Nóng Nga-Ukraine 14-9: Ukraine tiết lộ mục tiêu quân sự hiện nay; Nga nói chưa thảo luận việc điều động lực lượng

(PLO)- Ukraine công bố đề xuất đảm bảo an ninh; Quan chức Kiev tiết lộ mục tiêu quân sự hiện nay; Phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov cho biết chính phủ Nga hiện không thảo luận về việc điều động lực lượng ở thời điểm hiện tại bất chấp bước tiến của Ukraine.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tình hình chiến sự

Thông tin từ Ukraine

. Theo hãng tin Ukrinform, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết quân Nga tiếp tục tập trung vào nỗ lực nhằm đánh chiếm hoàn toàn tỉnh Donetsk (vùng Donbass, Ukraine), củng cố vị trí tại các vùng lãnh thổ họ đang kiểm soát, và làm gián đoạn các hoạt động của quân Ukraine trên một số hướng nhất định.

Bộ này cho biết phía Nga tiếp tục pháo kích vào các vị trí của Kiev, tăng cường trinh sát trên không và nhắm mục tiêu các cơ sở hạ tầng dân sự. Trong 24 giờ qua, các lực lượng Moscow đã 2 lần tấn công tên lửa, 8 lần không kích và 13 lần khai hỏa các hệ thống tên lửa pháo binh vào các mục tiêu trên khắp Ukraine.

. Theo Bộ Tổng tham mưu, các lực lượng Nga đã chiếm giữ hàng trăm xe dân dụng cùng nhiều thiết bị gia dụng từ các khu định cư tạm thời bị bỏ hoang ở miền đông và miền nam Ukraine.

. Phó Thủ tướng Ukraine - ông Olga Stefanishyna nói với kênh France24 ngày 13-9 rằng việc giành được lãnh thổ gần Kharkiv là một "bước ngoặt" trong cuộc xung đột với Nga và đã đặt Kiev vào một vị thế mạnh hơn. Trong khi ông Stefanishyna tuyên bố rằng Ukraine đã từ chối đề nghị của Nga về các cuộc đàm phán hòa bình, Nga cho biết họ đã tiến hành "các cuộc tấn công lớn" vào các vị trí của Ukraine.

Xe tăng của các lực lượng Kiev di chuyển trên đường tại tỉnh Luhansk (vùng Donbass, miền đông Ukraine). Ảnh: AFP

Xe tăng của các lực lượng Kiev di chuyển trên đường tại tỉnh Luhansk (vùng Donbass, miền đông Ukraine). Ảnh: AFP

. Về mục tiêu quân sự hiện nay của Kiev, Cố vấn Tổng thống Ukraine - ông Mikhail Podoliak viết trên Twitter rằng mục tiêu đầu tiên là đảm bảo việc bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng bằng hệ thống phòng không mà Ukraine đang có.

Mục tiêu thứ hai là giành quyền kiểm soát lãnh thổ của các nước cộng hòa tự xưng ở Donbass. Theo ông, việc “giải phóng” Donetsk và Luhansk sẽ tạo “hiệu ứng domino”, dẫn đến sự sụp đổ của mặt trận và gây ra bất ổn chính trị ở Nga.

Thông tin từ Nga

. Tỉnh trưởng tỉnh Belgorod (Nga) - ông Vyacheslav Gladkov cho biết một cuộc pháo kích từ lãnh thổ Ukraine nhắm vào làng Shelayevo tỉnh này đã khiến 2 dân thường thiệt mạng, theo hãng thông tấn TASS.

. TASS dẫn tin từ các quan chức Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng rằng các lực lượng Kiev đã pháo kích liên tục vào Donetsk, khiến 1 dân thường thiệt mạng và 5 người bị thương. Phía DPR cũng cáo buộc Ukraine rải mìn sát thương Lepestok khắp lãnh thổ của họ.

. Trả lời câu hỏi về phản ứng của Moscow trước những bước tiến của lực lượng Ukraine ở tỉnh Kharkiv, phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov cho biết chính phủ Nga hiện không thảo luận về việc điều động quân sự ở thời điểm hiện tại.

. Về tình hình nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (tỉnh Zaporizhia, Ukraine), Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin cáo buộc các cuộc tấn công của Ukraine vào nhà máy đang tạo ra nguy cơ phóng xạ không thể chấp nhận được. Theo ông, trong khi Mỹ dường như không quan tâm đến thiệt hại có thể xảy ra đối với Ukraine và các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thì Moscow sẽ hành động để ngăn chặn thảm họa này xảy ra.

“Các hành động của Kiev đang đặt thế giới bên bờ vực thảm họa hạt nhân. Chúng tôi không thể cho phép điều này xảy ra” - ông tuyên bố.

. Thị trưởng TP Donetsk (tỉnh Donetsk) - ông Alexey Kulemzin nói rằng hơn 190 cư dân Donetsk, trong đó có 8 trẻ em, đã thiệt mạng trong các cuộc pháo kích của Ukraine kể từ tháng 2. Bên cạnh đó, số người bị thương trong các cuộc tấn công của Kiev tại TP là 887 người, trong đó có 42 trẻ em.

. TASS đưa tin chiều 13-8 rằng phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga - Trung tướng Igor Konashenkov cho biết Moscow đã tấn công 12 sở chỉ huy của Ukraine trong 24 giờ qua. Theo ông, cuộc tấn công của Moscow cũng đã phá hủy 5 kho vũ khí và đạn dược của Kiev.

Các diễn biến khác

. Theo đài RT, ngày 13-4, Ukraine đã công bố một đề xuất về các đảm bảo an ninh, vốn sẽ ràng buộc về mặt chính trị và pháp lý giữa quốc gia này và các quốc gia bảo lãnh trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược có tên là “Hiệp ước An ninh Kiev”. Kiev đề nghị các nước bao gồm Mỹ, Anh, Úc và Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò là bên bảo đảm an ninh cho Ukraine.

Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine - ông Andrey Yermak cho biết thỏa thuận này sẽ không thay thế cho việc gia nhập NATO, mà là một phương tiện đảm bảo an ninh cho đến khi Ukraine chính thức gia nhập khối quân sự do Mỹ đứng đầu.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng Kiev sẽ không nhận được bất kỳ "đảm bảo an ninh" nào, bởi vì đề xuất của họ về cơ bản là "mở đầu" cho Thế chiến III, TASS đưa tin.

Bên cạnh đó, người đứng đầu DPR - ông Dennis Pushilin nhận định đề xuất của Kiev sẽ tạo ra nhiều mối đe dọa an ninh hơn nữa đối với cả người Ukraine và toàn thế giới.

. Trong cuộc điện đàm 90 phút với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 13-9, Thủ tướng Đức Olaf Scholz kêu gọi lãnh đạo Nga “đưa ra một giải pháp ngoại giao càng sớm càng tốt, dựa trên lệnh ngừng bắn, rút ​​hoàn toàn lực lượng và tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine".

Về nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, ông Scholz nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo an ninh nhà máy, và kêu gọi ông Putin “kiềm chế những động thái làm leo thang căng thẳng và thực hiện các biện pháp mà Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) khuyến nghị”.

Ở một diễn biến khác, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine - ông Dmitry Kuleba bày tỏ thất vọng đối với Đức và nói rằng Berlin đã không đưa ra được một lý lẽ xác thực nào biện minh cho quyết định không gửi xe tăng chiến đấu tới Ukraine. Trong khi đó, theo tờ Financial Times, Mỹ và các đồng minh đang đàm phán về việc liệu có gửi cho Ukraine những vũ khí tối tân hơn trong tương lai, bao gồm cả máy bay chiến đấu, hay không.

. Cũng trong ngày 13-9, Đại diện Cấp cao về Đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell nói rằng bất chấp các lệnh trừng phạt đối với Moscow và hỗ trợ quân sự cho Ukraine, EU vẫn cần duy trì liên lạc ngoại giao với Nga về các vấn đề quan trọng như an ninh hạt nhân và cung cấp lương thực toàn cầu, RT đưa tin.

"Các nhà ngoại giao được đào tạo để giao tiếp với mọi người và chắc chắn chúng ta có một số điều cần thảo luận với Tổng thống Nga” - ông Borrell nói.

Theo ông Borrell, an ninh xung quanh khu vực nhà máy Zaporizhzhia là một khía cạnh mà hợp tác đóng vai trò thiết yếu. Ông cũng cho rằng thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraine sẽ không xảy ra nếu không có sự trao đổi với các quan chức Moscow.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm