Nóng cuộc chiến chia phe giữa Trung Quốc và phương Tây

Đối thoại cấp cao Mỹ - Trung ở Alaska, cuộc gặp đầu tiên giữa hai nước dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden, dù không được kỳ vọng mang lại kết quả hợp tác hữu hình nhưng cũng được hy vọng sẽ là bước khởi đầu tiến tới phá băng được quan hệ hai bên. Tuy nhiên, những gì diễn ra trong cuộc gặp và sau đó lại theo chiều hướng hoàn toàn ngược lại.

Cuộc gặp Mỹ-Trung ở Alaska diễn ra vô cùng căng thẳng khi hai bên đề cập hàng loạt vấn đề nhạy cảm trong quan hệ hai nước, trong đó có Hong Kong, Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương. Phía Mỹ cáo buộc Trung Quốc (TQ) vi phạm nhân quyền và có hành vi cưỡng bức thông qua các áp lực kinh tế, quân sự, chính trị. Phần mình, phía TQ cảnh báo Mỹ rằng mình “không còn là TQ 120 năm trước” và sẽ không để các nước phương Tây bắt nạt như thời gian qua.

Phương Tây bắt tay nhau
Đối thoại Mỹ - Trung ở Alaska vừa kết thúc kéo theo hàng loạt động thái “chia phe” từ các bên. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sau khi rời Alaska thì sang châu Âu với chủ trương sưởi ấm quan hệ đồng minh để đối phó TQ, Nga. Chủ đề chính trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Blinken và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 23-3 là về “quan ngại từ các hành động ác ý và nỗ lực làm sai lệch thông tin từ Nga và TQ”, theo tạp chí Newsweek.
Động thái mới nhất, ngày 24-3, Mỹ và châu Âu đồng ý hợp tác sâu hơn để đối phó TQ. Hai bên thỏa thuận sẽ khởi động một cuộc đối thoại chính thức Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề này. NATO cũng cam kết sẽ tiếp cận sát hơn với “các nền dân chủ cùng cách nghĩ” ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trước đó, ngày 22-3, Mỹ cùng các đối tác như Anh, EU, Canada đồng loạt trừng phạt các quan chức TQ liên quan vấn đề nhân quyền ở Tân Cương.
Nhớ lại trước cuộc đối thoại Alaska, Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cùng có chuyến công du đến các nước đồng minh châu Á. Trả lời phỏng vấn đài ABC News tại Mỹ giữa tuần trước, Tổng thống Biden đồng ý với nhận định của người phỏng vấn rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin là “kẻ sát nhân” và cảnh cáo ông Putin sẽ “phải trả giá” cho việc can thiệp bầu cử Mỹ.
Trung Quốc hành động
Phần TQ, sau khi từ Alaska về, ngày 22-3 ông Vương tiếp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov - cuộc gặp mà giới quan sát nhận xét là có “sự dàn xếp” để diễn ra ngay sau cuộc đối thoại Alaska. Trong cuộc gặp này, Mỹ và thỏa thuận hạt nhân Iran là hai trong các chủ đề được bàn đến. Sau cuộc gặp, hai ông ra tuyên bố chung kêu gọi tổ chức cuộc họp giữa các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm tìm giải pháp chung cho nhân loại trong bối cảnh “bất ổn chính trị toàn cầu gia tăng”.

Sĩ quan Nga, Iran, TQ, Triều Tiên chụp ảnh chung tại một sự kiện tưởng niệm cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il ở Bình Nhưỡng ngày 14-2-2019.
Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Theo thông tin từ báo South China Morning Post, ngày 24-3, ông Vương bắt đầu chuyến công du kéo dài cả tuần đến Trung Đông với các điểm đến là Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Bahrain, Oman. Cựu đại sứ TQ tại Iran - ông Hoa Lê Minh cho biết ông Vương sẽ nhân chuyến đi này “mở rộng vòng tròn bạn bè của TQ” và nâng cấp quan hệ, mở rộng liên minh. Trong đó điểm đến được chú trọng nhất là Iran. Theo Newsweek thì ông Vương sẽ đến Tehran ngày 26-3 và gặp Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif cũng như Tổng thống Hassan Rouhani. Từ ngày 23-3, Bộ Ngoại giao Iran đã cho biết hai bên sẽ bàn kế hoạch “củng cố quan hệ đối tác chiến lược hai nước và chia sẻ quan điểm về các diễn biến quốc tế và khu vực”.
Trong ngày 22-3, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tìm tới một đồng minh nữa để phàn nàn về điều mà TQ cho là sự bá chủ không được kiểm soát của Mỹ, theo Newsweek. Ông Tập đã chuyển một thông điệp hữu nghị đến lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, sau khi ông Kim thông báo đến ông Tập kết quả kỳ đại hội đảng Lao động Triều Tiên lần thứ tám. Trong kỳ đại hội này, ông Kim đề cập đến Mỹ như là một “kẻ thù chủ yếu” của Triều Tiên. Ngày 22-3, ông Kim chuyển tải mong muốn sẽ cùng TQ củng cố liên minh truyền thống đối phó các cường quốc đối thủ.
TQ, Nga, Iran những năm gần đây cũng nhiều lần tập trận hàng hải chung. Cuộc tập trận hàng hải ba bên gần nhất là vào tháng 2 vừa rồi, trên bắc Ấn Độ Dương. Ba nước này cũng đang trong quá trình đàm phán ký nhiều thỏa thuận dài hạn.
Các nước Nga, Iran, Triều Tiên thời gian qua cũng có động thái tiếp cận nhau. Ngày 23-3, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov đã gặp Đại sứ Iran tại Nga Kazem Jalali và “chia sẻ quan điểm toàn diện” về tình hình hiện tại của thỏa thuận hạt nhân Iran. Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Son Gwon gửi lời chúc mừng năm mới đến Iran, đồng thời thể hiện niềm tin rằng “quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước sẽ phát triển hơn nữa, cũng như sự ủng hộ lẫn nhau và hợp tác trên trường quốc tế sẽ còn phát triển mạnh hơn”.•
 Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga
Trong tài liệu Hướng dẫn chiến lược an ninh quốc gia tạm thời của Nhà Trắng công bố đầu tháng này, TQ và Nga “đã đầu tư rất mạnh vào các nỗ lực nhằm kiểm soát sức mạnh của Mỹ và ngăn chúng ta bảo vệ các quyền lợi của mình và của các đồng minh khắp thế giới”. Trong khi đó, theo tài liệu, cả Triều Tiên và Iran đều được cho là đang “tiếp tục theo đuổi tìm kiếm năng lực và công nghệ nhằm thay đổi cuộc chơi, trong khi đe dọa các đồng minh, đối tác Mỹ và thách thức sự ổn định toàn cầu”.
Theo Newsweek, TQ, Nga, Triều Tiên và Iran muốn liên kết nhau cùng nỗ lực đối phó với điều các nước này xem là sự gia tăng khiêu khích của Mỹ, cũng như để bảo vệ các quyền lợi của mình. Tuy nhiên, các nhà quan sát kỳ vọng nhiều vào khả năng sẽ xuất hiện một liên minh giữa TQ và các nước này. Năm nay, Hiệp ước Láng giềng thân thiện và hợp tác hữu nghị Nga-Trung (FCT) đã tròn 20 năm và hai bên vừa thống nhất ký gia hạn (trong đó có nguyên tắc không liên minh). 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm