Buổi thi năng khiếu vào khoa Sư phạm Âm nhạc (cao đẳng Sư phạm Trung ương) bắt đầu lúc 14h nhưng một số thí sinh đã có mặt từ một tiếng trước phòng thi.
Là một trong những thí sinh đầu tiên, Ngô Thị Kim Oanh (18 tuổi, quê Hải Dương) tự tin hát trong phần thi thanh nhạc. Không chỉ hát hay, Kim Oanh còn được đánh giá tốt về ngoại hình. "Không quá quan trọng nhưng ngoại hình cũng là một tiêu chí được các giám khảo xem xét, đánh giá", Hiệu trưởng Đặng Lộc Thọ, Chủ tịch hội đồng thi CĐ Sư phạm Trung ương, cho biết.
Giám khảo phải rất tập trung thẩm âm để đánh giá thí sinh. Đôi khi vì quá căng thẳng các em hát sai nhạc, giám khảo lại động viên đưa các em về đúng cao độ.
Chờ đến lượt thi, các thí sinh ở phòng bên cạnh tỏ ra khá căng thẳng.
"Cách giảm hồi hộp hiệu quả chính là hát", một nữ sinh nói. Đây cũng là lần tập luyện cuối trước khi đối diện với giám khảo.
Sau phần thi thanh nhạc, thí sinh tiếp tục chờ đợi đến phần thi thứ hai, được cho là khó hơn: thẩm âm tiết tấu.
Trong phần thi này, thí sinh chọn ngẫu nhiên một đề sau đó xướng âm theo tiếng đàn của nhạc công. Phần này khó hơn, cả buổi thi không có thí sinh nào được đánh giá hoàn hảo.
Phần kiểm tra đặc biệt trong buổi thi năng khiếu là xem tay thí sinh để đánh giá ngón đàn. "Để đảm bảo việc dạy nhạc sau này được hiệu quả, các em đều được đào tạo chơi nhạc cụ, phổ biến nhất là đàn organ. Vậy nên việc xem tay để đánh giá ngón đàn khá quan trọng", thầy Lộc Thọ giải thích.
Vẻ mặt có phần tiếc nuối của một thí sinh khi rời phòng thi thẩm âm tiết tấu.
Kết thúc hai phần thi, trừ số rất ít trình diễn xuất sắc, đa số thí sinh còn lại đều tỏ ra lo lắng. "Lo lắng là tâm trạng dễ hiểu của thí sinh sau kỳ thi quan trọng. Tuy nhiên các em có thể lạc quan, bởi nhà trường sẽ tuyển khoảng 20-30 em trong số 33 thí sinh dự thi", thầy Lộc Thọ trấn an.