Nữ tiến sĩ đầu tiên của người Chăm ở Ninh Thuận

(PLO)- Cô gái trẻ sinh năm 1991 Lộ Nữ Hoàng Tiên vừa từ Hàn Quốc về thăm quê. Hoàng Tiên là nữ tiến sĩ đầu tiên của dân tộc Chăm, có lẽ không chỉ riêng tỉnh Ninh Thuận.

Theo sự hướng dẫn của ông Từ Công Bánh, Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học tộc họ Kut Hamưphok (nhánh 1), chúng tôi tới làng dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận). Hôm nay tộc họ của ông tổ chức gặp mặt bà con họ hàng để vinh danh một người con trong dòng tộc vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở Hàn Quốc đạt điểm hạng nhất tuyệt đối, được nhà trường khắc bảng vàng lưu danh.

Nữ tiến sĩ Lộ Nữ Hoàng Tiên. Ảnh: THANH SƠN

Cũng giống bao cô gái Chăm của làng này, Hoàng Tiên thạo dệt thổ cẩm, biết múa quạt trong lễ hội trên sân… Cô gái nhỏ nhắn xinh xắn, trắng trẻo, chỉ có điều nếu tinh ý sẽ nhận ra sau cái dáng hơi gầy và bờ vai mảnh khảnh là ánh mắt mạnh mẽ, đầy nghị lực, trong giọng nói đúng chất con gái Chăm, trong âm thanh chậm rãi, từ tốn kia chứa đầy ý chí nội lực.

Tháng 8-2021, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, Lộ Nữ Hoàng Tiên làm tại Viện Khoa học và công nghệ Hàn Quốc (Korea Institute of Industrial Technology - KITECH) và hiện nay tiếp tục nghiên cứu sau tiến sĩ.

Cố gắng học giỏi để làm có tiền... mua đồ ăn ngon cho cha

Hoàng Tiên kể về những năm tháng học trò, kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi hết tiểu học trường làng, hằng ngày cô cùng chúng bạn đi bộ gần 3 km ra trung tâm thị trấn để học THCS, THPT. 12 năm học phổ thông, cô chỉ đi học thêm vài buổi trước khi thi đại học, bởi nhà nghèo làm gì có tiền mà học thêm. Cô chia sẻ: “Thú thật từ khi nhỏ em đã ham học và chỉ học khá thôi chứ không giỏi. Động cơ để em cố gắng học lúc nhỏ là khi thấy nhiều người trong làng cuộc sống ai khấm khá lên cũng đều nhờ vào học hành. Thú thật, nhìn thấy cha đi làm thuê cực quá, em mong muốn có một ngày có tiền nhiều để mua đồ ăn ngon cho cha. Sau này thì cố gắng nhiều hơn vì muốn phụ giúp cha mẹ nuôi bốn đứa em ăn học...”.

TS Lộ Nữ Hoàng Tiên cám ơn gia đình, họ hàng và nhận hoa chúc mừng trong buổi lễ gặp mặt và vinh danh của tộc họ Kut Hamưphok (nhánh 1). Ảnh: THANH SƠN


Năm 2010, Hoàng Tiên thi đậu vào Khoa khoa học và công nghệ vật liệu Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Cô kể, đầu vào trường mình đứng thứ 140/150 sinh viên nên lo lắm, chỉ sợ theo không nổi nên ra sức cố gắng học tập. Năm 2013, Hoàng Tiên đứng hạng 3 trong số sinh viên tốt nghiệp đại học. Rất may là cô được làm việc tại Trung tâm nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM.

Cũng trong thời gian này cô vừa làm việc, vừa học thạc sĩ, vừa đi dạy thêm để nuôi một người em đang học tại TP.HCM. Lúc này cô mới nhận ra động cơ để mình học không còn chỉ là để “kiếm tiền mua đồ ăn cho cha hay nuôi em học nữa” mà chính là con đường nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học đến với cô như một lẽ tự nhiên, nó là niềm đam mê chứ không đơn thuần là công việc. Ước mơ phát minh hay làm một cái gì đó để cho thế giới này khác đi, đất nước mình phát triển lên cứ nhen nhóm để rồi trở nên cháy bỏng ngay trong cả giấc mơ của cô.

Năm 2016, Hoàng Tiên bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ chuyên ngành hóa lý, khi ấy cô vừa tròn 26 tuổi. Bước ngoặt lớn nhất đó là cô lập gia đình với một chàng trai Chăm cùng huyện, quyết định đi Hàn Quốc khi ứng tuyển thành công và nhận được học bổng nghiên cứu sinh tại ĐH Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc.

Giọt mồ hôi mẹ cha phía sau tấm bằng tiến sĩ

Trong câu chuyện, Hoàng Tiên kể về tuổi thơ của mình thì ít mà chỉ nhắc đến những khó khăn của gia đình mình ở nông thôn, làm nông nghiệp, dệt thổ cẩm trong thời bao cấp. Anh chị em ai cũng vậy, ngoài những lúc đi học thì cũng phải ra đồng, đi rẫy làm lụng. Nhà chỉ có 1 sào ruộng, 2 sào đất. Hoa lợi từ đất không đủ nuôi 10 miệng ăn, trong khi đó còn bao nhiêu thứ phải cần đến tiền. Trong thành công của mình, cô nói nhiều về cha mẹ, về người chồng của mình trong suốt những ngày còn đi học và sau này đi du học ở Hàn Quốc.

Ở làng Chăm Mỹ Nghiệp này, nhắc đến ông Lộ Phú Thượng (năm nay 62 tuổi, cha của Hoàng Tiên) thì ai cũng biết, đó là người dành cả đời cho con cái, người ròng rã mấy chục năm qua “ở ngoài đường làm thuê nhiều hơn ở nhà”. Với ông thì vợ chồng có khổ đến đâu cũng không để con bỏ học, trong đầu ông lúc nào cũng đau đáu phải cố gắng làm, chí ít phải nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Một mình vô Bình Thuận cày mướn, chạy xe thuê chở vật liệu, vô Đồng Nai làm thuê ở trại gà, qua Bình Dương chạy xe nâng hàng, rồi long đong qua Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng hết phụ hồ lại hái điều, cà phê thuê… Nhiều năm liền ông chỉ ghé về nhà vài ngày rồi lại đi xa. Tiền làm bao nhiêu cũng gửi vào TP.HCM cho con ăn học.

Không chỉ cha xa nhà, mẹ của Hoàng Tiên - bà Đổng Thị Tuyết bây giờ vẫn rưng rưng nước mắt kể về những ngày tháng vô Cà Ná đi phơi cá thuê dưới nắng cả ngày, đi chăm sóc thanh long lấy ngày công ở Bình Thuận… nhiều khi bưng chén cơm, thương con nước mắt rơi cả vào chén. Vợ chồng ông nhớ lại có thời gian cứ 1, 2 giờ sáng lại chở nhau trên chiếc xe Cup chạy xuống làng Từ Thiện cách nhà hơn chục cây số, ngâm mình dưới biển vớt rong, đem lên phơi để bán cho người ta làm thức ăn gia súc, 8 giờ sáng lại tất tả chạy về đi làm mướn. Hiện nay, trong tám đứa con thì sáu người đã học hành thành đạt, có công ăn việc làm, chỉ còn hai người con trai út đang học cao đẳng nghề Ninh Thuận.•

Vợ chồng xa cách như “Ngưu Lang, Chức Nữ”

Hoàng Tiên cùng chồng trong ngày gặp mặt. Ảnh: THANH SƠN

Anh Dương Thành Lũy, chồng của Hoàng Tiên, kể về những ngày thực sự khó khăn, khi quyết định đồng ý cho vợ ra nước ngoài tiếp tục học.

“Tục lệ ở nhà quê của người Chăm là đàn ông làm việc kiếm tiền, đàn bà lo việc nhà và điều đầu tiên thì phải sinh con để nối dõi. Khi mới cưới nhau được vài tháng, cô ấy về thông báo là đã ứng tuyển thành công và nhận được học bổng nghiên cứu sinh bốn năm tại Hàn Quốc, tôi cũng suy nghĩ ghê lắm. Ban đầu tôi cũng có chút tự ti khi trình độ học vấn của vợ vốn đã hơn mình, nay học để thành tiến sĩ thì… Nhưng rồi tôi suy nghĩ xa hơn cho tương lai và vui vẻ thuận theo ý muốn của vợ mình”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới