Đạo luật nghiêm ngặt đã được chính phủ Brunei thông báo từ năm 2014 và sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 3-4.
Bộ luật gây tranh cãi
Theo đó, Brunei cho phép ném đá người ngoại tình và người đồng tính đến chết, ngoài ra với tội trộm cắp, người bị kết tội sẽ bị chặt tay phải nếu vi phạm lần đầu. Bộ luật chỉ áp dụng với cộng đồng người Hồi giáo.
Trước đó vào năm 2015, Brunei áp dụng luật Hồi giáo cứng rắn hơn bằng cách cấm tổ chức lễ mừng Giáng sinh với quy mô lớn vì sợ người Hồi giáo có thể bị "dẫn dắt lạc lối".
Các tổ chức bảo vệ quyền con người lập tức thể hiện sự phẫn nộ trước bộ luật hình sự gây nhiều tranh cãi này.
"Brunei phải dừng ngay lập tức kế hoạch thi hành những hình phạt tàn khốc này và sửa đổi Bộ lụât Hình sự của mình để tuân thủ việc đảm bảo quyền con người. Cộng đồng quốc tế phải kịp thời lên án hành động này của Brunei" - Rachel Chhoa-Howard, một nhà nghiên cứu Brunei đã phát biểu tại Tổ chức Ân xá Quốc tế.
Cộng đồng quốc tế đặc biệt chú ý đến đất nước Đông Nam Á này khi Brunei trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực áp dụng luật sharia vào năm 2014, một hệ thống luật pháp Hồi giáo vạch ra các hình phạt nghiêm khắc về thể xác.
Vương quốc nhỏ bé chỉ với hơn 450.000 người đã gây ra nhiều bộ luật gây tranh cãi trong những năm gần đây, so với các nước Hồi giáo láng giềng Indonesia và Malaysia.
Bộ luật hình sự mới được công bố vào tháng 5-2014, bởi Quốc vương Brunei, Hassanal Bolkiah, người cũng đóng vai trò là Thủ tướng của đất nước.
Khi thông báo về sự thay đổi, trang web của chính phủ dẫn lời Quốc vương nói rằng chính phủ của ông "không mong đợi người khác chấp nhận và đồng ý với điều đó, nhưng nó sẽ ổn khi người dân chỉ cần tôn trọng quốc gia của họ theo cách mà đất nước tôn trọng người dân."
Quốc vương Brunei, Hassanal Bolkiah. Ảnh: Getty Images
Các quốc gia xử tử người đồng tính
Theo tờ The Washington Post, có mười quốc gia khác nơi người đồng tính có thể bị trừng phạt bằng cái chết.
Yemen: Theo bộ luật hình sự năm 1994, những người đã kết hôn có thể bị kết án tử hình bằng cách ném đá vì quan hệ tình dục đồng giới. Những người chưa kết hôn nếu phạm "tội" phải đối mặt với đòn roi hoặc một năm tù. Riêng phụ nữ phải chịu tù giam trong bảy năm.
Iran: Theo luật sharia, quan hệ tình dục đồng giới có thể bị trừng phạt bằng cái chết hoặc mức trừng phạt nhẹ hơn cho những hành động như hôn. Phụ nữ có thể bị đánh đập.
Mauritania: Đàn ông Hồi giáo quan hệ tình dục đồng giới có thể bị ném đá đến chết, theo một luật năm 1984, mặc dù cho đến nay chưa có ai bị xử tử. Phụ nữ phải đối mặt với tù giam.
Nigeria: Luật liên bang phân loại hành vi đồng tính luyến ái là một trọng tội bị trừng phạt bằng tù giam, nhưng một số bang đã áp dụng luật sharia và hình phạt tử hình cho tội này.
Qatar: Luật Sharia ở Qatar chỉ áp dụng cho người Hồi giáo. Luật chỉ ra rằng hành vi quan hệ tình dục ngoài hôn nhân có thể bị kết án tử hình và được áp dụng cho tất cả xu hướng tính dục.
Ả-rập Xê-út: Tình dục ngoài hôn nhân đều là những hành vi bất hợp pháp. Những người đồng tính nam quan hệ tình dục có thể bị ném đá tới chết.
Afghanistan: Bộ luật Hình sự Afghanistan không đề cập đến các hành vi đồng tính luyến ái, nhưng Điều 130 của Hiến pháp cho phép áp dụng luật sharia cho các hành vi tình dục đồng giới. Theo đó, tử hình là hình phạt dành cho hành vi này.
Somalia: Bộ luật hình sự quy định tù giam nhưng toà án Hồi giáo có thể áp đặt luật sharia và án tử hình ở một vài khu vực phía Nam của đất nước.
Sudan: Những người đồng tính nam thực hiện hành vi tình dục lần thứ ba có thể bị xử án tử hình.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất: Nhiều luật sư trong nước và các chuyên gia không đồng ý luật liên bang trong quy định hình phạt tử hình đối với quan hệ tình dục đồng giới đồng thuận hay cho tội hiếp dâm.