Hôm nay, 15-12, TAND quận Phú Nhuận, TP.HCM đang xét xử vụ án Nguyễn Trần Hoàng Phong thuê xe Mercedes 7 chỗ tự lái gây ra tai nạn sáng sớm 30-1 (mùng 6 Tết Canh Tý).
Cú tông trực diện khiến người lái xe ôm chở nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Bích Hường tử vong, còn cô bị thương tật 79%.
Mẹ của Phong hiện đã bồi thường giá trị cây phương vỹ bị bật gốc phải đốn bỏ, thỏa thuận bồi thường cho chủ xe Mercedes 300 triệu đồng theo từng giai đoạn. Riêng hai nạn nhân vẫn chưa được bồi thường đồng nào.
Tại phiên tòa, Phong khai trong thời gian tạm giam đã ký công chứng sang tên cho mẹ căn hộ đứng tên chung hai mẹ con nên giờ không có tài sản gì để bồi thường.
Trườc khi tòa xét xử, Phong đã kịp thời nhượng hết phần của mình trong căn nhà chung sang cho mẹ. Ảnh: PL
Việc bị can đang bị tạm giam, công chứng viên vào chứng việc chuyển nhượng sang tên có bất thường không?
Công chứng viên Nguyễn Thanh Lương phân tích: Theo Điều 44 Luật Công chứng thì trường hợp Phong đang bị tạm giam, nếu có yêu cầu công chứng thì việc công chứng có thể diễn ra tại trại. Do đó, việc công chứng viên vào trại công chứng là bình thường.
Thông thường, giao dịch công chứng phát sinh khi kết thúc điều tra, chuyển sang giai đoạn truy tố, xét xử. Tùy trường hợp mà giao dịch bất động sản đúng hay sai vì liên quan quyền nhân thân, quyền tài sản, chẳng hạn bị cáo cần tiền phải bán nhà để nuôi con...
Khi công chứng viên vào công chứng trong trại tạm giam, bị can sẽ được trích xuất. Khi đó, bị can sẽ không có giấy tờ tùy thân nào nên công chứng viên sẽ bị lệ thuộc vào sự làm việc nghiêm túc, đúng quy định của cán bộ công an tại trại tạm giam. Đây cũng là kẽ hở khiến có khi xảy ra vấn đề không đúng đối tượng công chứng...
Nếu kiểm tra trên hệ thống, liên kết mạng, tài sản công chứng chuyển nhượng không bị ngăn chặn thì theo quy định, việc công chứng là bình thường. Tuy nhiên, thông thường công chứng viên cũng sẽ dùng những kinh nghiệm nghề nghiệp, vốn sống, hiểu biết... để quyết định việc có công chứng hay không. Chẳng hạn công chứng viên công chứng tại trại tạm giam thì sẽ biết người công chứng là ai, đang có nghĩa vụ gì...
Quá trình tố tụng, Phong chưa bồi thường cho bị hại nhưng có tài sản duy nhất lại bán đi như vậy càng chứng minh rõ dấu hiệu tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ.
Nữ tiếp viên hàng không (bên trái) chưa nhận được tiền bồi thường, còn bị cáo thì không còn tài sản nào khác. Ảnh: PL
Hợp đồng công chứng thường đi kèm: "Các bên cam kết giao dịch đúng pháp luật, không nhằm tẩu tán tài sản"... chỉ là là một hình thức sáo ngữ, là biện pháp tình thế để các bên an tâm. Sau này nếu có viêc trái pháp luật thì cũng phải giải quyết bằng pháp luật.
Những người có liên quan (như người được quyền nhận bồi thường) có quyền kiện việc dân sự đề nghị tòa tuyên bố hủy hợp đồng mua bán được công chứng trong trại này hoặc khởi kiện vụ án dân sự tùy đương sự lựa chọn hình thức nào. Đồng thời, tại phiên toà hình sự đang diễn ra, họ có quyền yêu cầu toà án ra quyết định ngăn chặn, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đới với căn nhà đó.
Ngoài ra, khi xác định giao dịch nhằm tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ, việc công chứng là không phù hợp quy định pháp luật thì công chứng viên có quyền đề nghị tòa tuyên bố giao dịch vô hiệu. Đây là một trong những biên pháp khắc phục, sửa sai...
Phong trả lời câu hỏi của luật sư bị hại. Ảnh: PL
Luật sư Nguyễn Duy Quang, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích thêm: Công chứng viên phải căn cứ vào giấy tờ căn hộ, CMND+HKTT bản chính của bị can mới chứng thực hợp đồng chuyển nhượng tài sản của bị can cho người khác. Nếu có thì việc thực hiện mới đúng quy định của pháp luật, nếu không có mà vẫn thực hiện thì trái pháp luật.
Tuy nhiên, trong vụ việc này bị can đang bị tạm giam, nếu CMND của bị can CQĐT đang thu giữ mà có để công chứng viên đối chiếu thì chỉ có ĐTV, cán bộ điều tra cùng cấp thì mới thực hiện được, đồng thời chỉ được ĐTV cho phép (trích xuất phạm) thì công chứng viên mới làm được việc nêu trên.
Bị can, mẹ bị can, công chứng viên, ĐTV không thể không biết bị can phạm tội gì, gây thiệt hại cho ai, có nghĩa vụ gì trong vụ án. Tuy nhiên, họ vẫn tiến hành các thủ tục cho bị can chuyển nhượng tài sản của chính bị can cho người khác là việc làm trái pháp luật (cả về lý luận, thực tiễn) và đạo đức nghề nghiệp. Như vậy, cần phải xem xét hành vi tẩu tán tài sản của mẹ bị can và bị can, cũng như cần xem xét hành vi giúp sức cho việc tẩu tán tài sản của những người liên quan.
Căn cứ Điều 61 BLHS về quyền của bị hại, Điều 128 BLTTHS, bị hại nộp đơn đề nghị tòa kê biên căn nhà để ngăn chặn mọi giao dịch phát sinh.