VKS đề nghị phạt tài xế Mercedes tông nữ tiếp viên 7 năm tù

Chiều 15-12, TAND quận Phú Nhuận (TP.HCM) tiếp tục xử sơ thẩm Nguyễn Trần Hoàng Phong (sinh năm 1988, ngụ Gò Vấp) về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Phiên tòa tiếp tục phần tranh luận.

Bị cáo Phong tại tòa. Ảnh: T.L.

VKS nhận định bị cáo đủ nhận thức để ý thức về hành vi của mình nhưng đã cố tình vi phạm gây tai nạn cho người khác, cần xử nghiêm.

Tuy nhiên, bị cáo đầu thú, thành khẩn khai báo tại tòa nên VKS đề nghị HĐXX giảm một phần hình phạt, tuyên phạt bị cáo 6-7 năm tù.

Đồng thời, VKS đề nghị tòa tuyên bị cáo bồi thường cho hai bị hại Nguyễn Thị Bích Hường (tiếp viên của hãng hàng không Vietnam Airlines) 1,4 tỉ đồng, Lê Mạnh Thường hơn 477 triệu đồng.

Tại tòa, chị Hường cho rằng sau khi gây tai nạn, bị cáo không gọi cấp cứu mà bỏ mặc người bị nạn. Suốt thời gian chị điều trị, gia đình bị cáo không hỏi thăm, không khắc phục hậu quả. Điều đó thể hiện sự vô trách nhiệm của bị cáo trước mạng sống của người khác. Do đó, đây phải được coi là hành vi tăng nặng đối với bị cáo.

Luật sư của bị cáo Phong cho rằng mức án VKS đề nghị là quá nặng, đề nghị HĐXX xem xét tuyên mức án ba năm tù.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho rằng VKS đã bỏ quên tình tiết không cứu giúp người bị hại sau khi tai nạn xảy ra. Bị cáo cũng thừa nhận việc bỏ trốn khỏi hiện trường, bỏ sim điện thoại, yêu cầu những người biết vụ việc xóa những clip để tránh cơ quan điều tra phát hiện. Những hành vi trên đủ căn cứ để truy tố bị cáo về tình tiết không cứu giúp người bị hại.

VKS không có cơ sở xử lý bị cáo về hành vi sử dụng tài liệu giả. Tuy nhiên, tại tòa, lời khai của bị cáo, người cho thuê xe đều xác nhận việc bị cáo dùng giấy tờ giả. Đề nghị HĐXX xem xét tội danh sử dụng giấy tờ giả đối với bị cáo. Vì việc sử dụng giấy tờ giả dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng.

Chiếc xe Mercedes của ông Võ Văn Phúc ký hợp đồng cho Công ty Fujima thuê, tuy nhiên công ty này đã cho Công ty Khang Gia thuê lại chiếc xe. Đây là hành vi vi phạm hợp đồng bởi trong hợp đồng không có điều khoản cho phép Công ty Fujima cho Công ty khác thuê lại xe.

Vì vậy, luật sư của bị hại đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung, làm rõ ngành nghề kinh doanh của hai công ty trên, làm rõ ai liên quan đến việc bồi thường cho bị hại và bồi thường như thế nào. Bị cáo đang phải chịu trách nhiệm nhưng lại chuyển nhượng tài sản thì có hợp lý hay không?

Trong hồ sơ, cơ quan điều tra chưa trích xuất dữ liệu tin nhắn điện thoại của những người liên quan trong vụ án. Hồ sơ chưa thể hiện rõ các hợp đồng thuê xe của các công ty. Tuy nhiên, những hồ sơ này chưa được giám định...

 

Theo hồ sơ, 5 giờ sáng 30-1 (mùng 6 Tết Canh Tý), chị Nguyễn Thị Bích Hường đặt xe máy qua ứng dụng Grab để đi làm. 

Xe do ông Lê Mạnh Thường điều khiển vừa chở chị rời nhà thì một chiếc ô tô Mercedes bảy chỗ do Phong điều khiển chạy ngược chiều tông trực diện.

Theo CQĐT, sau tai nạn, tài xế ô tô gọi cấp cứu rồi rời khỏi hiện trường.

Hai ngày sau, Nguyễn Trần Hoàng Phong ra đầu thú, khai nhận sự việc và bị tạm giam ngày 11-2.

Ông Thường tử vong, chị Hường bị thương tật 79%. Gần một năm qua, chị trải qua bốn cuộc đại phẫu xương chậu, xương đùi, bàn chân.

Gia đình tài xế xe ôm yêu cầu bồi thường 477 triệu đồng. Chị Hường yêu cầu bồi thường 1,4 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm