Nông dân tố một số nhà máy đường 'quá tham lam'

"Một số nhà máy đường quá tham lam" - ông Hồ Thành Biên, một nông dân trồng mía ở Tây Ninh bày tỏ bức xúc tại hội thảo tiêu đề "Hướng tới phát triển bền vững ngành mía đường Việt Nam", tổ chức trực tuyến ngày 21-1.

Ông Biên cho biết người nông dân làm ra nguyên liệu mía thì nhà máy mới sản xuất ra hạt đường, nhưng thu nhập của các hộ trồng mía rất bèo bọt.

Lực lượng quản lý thị trường thu giữ đường nhập lậu Thái Lan tại Bình Định năm 2019. Ảnh: DMS

Đại biểu nông dân Tây Ninh này cho hay khó khăn lớn nhất của những hộ trồng mía là không biết giá trị thực sản phẩm mình làm ra. Cũng cây mía ấy, vụ mía ấy, đi kiểm nghiệm tại đơn vị chuyên môn độc lập thì trữ lượng đường cao, nhưng nhà máy thu mua thì lại báo thấp, làm giảm giá.

"Trữ lượng đường tại nơi mua chênh lệch rất lớn với đơn vị phân tích chuyên môn ngoài nhà máy. Nông dân chúng tôi rất bức xúc. Cốt lõi của vấn đề là phân chia lợi nhuận phải rõ ràng, mà trước hết là minh bạch trữ lượng đường" - ông nhấn mạnh.

Câu chuyện mà ông Biên kể diễn ra vào lúc quy mô sản xuất của ngành đường trong nước có xu hướng co giảm.

Báo cáo nghiên cứu "Chuỗi cung ngành mía đường Việt Nam: Thực trạng và một số khía cạnh phát triển bền vững" của Tổ chức Forest Trends cho thấy diện tích mía hiện chỉ còn 151.000ha, giảm 45% so với diện tích 274.000ha trong vụ mía 2016-2017. Số hộ nông dân trồng mía cũng giảm từ 219.000 hộ xuống còn khoảng 126.000.

Cùng với đó, cả nước chỉ còn 29 nhà máy đường so với 38 của năm 2007, đưa sản lượng đường trong nước từ 1,24 triệu tấn xuống còn 0,77 triệu tấn/năm.

Nguyên nhân của việc suy giảm này là gì?

Đồng cảm với câu chuyện của người nông dân Tây Ninh, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển - Công ty Mía đường Nghệ AN (Nasu) - ông Võ Văn Lương cho rằng mối liên kết nông dân, hợp tác xã sản xuất mía với nhà máy là một số nhà máy đã không chịu đầu tư cho nông dân sản xuất mà còn thu mua mía theo cảm tính.

"Cùng địa bàn, thổ nhưỡng, điều kiện sản xuất tương tự nhưng một số nhà máy đường lại phân loại mía thành A, B, C. Tới khi thu mua thì chủ yếu chỉ xếp loại B, C, hộ sản xuất bị trừ tiền nên bức xúc" - ông Lương nói.

Từ đó, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển, của Nasu cho rằng vấn đề quan trọng nhất trong việc liên kết với nông dân là phải minh bạch. Minh bạch từ khi làm hồ sơ, hợp đồng, đến khi kiểm nghiệm trữ lượng đường. Ông cũng cho rằng khi nhà máy đường làm ăn có lãi thì cần hỗ trợ thêm cho nông dân để cùng nhau phát triển.

Còn theo TS Nguyễn Vinh Quang, đại diện của Forest Trends, trong nhiều nguyên nhân thì điểm mấu chốt là cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam còn thấp. Điểm yếu này bộc lộ rõ hơn trong bối cảnh hội nhập quốc tế, khi các hàng rào thuế quan được loại bỏ, cho phép đường nhập khẩu với giá cạnh tranh, chẳng hạn như từ Thái Lan vào Việt Nam.

Cùng với nguyên nhân trên còn có nguyên nhân từ một số tồn tại, hạn chế thuộc nội tại của ngành. Đó là người trồng mía, chủ yếu là các hộ gia đình, đóng vai trò chủ đạo ở đầu chuỗi cung, cung cấp phần lớn lượng mía nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nhưng lại có vị thế và lợi ích nhỏ nhất.

Khâu thu mua mía nguyên liệu cũng đang có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà máy. Kết quả là các hợp đồng liên kết giữa các nhà máy bị phá vỡ, nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy không đảm bảo, tạo ra sự mất lòng tin giữa các bên tham gia liên kết.

Mức cạnh tranh thấp và các khó khăn và tồn tại của ngành nêu trên đặt ra câu hỏi liệu cây mía và ngành mía đường của Việt Nam có thể tồn tại được trong tương lai?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới