NGÀNH THỦY SẢN MIỀN TÂY “THOI THÓP” - BÀI 2

Nông dân: “Không bán chịu nữa”

Dọc tuyến quốc lộ 91 (An Giang), những ao cá tra vẫy trắng nước ngày nào giờ biến thành những bãi cát. Có nơi ao hầm đã được chuyển đổi công năng, xây dựng nhà xưởng kinh doanh ngành nghề khác.

Nợ như chúa chổm

Hàng chục năm trước, ông Lê Văn Sớt ở xã Mỹ Phú (Châu Phú, An Giang) nuôi cá tra với diện tích gần 2 ha. Nay ông Sớt bỏ nghề. “Mấy cái hầm cá giờ ba tui cho người ta thuê để ục (ươm) cá tra giống. Một số khác san lấp cất quán nước. Chung quanh xóm này, dân bỏ ao làm chuyện khác nhiều vô kể, nợ nần chồng chất do lỗ, do bị quỵt nợ” - anh Ngô Long Việt, con rể ông Sớt ngao ngán.

Một số nông dân xoay xở vốn thả cá nuôi lại cũng ê chề. Ông Trần Văn Tưởng ở xã Khánh Hòa (Châu Phú), bán cá cho Công ty Xuất nhập khẩu Việt Ngư (TP Long Xuyên) từ tháng 5-2011 nhưng đến nay còn nợ hơn 1,2 tỉ đồng. Hay như ông Tư Sung ở thị xã Châu Đốc cũng bị công ty này nợ gần 2 tỉ đồng. Giữa năm 2011, bà Phạm Thị Thẳng (xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú) bán cá cho Công ty Xuất nhập khẩu Việt Ngư (TP Long Xuyên), tới giờ còn hơn 400 triệu đồng chưa được trả. “Khoảng bốn tháng trước, nó cùng với anh em nông dân vào công ty đòi nợ thì người của công ty ngăn không cho giáp mặt giám đốc” - ông Phạm Phú Cường, anh ruột bà Thẳng kể.

Cũng năm 2011, anh Phan Văn Tâm (huyện Châu Phú) bán cá cho Công ty TNHH An Khang ở Khu công nghiệp Trà Nóc (TP Cần Thơ), tổng cộng trên 4,7 tỉ đồng. “Khi tôi xuống công ty đòi nợ thì mới biết là công ty này đã mất khả năng thanh toán nợ. Tôi gặp thêm 25 hộ nữa cùng chung cảnh ngộ… Đến giờ công ty vẫn nợ tôi trên 3,7 tỉ đồng” - anh Tâm cho hay.

Số nông dân còn nuôi cá cũng đang ngắc ngoải. Ảnh: VĨNH SƠN

Ông Lê Minh Chiến (Út Chiến, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) bức xúc: “Bữa Công ty An Khang ký hợp đồng rồi gom cá là giữa tháng 6-2011. Họ bắt một ao hơn 100 tấn, tính ra trên 2,7 tỉ đồng. Bắt cá xong, cả tháng sau công ty không trả một cắc, ngân hàng, chủ nợ tới nhà tui thúc nợ liên tục”. Đến giữa tháng 8-2011, ông Út Chiến và hơn 20 nông dân đến nhà máy của Công ty An Khang, mọi người té ngửa khi lãnh đạo công ty tuyên bố không có tiền mặt để trả và giao luôn hai kho hàng cho nông dân bán. “Nói là hai kho hàng chứ thật ra chỉ tròm trèm trên 230 tấn, đem bán rỉ rả đến cuối tháng 9 chỉ được hơn 6 tỉ đồng, chia ra mỗi người một ít chẳng thấm vào đâu. Giờ An Khang vẫn nợ tui trên 2,1 tỉ đồng”. Ông Út Chiến đã đại diện 23 nông dân khắp các tỉnh vùng ĐBSCL đeo đuổi việc đòi tiền nợ Công ty An Khang gần một năm nay.

Nông dân có bốn cái thua

Hiện giá cá tra loại một tại Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long chỉ còn 23.500-24.000 đồng/kg, cá loại hai chỉ còn 22.000 đồng/kg. Mức giá này theo ông Lê Văn Chiến (Ba Chiến, ngụ phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) thì “giỏi lắm là nông dân huề chứ không có lời”. Giá cá giảm trong thời điểm nguồn cá nguyên liệu không mấy dư thừa, theo phản ánh của nông dân, do các DN cố tình ép giá.

“Ngồi ngẫm lại tôi thấy trong nghề nuôi cá tra nông dân phải lãnh chịu bốn cái thua. Mình thua ngay từ khâu mua giống, nơi bán con giống họ tự định giá. Kế đến là thức ăn, ai nói bao nhiêu mình cũng phải mua. Khi còng lưng nuôi ra cá lớn, kêu bán thì công ty cho giá nào hay giá nấy, có khi họ muốn ép giá còn viện cớ nói cá quá lứa (quá size), nói cá bệnh hột gạo, bị gù, đóm đỏ… Tiền mua cá thì họ muốn trả giờ nào thì tùy” - anh Phan Văn Tâm ngao ngán.

Nhắc tới chuyện mua bán cá, ông Út Chiến giọng dứt dạc: “Giờ tụi tui rất dè chừng mấy ông DN”. Cũng vì ngại DN ở Cần Thơ nên Út Chiến xoay qua “chơi’ với DN thủy sản ở các tỉnh bạn. “Lứa cá sắp tới tui cũng muốn tìm DN ở gần cho khỏe nhưng nghĩ tới nghĩ lui cứ sợ sợ nên vừa rồi tui đã ký nuôi gia công cho hai DN ngoài địa bàn”.

Lê Văn Chiến (Ba Chiến, phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) đã bán cho Bianfishco tổng cộng khoảng 470 tấn cá, tương đương gần 11,5 tỉ đồng. Tính đến ngày 14-3, Bianfishco còn nợ ông Ba Chiến hơn 7,2 tỉ đồng tiền gốc và 800 triệu đồng tiền lãi. Và cũng như ông Út Chiến, ông Ba Chiến bắt đầu “phòng thủ”: “Tui đang có 2 ha cá, chừng hai tháng nữa sẽ thu hoạch, bán cho DN nào thì đến đó tui sẽ tính. Bây giờ tụi tui bán lấy tiền mặt chứ không bán chịu nữa. Nếu DN muốn mua chịu và thanh toán theo thời hạn nhất định thì phải có ngân hàng đứng ra bảo lãnh và ký với nông dân. Còn không, tụi này phải xoay ra chơi với DN chỗ khác” - ông Ba Chiến nói thẳng.

Hàng loạt nông dân lấp ao nghỉ nuôi cá tra. Ảnh: VĨNH SƠN

“Thật ra là đâu có tiền”

Theo đánh giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo sản xuất, chế biến, tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL đầu tháng 2-2012, các DN thu mua cá của dân chậm thanh toán từ một đến hai tháng, thậm chí ba tháng.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX thủy sản Thới An (quận Ô Môn, TP Cần Thơ), cho biết: “Trước đây chuyện dân bán chịu cá nguyên liệu cho DN khoảng 20-30 ngày mới lấy tiền là chuyện thường. Tuy nhiên, tình hình “sức khỏe” của một số DN đang có vấn đề, nông dân cũng không biết được DN có vốn liếng ra sao nên họ mất lòng tin, khi giao dịch mua bán cá đều yêu cầu trả bằng tiền mặt. Nói thật, một số DN kêu không có vốn, thiếu vốn để mua cá nguyên liệu nhưng nói vậy là để... khỏi mắc cỡ chứ thực ra là họ không có tiền và không đủ uy tín để nông dân tin tưởng”.

Theo ông Hải, khi DN đổ tiền ào ào vào xây dựng nhà máy với công suất lớn nhưng không tính toán đến chuyện đầu tư vùng nuôi, liên kết với nông dân để cung ứng nguyên liệu nên chuyện thiếu nguyên liệu, không mua được nguyên liệu để chế biến cũng là chuyện dễ hiểu.

Một số DN bị mất uy tín

Cá trong dân ở An Giang giờ nuôi không nhiều. Do một số DN mất uy tín nên nông dân chỉ dồn bán cá cho DN có uy tín, gây tồn ứ. Vốn của DN thiếu đủ thì nông dân cũng không biết, khi DN mua cá không chịu trả tiền thì mới vỡ lở. Cái mà ta biết là một số dùng tiền đi đầu tư tầm bậy hoặc ăn xài trác táng, làm ăn không ra gì. “Sức khỏe” của DN - nói chung, ra sao thì… chừng nào nó bể như vụ Công ty Bình An ở Cần Thơ thì mình mới biết, bởi trước khi “chết” còn tổ chức đám cưới rầm rộ và nở nụ cười chiến thắng!

Ông NGUYỄN MINH NHỊ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang

Vấn đề các DN thủy sản gặp khó trong khâu nguyên liệu một phần do người nông dân mất niềm tin đối với DN. Kèm theo đó thời gian vừa qua giá cả đầu vào như con giống, thức ăn cho thủy sản, thuốc thủy sản… có giá không ổn định và thường tăng, trong khi nông dân đầu tư nuôi trồng thủy sản vay vốn ngân hàng dù được ưu đãi nhưng tính ra lãi suất vẫn còn cao, do đó họ thu hẹp sản xuất hoặc treo ao để chờ cơ hội mới.

Ông VÕ THÀNH THỐNG,  Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ

VĨNH SƠN - GIA TUỆ

Kỳ tới: Đừng dựa dẫm vốn vay và chơi xấu nông dân

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới