Nóng Nga-Ukraine 30-6: Nga giải thích lý do Wagner nổi loạn, lo ngại Ukraine sắp đổ bộ làn sóng phản công đợt 2

(PLO)- Nga tuyên bố diệt 2 chỉ huy và 50 sĩ quan Ukraine tại Kramatorsk, lo ngại Ukraine phản công đợt 2; Nghị sĩ Nga giải thích nguyên nhân Wagner nổi loạn; Mỹ có thể sẽ sớm duyệt gửi bom chùm cho Ukraine.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiến sự Nga-Ukraine ngày qua dồn dập, căng thẳng khắp mọi chiến tuyến. Ukraine tố Nga tấn công các khu biên giới gấp 3 lần, trong khi đó, phía Moscow lại lo ngại Kiev sắp phát động làn sóng phản công thứ hai với quy mô lớn hơn và mạnh hơn.

Nga tuyên bố diệt 2 chỉ huy và 50 sĩ quan Ukraine tại Kramatorsk

. Theo hãng tin Ukrinform, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết rằng trong ngày 29-6, quân đội Nga tiếp tục tập trung nỗ lực tấn công chính vào hướng các TP Lyman, Bakhmut và Marinka (đều thuộc tỉnh Donetsk, vùng Donbass, miền đông Ukraine), với khoảng 22 trận đụng độ đã xảy ra trong ngày.

Trong ngày 29-6, các lực lượng Nga đã sử dụng 6 tên lửa dẫn đường phòng không S-300 đánh mạnh vào các cơ sở hạ tầng dân sự ở các thành phố Zaporizhzhia (tỉnh Zaporizhia) và và Chuhuiv (tỉnh Kharkiv). Ngoài ra, cũng ngày này, phía Moscow đã có 23 đợt không kích, khoảng 46 lần khai hoả các hệ thống pháo phản lực bắn loạt (MLRS) vào các vị trí quân Kiev và các khu vực đông dân cư của Ukraine.

Bộ này cảnh báo nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công tên lửa và không kích tiếp theo trên toàn bộ lãnh thổ Ukraine vẫn rất cao.

Công tác cứu hộ vẫn đang gấp rút diễn ra tại TP Kramatorsk sau đợt oanh tạc của Nga ngày 27-6. Ảnh: REUTERS

Công tác cứu hộ vẫn đang gấp rút diễn ra tại TP Kramatorsk sau đợt oanh tạc của Nga ngày 27-6. Ảnh: REUTERS

Ngày 29-6, phát ngôn viên Cơ quan Biên phòng Nhà nước Ukraine - ông Andrii Demchenko cho biết Nga đã tăng gấp ba số vụ tấn công vào các khu vực biên giới của Ukraine. “Nga đang tăng cường pháo kích vào lãnh thổ Ukraine, trong đó Kharkiv bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trước đó, Moscow đã tiến hành hầu hết các cuộc tấn công vào tỉnh Sumy. Số lượng các cuộc tấn công đã tăng gấp ba lần gần đây, tổng cộng có 1.700 đợt oanh tạc của Nga kể từ đầu tháng 6” - ông Demchenko nói.

Các đơn vị máy bay của Lực lượng phòng vệ Ukraine đã có 11 đợt tấn công vào các cụm nhân lực của Nga trong ngày qua. Các đơn vị tên lửa và pháo binh Ukraine đã bắn trúng 2 sở chỉ huy, 1 trạm radar và 1 đơn vị pháo binh của Nga đang ở vị trí khai hỏa. Theo báo cáo của Ukrinform, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine - bà Hanna Maliar cho biết Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã giành được thế thượng phong ở Bakhmut.

. Theo hãng thông tấn TASS, sáng 29-6, Tỉnh trưởng tỉnh Belgorod (Nga) - ông Vyacheslav Gladkov cho biết các lực lượng vũ trang Ukraine đã bắn hơn 30 quả đạn vào tỉnh Belgorod, song không có thương tích hoặc thiệt hại nào được báo cáo. Các mục tiêu bị tấn công gồm một khu định cư ở khu phố Terezovka thuộc TP Shebekino, trạm kiểm soát biên giới Shebekino, khu định cư Krasny Khutor thuộc quận Belgorodsky,...

Ngày 29-6, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga - Trung tướng Igor Konashenkov cho biết cuộc tấn công của Nga vào TP Kramatorsk (Donetsk) đã tiêu diệt được 2 tướng, 50 sĩ quan Ukraine cùng với khoảng 20 lính đánh thuê nước ngoài và các cố vấn quân sự cho Kiev.

Lực lượng phòng không Nga đã đánh chặn 2 hỏa tiễn được phóng từ các hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) và 1 tên lửa chống radar HARM, đồng thời bắn hạ 11 máy bay không người lái (UAV) của Ukraine trong ngày qua, ông Konashenkov cho hay. Bên cạnh đó, các lực lượng Moscow cũng quét sạch kho đạn của Ukraine ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và ở tỉnh Kherson.

Chia sẻ với kênh truyền hình Channel One, Lãnh đạo DPR do Nga bổ nhiệm - ông Denis Pushilin cho biết quân đội Ukraine giữ lực lượng dự trữ cho đợt phản công thứ hai, đồng thời cảnh báo làn sóng phản công thứ hai có thể có quy mô lớn hơn, mạnh hơn và nhiều chiều hơn.

Tuy nhiên, ông cũng nói rằng các đơn vị quân đội Nga đã sẵn sàng cho các cuộc tấn công mới từ phía Ukraine. "Tôi sẽ không đánh giá quá cao và lo sợ bất kỳ cuộc đột phá nào của Kiev” - ông nói, đồng thời nhấn mạnh khả năng Kiev tạo đột phá và giành quyền kiểm soát lãnh thổ từ tay Nga là điều không dễ dàng.

Nga cảnh báo không dùng nhà máy Zaporizhzhia làm cái cớ để NATO can thiệp

Ngày 29-6, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya nói rằng lời kêu gọi kích hoạt phòng vệ tập thể của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong trường hợp xảy ra bất kỳ sự cố nào tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (tỉnh Zaporizhia, Ukraine) có thể dẫn đến những hậu quả khó lường, theo TASS.

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya. Ảnh: TASS

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya. Ảnh: TASS

Theo ông, có thể thấy rằng những cáo buộc của Kiev đối với Nga liên quan đến nhà máy Zaporizhzhia đã xuất hiện trong bối cảnh các thượng nghị sĩ Mỹ thảo luận về một nghị quyết coi bất kỳ trường hợp ô nhiễm phóng xạ nào ở Ukraine là cái cớ để khởi động cơ chế phản ứng chính trị và quân sự của NATO theo Điều 5 Hiệp ước Washington.

"Một động thái như vậy cấu thành một nỗ lực leo thang cuộc khủng hoảng Ukraine lên mức chưa từng có với những hậu quả không lường trước được" - ông Nebenzya nhận định.

Ngoài ra, Đại sứ nhấn mạnh bất kỳ sự cố nào tại nhà máy Zaporizhzhia đều có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí có thể trên quy mô toàn cầu. "Như chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố, bất kỳ sự cố nào tại nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở châu Âu chắc chắn sẽ kéo theo những hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với Ukraine mà còn đối với các nước láng giềng, gồm cả Cộng hòa Belarus và Nga, cũng như đối với toàn bộ lục địa và có khả năng là cả thế giới" - theo ông.

Phát biểu tại phiên họp Hội đồng Bảo An LHQ ngày 29-6, ông Nebenzya cho biết sau khi cơ hội hòa bình bị bỏ lỡ vào tháng 3 năm ngoái do lỗi của Mỹ và Liên minh châu Âu, thì Nga đã thay đổi các điều kiện hòa bình tiên quyết cho Ukraine, song không nói thêm chi tiết.

Nghị sĩ Nga giải thích nguyên nhân Wagner nổi loạn

Ngày 29-6, nghị sĩ Andrey Kartapolov - người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga - giải thích rằng nguyên nhân công ty quân sự tư nhân Wagner nổi loạn là do trùm Wagner từ chối ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga, theo đài RT.

Theo ông Kartapolov, vài ngày trước cuộc binh biến của Wagner, Bộ Quốc phòng Nga đã tuyên bố rằng tất cả các nhóm quân sự nên ký hợp đồng với họ, mô tả chính sách này là “hoàn toàn đúng đắn”.

Tuy nhiên, ông trùm Wagner Prigozhin người đã từ chối. Theo đó, chính quyền Nga nói với lực lượng này rằng Wagner sẽ không cần phải tham gia vào chiến dịch quân sự ở Ukraine nữa. “Điều này có nghĩa là sẽ không còn tiền, không còn nguồn lực tài chính hoặc vật chất nào nữa cả. Đối với ông Prigozhin, tiền lại là một yếu tố quan trọng, thậm chí có thể mang tính quyết định” - ông Kartapolov nói.

Kết quả là, theo ông Kartapolov, sự tham vọng quá mức và trạng thái bị kích động về mặt cảm xúc khi đứng trước mối đe dọa bị cắt tài trợ đã khiến Wagner nổi loạn.

CNN: Mỹ có thể sẽ sớm duyệt gửi bom chùm cho Ukraine

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét phê chuẩn việc chuyển giao các đầu đạn chùm cho Ukraine, đài CNN dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên.

"Những thứ này chắc chắn sẽ có tác động đáng kể trên chiến trường" - một quan chức Mỹ nói với CNN. Các quan chức nói với CNN rằng Nhà Trắng dự kiến ​​sẽ sớm đưa ra quyết định cuối cùng và nếu được thông qua, số vũ khí này có thể được đưa vào gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine ngay trong tháng tới.

Các quan chức Ukraine đã thúc đẩy Mỹ cung cấp đạn dược kể từ năm ngoái (gồm các hệ thống pháo và hoả tiễn) để giúp thu hẹp khoảng cách sức mạnh quân sự với Nga. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa cung cấp bom chùm vì rủi ro mà chúng có thể gây ra cho dân thường và vì một số đồng minh quan trọng Washington như Anh, Pháp và Đức là những bên ký kết lệnh cấm bom chùm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm