Vụ vỡ đập thuỷ điện Kakhovka ngày 6-6 vừa qua ở Kherson khiến hàng chục khu định cư ở khu vực và các vùng lân cận chìm trong biển nước. Cả Nga và Ukraine đều tố nhau đứng sau vụ việc, Anh, Mỹ tiến hành điều tra, trong khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) gấp rút đánh giá hậu quả.
Vỡ đập thủy điện ở Kherson, hơn 80 khu định cư Ukraine chìm trong biển nước
. Theo hãng thông tấn Ukrinform, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết trong ngày 6-6 các lực lượng Ukraine đã ồ ạt tấn công quân Nga. Theo đó, lực lượng phòng vệ Ukraine 10 lần tập kích các cụm nhận lực phía Nga. Trong khi đó, các đơn vị tên lửa, pháo binh Kiev đã nã pháo 9 sở chỉ huy, 4 khu cụm quân lực và khí tài, 3 kho đạn, 1 hệ thống tên lửa phòng không, cùng khoảng 30 mục tiêu quan trọng của Moscow.
Cũng trong ngày 6-6, Bộ Tổng tham mưu cho biết phía Nga đã phóng 35 tên lửa Kh-101/Kh-555 vào lãnh thổ Ukraine, nhưng đã bị Ukraine thành công đánh chặn. Hai bên lực lượng cũng có 28 trận giao tranh tại các tỉnh Donetsk, Luhansk (vùng Donbass, miền đông Ukraine).
Quân Nga trong ngày cũng đã 30 lần không kích và 43 lần khai hoả các hệ thống pháo phản lực bắn loạt (MLRS) vào các vị trí của quân Kiev và các khu định cư ở Ukraine. Đợt tấn công đã gây thương vong cho dân thường, đồng thời khiến nhiều khu chung cư, nhà dân bị hư hại nghiêm trọng.
Đập Kakhovka (Kherson) bị vỡ ngày 6-6. Ảnh: REUTERS |
Theo Ukrinform, để ngăn chặn bước tiến của quân Kiev, các lực lượng Moscow đã cho nổ tung nhà máy thủy điện Kakhovka (tỉnh Kherson, Ukraine), khiến khoảng 80 khu định cư tại khu vực và các vùng lân cận chìm trong biển nước.
Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky cáo buộc phía Nga đứng sau vụ nổ đập, đồng thời nói rằng là việc “Nga cố ý phá hủy con đập và các cơ sở thủy điện khác là một quả bom môi trường hủy diệt hàng loạt”.
. Theo hãng thông tấn TASS, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nói rằng trách nhiệm về vụ đánh bom nhà máy thủy điện Kakhovka thuộc về chính quyền Ukraine. Theo ông, cuộc tấn công đập thủy điện nhằm ngăn chặn "các hoạt động tấn công của quân đội Nga" tại khu vực này.
Ông Vladimir Rogov - quan chức thân Nga ở tỉnh Zaporizhia - nói rằng quân đội Ukraine sẽ tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn tại các khu vực khác nhau của chiến tuyến để chuyển sự chú ý của Nga khỏi cuộc tấn công chính mà nước này sẽ phát động ở Zaporizhia.
"Bây giờ họ sẽ tấn công lực lượng của chúng tôi dọc theo toàn bộ tuyến giao tranh. Họ đang pháo kích cả Bakhmut và Kherson” - ông này nói. Theo ông, phía Ukraine đang đợi đến khi lực lượng Nga “lầm tưởng" họ đổi hướng chiến sự, thì Kiev sẽ tấn công ồ ạt về phía Zaporizhia.
Theo ông Rogov, các lực lượng chủ chốt của Ukraine đang dự bị ở khu vực Zaporizhia. Theo đó, ông cảnh báo phía Kiev có thể sẽ vượt sông Dnipro và di chuyển về phía nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ông cũng không loại trừ khả năng quân Ukraine có thể giữ được đà tiến và thọc sâu vào TP Berdyansk tỉnh này và thậm chí tiến thẳng tới TP Mariupol ở Donetsk.
IAEA: Không có rủi ro tức thời tại nhà máy Zaporizhzhia sau vụ vỡ đập ở Kherson
Ngày 6-6, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết "không có rủi ro hạt nhân tức thời" tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia sau vụ nổ đập thủy điện Kakhovka tại Kherson cùng ngày. Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, phía IAEA đang xem xét các phương án lấy nước để làm mát nhà máy này.
Đập Kakhovka nằm trên sông Dnipro, là nguồn cung cấp nước làm mát cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) - ông Rafael Grossi. Ảnh: AP |
Giám đốc IAEA - ông Rafael Grossi thiệt hại đối với con đập đã dẫn đến việc mực nước trong đập giảm khoảng 5 cm mỗi giờ và nếu nó giảm xuống dưới 12,7 m thì không thể bơm cho nhà máy được nữa. Ông cảnh báo viễn cảnh trên có thể xảy ra trong vài ngày tới.
Ông cho biết thêm, các nhân viên của nhà máy đang "nỗ lực hết sức để bơm càng nhiều nước vào các bộ phận làm mát và các hệ thống liên quan càng tốt", trong khi tạm ngưng nguồn cung nước cho các bộ phận không cần thiết.
Vụ nổ đập Kakhovka đã gây thiệt hại lớn cho khu vực. Cả Nga và Ukraine đều cáo buộc lẫn nhau đứng sau hành động phá hoại.
Tại cuộc họp khẩn Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) diễn ra ngày 6-6 về vụ vỡ đập Kakhovka, Đại sứ Ukraine tại LHQ Sergiy Kyslytsya nói chính quân Nga làm nổ con đập, bởi khu vực này do quân Nga kiểm soát và không có bất kỳ lực lượng nào có thể tấn công con đập từ bên ngoài trừ Moscow.
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia lại cho rằng quân Ukraine mới là thủ phạm đứng sau, đồng thời cáo buộc Ukraine đang cố “tạo cơ hội thuận lợi” để tập hợp các đơn vị quân đội nhằm tiếp tục cuộc phản công của họ.
Về phần mình, Phó Đại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood cho hay Washington chưa thể xác định chính xác lực lượng nào đứng sau vụ tấn công. Tuy nhiên, ông này lưu ý rằng quân Ukraine không có động cơ để làm điều này đây là nơi sinh sống của nhiều người Ukraine, và cuộc tấn công như vậy sẽ ảnh hưởng cuộc sống hàng chục ngàn người trong số họ.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng cho biết các cơ quan tình báo Anh đang điều tra vụ vỡ đập, theo hãng tin PA Media.
“Các cơ quan quân sự và tình báo của chúng tôi hiện đang xem xét vụ việc, vì vậy còn quá sớm để đánh giá trước và đưa ra phán quyết dứt khoát. Nếu là cố ý, thì đó cuộc tấn công lớn nhất vào cơ sở hạ tầng dân sự ở Ukraine kể từ đầu chiến sự. Các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự là sai trái và kinh khủng” - ông Sunak nói khi tới Washington để hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Tổng thư ký NATO: Nga không thể chặn tư cách thành viên của Ukraine
Ngày 6-6, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tuyên bố Nga không có quyền phủ quyết đối với tư cách thành viên của Ukraine trong liên minh quân sự này, theo hãng tin AFP.
"Tất cả các đồng minh đều đồng ý rằng cánh cửa của NATO vẫn mở, rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của liên minh và Nga không có quyền phủ quyết" - ông nhấn mạnh.
Ông cho biết NATO sẽ đưa ra các quyết định rất quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh của khối dự kiến diễn ra tháng tới tại TP Vilnius (thủ đô Lithuania).
"Chúng tôi sẽ tăng cường hỗ trợ cho Ukraine với gói hỗ trợ kéo dài nhiều năm để giúp họ chuyển đổi sang các tiêu chuẩn của NATO và đưa Ukraine đến gần NATO hơn” - ông nói.