Con số này lớn hơn số tiền 45.000 tỉ đồng còn lại của ngân sách năm 2016 dành để chi cho đầu tư phát triển. Trước đó, giai đoạn 2011-2015, Chính phủ cũng đã huy động hơn 851.000 tỉ đồng cho toàn bộ chương trình này và phần ngân sách bỏ ra cũng đã lên đến 192.000 tỉ đồng.
Nói như vậy để thấy rằng sự đầu tư của chúng ta dành cho nông thôn là rất lớn, vì đây là chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước nhằm cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, rút ngắn chênh lệch giàu nghèo với thành thị, đồng thời tạo nền tảng để nông thôn phát triển bền vững. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chương trình này đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập, nhất là việc chạy theo phong trào, “chạy đua” hoàn thành chỉ tiêu đã gây ra tình trạng lãng phí tiền của ngân sách, công sức người dân, nguy cơ nợ đọng tăng thêm…
Theo phản ánh của báo chí và đại biểu Quốc hội tại nghị trường ngày 4-11 thì nhiều trung tâm dạy nghề xây xong bỏ đó, không khai thác; nhà văn hóa rất to đẹp nhưng không phát huy được công năng, có cái xây xong rất hoành tráng nhưng sử dụng chưa bao lâu đã nhanh chóng xuống cấp nghiêm trọng, chợ NTM thì hoang phí vì nhân dân không chịu vào… Đó là chưa kể đến việc huy động sức dân xây dựng NTM, một số địa phương huy động không đúng đối tượng, gây ra những bức xúc xã hội.
Trong điều kiện cả nước đang đau đầu với nguồn thu cho ngân sách và tìm mọi cách cắt giảm các khoản chi thường xuyên để đầu tư cho phát triển thì việc lãng phí ở bất kỳ công trình đầu tư nào cũng đều hết sức đáng trách. Sự lãng phí ở các công trình NTM, trách không chỉ ở chỗ làm hao phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước, của nhân dân mà còn ở chỗ các mục tiêu đặt ra nhằm tạo công bằng trong phát triển cho người dân nông thôn không đạt. Ngân sách lại phải tốn thêm để khắc phục công trình thiếu hiệu quả này, dẫn đến kinh phí chồng lên lãng phí.
Tiền bỏ ra đầu tư cho các công trình hạ tầng NTM là không sinh lời, nghĩa là đồng vốn đầu tư vào đó nếu không phát huy các hiệu quả xã hội của nó thì có nghĩa đó là tiền chết. Không ai khác, người dân lại phải gánh lấy phần nợ này. Trong bối cảnh gánh nặng nợ nần vốn đã chẳng dễ chịu gì thì điều này càng làm cho gánh nợ ấy thêm nặng.
Chính phủ đã có những điều chỉnh “mềm hóa” mục tiêu NTM, một phần là để hạn chế bệnh chạy theo thành tích của các địa phương. Nhưng để chấm dứt tình trạng này cần phải có cuộc rà soát thực chất hơn và phải xử lý mạnh tay đối với những cá nhân, địa phương gây lãng phí do chạy theo bệnh thành tích.