khi bị can kháng cáo.
Năm 2013, cảnh sát Ấn Độ đã bắt giữ hơn 20 người tình nghi liên quan đến vụ cưỡng bức tập thể một nữ du khách người Thụy Sĩ ngay trước mặt chồng cô tại một khu rừng ở quận Dachoong, bang Madhya Pradesh khi hai vợ chồng nạn nhân đang cắm trại qua đêm. Cũng trong năm này, tại Madhya Pradesh, một nữ sinh viên Triều Tiên đã bị quản lý khách sạn cưỡng hiếp. Gần nhất là vào cuối tháng 10 năm ngoái, con gái của một nữ sĩ quan cảnh sát Ấn Độ bị bốn người đàn ông cưỡng hiếp tập thể gần một tuyến đường sắt tại TP Bhopal, cũng thuộc bang Madhya Pradesh.
Các biện pháp thiếu hữu hiệu
Theo thống kê của Cục Dữ liệu tội phạm quốc gia Ấn Độ (NCRB), bang Madhya Pradesh là nơi xảy ra nhiều vụ cưỡng hiếp nhất trong nhiều năm qua. Điển hình, năm 2016 NCRB thống kê Ấn Độ có 38.947 vụ hiếp dâm, trong đó chỉ tính riêng bang Madhya Pradesh đã có đến 4.882 vụ, chiếm 12,5% và nhiều nhất cả nước. Riêng tháng 3 năm ngoái, số liệu cho thấy có khoảng 4.300 trường hợp bị cưỡng bức ở Madhya Pradesh.
Khoảng 100 vụ tấn công tình dục được báo cáo cho cảnh sát trong nước mỗi ngày với gần 39.000 vụ tấn công vào năm 2016, tăng 12% so với năm trước đó. Cục Dữ liệu tội phạm quốc gia Ấn Độ (NCRB) |
Ông Shivraj Singh Chouhan, thủ hiến bang Madhya Pradesh, năm ngoái tức giận nói rằng: “Những kẻ hiếp dâm các bé gái 12 tuổi không phải con người, chúng là quỷ dữ và không có quyền được sống”. Trong năm này, Madhya Pradesh trở thành bang đầu tiên của Ấn Độ thông qua dự luật cho phép tử hình với những tội phạm hiếp dâm và hiếp dâm tập thể trẻ em từ 12 tuổi trở xuống.
Sau các vụ án hiếp dâm kinh hoàng khiến người dân Ấn Độ đứng ngồi không yên xảy ra gần chục năm trở lại đây, các nhà chức trách Ấn Độ đã nhiều lần cam kết và nỗ lực ban hành các điều luật chặt chẽ hơn, gia tăng các hình phạt đối với tội phạm bạo lực tình dục (như tăng án tù và dự luật áp dụng án tử hình) để bảo vệ phụ nữ.
mọi thứ dường như không có hiệu quả và tình hình dần tệ hại hơn. Manjunath Gangadhara, một quan chức làm việc tại chính quyền bang Karnataka, nói với Thomson Reuters Foundation rằng: “Ấn Độ thể hiện sự thiếu tôn trọng, thiếu quan tâm với phụ nữ. Hiếp dâm, cưỡng ép hôn nhân, tấn công và quấy rối tình dục,... đã không hề giảm đi”.
“Nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, đi đầu về công nghệ và không gian phải chịu sự xấu hổ vì bạo hành phụ nữ” - Gangadhara nhấn mạnh. Sức ép đang gia tăng lên chính quyền Thủ tướng Narendra Modi. Chủ tịch đảng Quốc đại Ấn Độ đối lập Rahul Gandhi viết trên Twitter: “Trong khi thủ tướng của chúng ta dạo quanh khu vườn của ông ấy và làm các video về yoga thì Ấn Độ dẫn đầu Afghanistan, Syria và Saudi Arabia về vấn đề hiếp dâm và bạo hành phụ nữ. Thật đáng thương cho đất nước của chúng ta”.
Mỹ cũng nằm trong tốp 10 10 quốc gia nguy hiểm nhất với phụ nữ bao gồm Ấn Độ, Afghanistan, Syria, Somalia, Saudi Arabia, Pakistan, Cộng hòa Congo, Yemen, Nigeria và quốc gia duy nhất của phương Tây là Mỹ. Kết quả khảo sát cho thấy Mỹ xếp thứ ba (cùng với Syria) trong vấn đề bạo lực tình dục gồm hiếp dâm, quấy rối và cưỡng ép tình dục, thiếu công bằng đối với các vụ phạm tội với phụ nữ. Mỹ cũng xếp thứ sáu về bạo lực phi tình dục với phụ nữ. Trong khi đó, với thực trạng chiến tranh, Afghanistan trở thành quốc gia tồi tệ nhất về vấn đề bạo lực phi tình dục với phụ nữ và là quốc gia tồi tệ thứ hai với phụ nữ trong vấn đề phân biệt đối xử, việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nguồn lực kinh tế. |