NTK Vũ Lan Anh: Cảm giác 'na ná' là bình thường

Như chúng tôi đã đưa tin, trong đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam (HHVN) 2020 vào tối 20-11 với chủ đề “Thập kỷ hương sắc”, các thí sinh đã có phần trình diễn áo dài với 5 bộ sưu tập. 

Theo giới thiệu của Ban tổ chức, bộ sưu tập áo dài Tinh hoa đờn ca Việt là của nhà thiết kế Vũ Lan Anh (thương hiệu Áo dài La Sen Vũ).

Thế nhưng, rất nhiều khán giả theo dõi đêm chung kết tại khu vực phía nam cho rằng có nhiều áo dài trong bộ sưu tập này rất giống với bộ sưu tập (BST) áo dài tôn vinh đờn ca tài tử của nhà thiết kế (NTK) Huệ Thi ở TP Cần Thơ.

Ngay sau đếm chung kết, NTK Huệ Thi cũng đã lên tiếng về sự giống nhau đến 70% giữa bộ sưu tập áo dài của chị và NTK Vũ Lan Anh. Theo đó, áo dài của La Sen Vũ cũng sử dụng chất liệu chủ đạo mà Huệ Thi dùng cho bộ sưu tập của mình gồm vải Lãnh Mỹ A, Tân Châu An Giang và khăn rằn Nam bộ. Về kiểu dáng và bản phối có rất nhiều nét tương đồng như các vị trí đặt cây đàn, hoa sen, cách điệu vạt áo, thân khăn đứt đoạn trở đầu ở vai, dùng khăn rằn làm tay áo.

Ngày 24-11, NTK Vũ Lan Anh (chủ thương hiệu La Sen Vũ) đã chính thức lên tiếng trên trang cá nhân về thông tin này.

Theo đó, bà Lan Anh khẳng định những điều này chỉ là ý kiến chủ quan của chị Hữu Thi, không dựa trên cơ sở nền tảng chuyên môn thời trang để đánh giá.

NTK Vũ Lan Anh và bộ sưu tập của mình. Ảnh facebook cá nhân. 

Bộ sưu tập áo dài của NTK Huệ Thi từng trình diễn trong thời gian gia. Ảnh: NVCC 

Bà Lan Anh cũng trả lời từng vấn đề được đưa ra. Cụ thể, bà cho rằng căn cứ đầu tiên chị Huệ Thi đưa ra là: “Bộ sưu tập được mang chủ đề đờn ca tài tử”.

Cụ thể, chị nêu: “Bộ sưu tập của Vũ Lan Anh có tên là Tinh hoa đờn ca Việt trong khi đó bộ sưu tập của tôi là Đờn ca tài tử. Cả hai cái tên này đều liên quan mật thiết với nhau về dòng nhạc đặc trưng  cổ truyền của vùng đất Nam Bộ”.

Về căn cứ thứ hai của chị Huệ Thi là “áo dài của La Sen Vũ cũng sử dụng chất liệu chủ đạo mà NTK Lan Anh dùng cho bộ sưu tập của mình gồm vải Lãnh Mỹ A, Tân Châu An Giang và khăn rằn Nam bộ.Về kiểu dáng và bản phối có rất nhiều nét tương đồng như các vị trí đặt cây đàn, hoa sen, cách đính vạt áo, thân khăn đứt đoạn ở đầu vai, dùng khăn rằn làm tay áo”.

Với ý kiến trên, NTK Lan Anh bày tỏ: “Na ná“ chỉ là cảm giác  ý kiến chủ quan không có căn cứ chuyên môn. Đờn ca tài tử là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Lụa lãnh, khăn rằn, hoa sen không chỉ là của riêng ai.

Các nhà thiết kế khi thiết kế về Hà Nội cũng quanh quẩn với lụa tơ tằm Vạn Phúc, Nha xá Hà Nam, chỉ Thái Bình,…Về Miền Nam có Lãnh, các tỉnh phía bắc có thổ cẩm, về Tây Nguyên có thổ cẩm họa tiết đặc trưng....mà NTK nào cũng tôn vinh tơ lụa Việt Nam góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống.

NTK Lan Anh cũng cho rằng những hình ảnh này là tài sản quốc gia, mỗi NTK khai thác ở dưới mọi khía cạnh theo những cảm nhận riêng, nhưng không dám phá cách thì không có những điều mới mẻ. Nên cảm giác “na ná” là bình thường.  

Về màu sắc khăn rằn, NTK Lan Anh nói: “Tôi không dùng màu nào của khăn, tôi chỉ sử dụng họa tiết caro và cấu trúc của khăn”.

NTK Lan Anh cũng đưa ra ý kiến, thiết kế của bà khác các thiết kế của chị Huệ Thi từ ý tưởng chủ đạo, nguồn cảm hứng, phom dáng, đến kỹ thuật may đo, phối màu… những điều mà con mắt thường của người không chuyên có thể khó nhận ra được.

“Thiết kế của tôi dựa trên sự nghiên cứu, tìm tòi, công sức, sáng tạo của tôi khi tiếp cận và cảm nhận những chất liệu văn hoá truyền thống miền Nam Việt Nam.

Nhà thiết kế Vũ Lan Anh cũng bày tỏ: Những cáo buộc mang tính chủ quan của chị Huệ Thi đã gây ảnh hưởng đến uy tín và cuộc sống của bà, cũng như với chương trình Hoa hật Việt Nam 2020.

“Tôi cho rằng điều này nên dừng lại”- bà Lan Anh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới