NSƯT Việt Anh: Truyền hình thực tế kích thích lòng tham

Thừa nhận mình không thích cái gọi là “giới showbiz”, cũng hiếm khi bàn luận về giới này nhưng trước vụ lùm xùm The Voice, NSƯT Việt Anh - Phó Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B TP.HCM đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm của mình về truyền hình thực tế có liên quan đến giới showbiz.

Giới trẻ bị ngộ nhận về sự thành đạt

. Phóng viên: Người ta đang bàn tán rất nhiều về các chương trình truyền hình thực tế hiện nay, anh nghĩ sao về các chương trình này?

+ NSƯT Việt Anh: Các chương trình truyền hình thực tế kiểu như nước mình hiện nay đang hướng mọi người vào sự tham lam tiền bạc, danh vọng khiến người ta giành giật, làm nhiều chuyện mất tự trọng và thiếu tính nhân văn. Tôi không hiểu cớ gì mà có những người làm cha làm mẹ lại dẫn trẻ con đi thi thố, hơn thua nhau, khiến những đứa trẻ phát khóc. Các chương trình thực tế loại này còn tạo ra một dạng thần tượng điển hình thành đạt rất là phi lý, tạo sự ngộ nhận khiến giới trẻ lao theo sự thực dụng.

. Vậy hóa ra anh cũng thường theo dõi các chương trình truyền hình thực tế?

+ Tôi ghét lắm, không coi, chỉ xem cho biết khi dư luận ồn ào.

. Nhưng có nhiều ý kiến lại cho rằng các chương trình như thế là xu thế quốc tế, hướng theo nhu cầu của giới trẻ, mang tính giải trí rất cao và đáp ứng nhu cầu giải trí cho người dân?

+ Truyền hình thế giới dành cho giới trẻ đâu chỉ có mấy cái chương trình như vậy. Để phục vụ nhu cầu giải trí của giới trẻ và người dân, các nước tiên tiến người ta làm cùng lúc cả trăm chương trình khác mang nhiều giá trị tốt đẹp. Còn các đài truyền hình, các công ty giải trí tư nhân ở nước mình phần nhiều đang đi góp nhặt các chương trình vô bổ, miễn là hái ra tiền ở nước ngoài mang về.

NSƯT Việt Anh: Truyền hình thực tế kích thích lòng tham ảnh 1

“Nếu không chuẩn bị tốt, người làm diễn viên rất dễ vị kỷ, coi mình đứng trên đầu thiên hạ, nhiều người đã bị như thế khi có chút tiếng tăm. Tôi ghê tởm điều đó”. Ảnh: HÒA BÌNH

Giám khảo ba láp

. Anh có biết về những chuyện lùm xùm trong các chương trình truyền hình thực tế hiện nay, chẳng hạn nghi vấn dàn xếp kết quả ở cuộc thi Giọng hát Việt?

+ Tôi có nghe chứ. Tôi cho rằng khi có biểu hiện không rõ ràng, không trung thực trong cách chơi, khán giả có quyền đặt nghi vấn. Là người làm chương trình, là ban tổ chức thì các anh phải có trách nhiệm trả lời các nghi vấn, chứng minh cho được sự trung thực của mình.

. Thưa anh, đã có những nghệ sĩ thế hệ đi trước nhận xét về những nghệ sĩ thế hệ đàn em trong các chương trình truyền hình thực tế và gặp nhiều sự chỉ trích cho rằng các nghệ sĩ lớn tuổi ganh tỵ, hết thời, muốn dùng sự chê bai để đánh bóng mình. Anh nghĩ gì về chuyện này?

+ Tôi không thể chịu nổi các chương trình truyền hình thực tế mời những người không có học hành, không có chuyên môn về làm giám khảo các cuộc thi tài năng, miễn là họ đang nổi, dù nổi bằng kiểu gì đi nữa. Không có chuyên môn, học hành gì nên giám khảo kiểu này phân tích, nhận xét rất cảm tính, nhiều lúc ba xàm ba láp, còn ra kiểu ta đây phán thế này thế kia, vậy mà vẫn có những người cứ cun cút đứng nghe chỉ vì lòng tham danh vọng, tiền bạc.

Tôi không thấy có bất cứ sự ganh tỵ hay đánh bóng tên tuổi gì khi phát biểu về những chuyện này. Vấn đề là nhân cách của anh thế nào, sự tự trọng của anh ra sao.

. Vậy anh nghĩ gì về giới trẻ hiện nay thông qua cách họ thể hiện ở các chương trình truyền hình thực tế nói riêng và qua hoạt động showbiz đang đầy rẫy scandal nói chung?

+ Giới trẻ bây giờ phần nhiều thực dụng và chỉ biết mưu cầu cái gì có lợi cho bản thân, ít quan tâm người khác, ít vun đắp các giá trị tâm hồn nên xảy ra nhiều trường hợp họ vô cảm, gây thương tâm trong cuộc sống như đã thấy. Cách số đông thanh niên biểu hiện qua các chương trình thực tế càng cho thấy họ bị kích thích thêm lòng tham, tìm kiếm hào quang của sự nổi tiếng bằng mọi giá chứ không phải là niềm đam mê nghệ thuật chân chính và vươn lên bằng tài năng.

. Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi.

Truyền thông gây nên lỗi lớn

Truyền thông, trong cái bắt tay với truyền hình thực tế, đã sản sinh ra không ít những ngôi sao thừa danh tiếng mà thiếu thực chất. Mỗi chương trình luôn có một vài nhân vật nổi bật đủ làm tâm điểm cho hàng chục tờ báo đổ xô vào khai thác chi tiết hình ảnh, đời thường khiến nhân vật bỗng dưng... lộ sáng. Nhìn bề ngoài, tưởng như cả xã hội đang tôn vinh họ nhưng thực ra họ chỉ được thổi phồng trong phạm vi một cuộc thi mang tính giải trí. Sau cuộc chơi, cơn sốt hạ nhiệt, những nhân vật trên mất hút.

NSƯT VIỆT ANH

HÒA BÌNH thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm