Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson trong cuộc phỏng vấn mới đây với The Sunday Telegraph đã tiết lộ rằng hải quân Anh dự định xây dựng căn cứ ở Singapore hoặc Brunei nhằm đối phó với sự mở rộng quân sự của Trung Quốc (TQ). Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ không hề dễ dàng.
Hải quân Anh suy yếu
Lực lượng hải quân Anh đã không còn được đánh giá cao trong vòng một thập niên trở lại đây. Trong trận D-Day năm 1944, hải quân hoàng gia đã huy động hơn 900 tàu chiến các loại với mục đích hộ tống quân đồng minh đổ bộ lên bờ biển Normandy. Ngày nay, lực lượng này chỉ có thể huy động không hơn sáu tàu chiến cho các nhiệm vụ ngắn ngày. Một sự tụt dốc không phanh.
Lý do là gì? Chính phủ Anh trong vòng một thập niên trở lại đây đã không còn chú trọng đầu tư ngân sách cho hải quân. Họ không còn xem trọng vai trò của hải quân hoàng gia trong tổng thể chiến lược an ninh quốc gia chung.
Một cách công bằng, thời đại của khoa học và công nghệ đã khiến cho hải quân của hầu hết các quốc gia phải cắt giảm số lượng tàu chiến và gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ của vũ khí. Lấy ví dụ, hải quân Mỹ hiện tại chỉ còn khoảng 400 tàu (bao gồm cả các tàu hỗ trợ) từ con số đỉnh cao 600 tàu trước đây. Tuy nhiên, sự suy giảm của hải quân Anh là một sự suy giảm kịch trần, ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng lực tác chiến.
Hải chiến Falklands 1982 đã chứng kiến hải quân Anh có khả năng huy động nhanh chóng không ít hơn 115 tàu chiến các loại (bao gồm hai tàu sân bay), đồng thời thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau.
Hiện hải quân hoàng gia chỉ có trong biên chế 89 tàu chiến các loại, trong đó không còn một chiếc tàu sân bay đúng nghĩa nào cho tới trước khi tàu sân bay lớp Elizabeth hạ thủy vào năm 2018. Tất cả máy bay sử dụng trên tàu sân bay đã bị cho nghỉ hưu vào năm 2014. Trong điều kiện tối ưu, hải quân Anh cũng chỉ có khả năng huy động tổng cộng tối đa 17 tàu chiến cho mọi loại nhiệm vụ ở mọi nơi trên thế giới. Đó là chưa kể hàng loạt tai nạn mới đây khiến cho giới quan sát bày tỏ lo ngại về khả năng hoạt động và chiến đấu của các tàu chiến mới của Anh.
Năm 2000, hải quân Anh có 39.000 thủy thủ nhưng hiện tại chỉ còn 29.000 người. Điều này dẫn đến lực lượng này không thể tận dụng một cách tối đa năng lực tác chiến. Lúc nào có tàu thì lại không đủ người để vận hành, khi có người thì tàu lại hỏng hóc cần sửa chữa.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson (phải) tiết lộ hải quân Anh dự định xây dựng căn cứ ở Singapore hoặc Brunei. Ảnh: REUTERS
Đồng minh nghi ngờ
Singapore cùng với Brunei chính là hai địa điểm được bộ trưởng Quốc phòng Anh tiết lộ có khả năng được chọn để xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên của Anh ở khu vực. Tuy nhiên, người Singapore dường như không mặn mà, cũng như tỏ ra nghi ngờ về đề nghị này của phía Anh.
Collin Koh Swee Lean, Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam, cho rằng dường như bộ trưởng Quốc phòng Anh đã diễn giải không chính xác định nghĩa “căn cứ quân sự” đặt trong bối cảnh tương quan với chính sách đối ngoại của Singapore. Hiện một số lượng nhỏ quân nhân Anh cũng đã có mặt ở đảo quốc này, song nhiệm vụ của họ không phải là tác chiến.
Một căn cứ quân sự đúng nghĩa chứa đựng đầy đủ khả năng đảm bảo tác chiến và hậu cần cho một số lượng con người và vũ khí xác định. Singapore không có chính sách cho phép nước ngoài thiết lập căn cứ quân sự. tuy nhiên, hải quân các nước có thể tiếp cận các cơ sở quân sự của Singapore cho các mục đích như tiếp liệu, sửa chữa, nghỉ ngơi hay huấn luyện và chia sẻ thông tin. Collin Koh cho rằng khả quan nhất Singapore có thể cho phép hải quân Anh tiếp cận các cơ sở này tương tự cách thức hợp tác giữa Singapore và Mỹ, hay giữa Singapore và Ấn Độ.
Theo Collin Koh, nhiều nhà quan sát và các nhà làm chính sách tại Singapore tỏ ra nghi ngờ về ý định thiết lập hiện diện lâu dài của hải quân Anh tại châu Á-Thái Bình Dương. Thứ nhất, hải quân Anh đang trong giai đoạn xuống dốc và không được đánh giá cao về mặt triển khai lực lượng trên phạm vi toàn cầu. Liệu với một lực lượng thiếu thốn, hải quân Anh có đủ sức triển khai và hiện diện một cách bền vững tại châu Á trong khi lại để ngỏ châu Âu và vùng Biển Bắc cho hải quân Nga?
Thứ hai, liệu tuyên bố này là thực chất về mặt chính sách hay chỉ là một thông điệp hướng vào nội bộ? Đặt trong bối cảnh Brexit, có thể chính phủ đương nhiệm của Thủ tướng Theresa May mong muốn nhấn mạnh tới việc nước Anh sẽ tương tác nhiều hơn, cả về mặt ngoại giao và quân sự, với những khu vực nằm ngoài biên giới châu Âu.
Thứ ba là rủi ro quan hệ với TQ - quốc gia được đánh giá là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Anh. Brexit có nghĩa là nước Anh phải cố gắng đa dạng hóa hơn nữa trong các mối quan hệ kinh tế và chính trị và TQ là đối tác hàng đầu không thể thiếu. Tuyên bố mở căn cứ quân sự tại Đông Nam Á sẽ khiến Bắc Kinh phật lòng. Điều tiết mối quan hệ song phương Anh-Trung cũng như các mối quan hệ khác của Anh trong khu vực (với Mỹ hay với Singapore) sẽ là nhiệm vụ rất thách thức.
Tình trạng suy yếu của hải quân hoàng gia dẫn đến một hệ quả tất yếu: Nước Anh không thể can dự sâu vào các vấn đề an ninh toàn cầu. Năm 2012, London lặng lẽ rút lui khỏi các nhiệm vụ chống cướp biển ở châu Phi. Năm 2014, lần đầu tiên trong vòng một thế kỷ, nước Anh đã không thể giúp đỡ được gì nhiều cho các chiến dịch của liên quân do Mỹ và Pháp dẫn đầu chống lại Nhà nước Hồi giáo tại Iraq. Năm 2016, đỉnh điểm của thất vọng khi Anh phải rút lui hoàn toàn khỏi Nam Đại Tây Dương, nơi mà trong suốt 34 năm qua Anh đã phái cử ít nhất một tàu chiến để răn đe Argentina trong xung đột Falklands. ______________________________ Ngân sách Anh dành cho quốc phòng suy giảm từ mức 4,1% GDP vào năm 1988 xuống chỉ còn 2,6% năm 2010. Năm 2015, chính phủ Anh tuyên bố dừng cắt giảm chi tiêu hải quân nhưng mọi thứ đã quá trễ. |
___________________________________
* Nguyễn Thế Phương tốt nghiệp thạc sĩ về nghiên cứu Đông Bắc Á tại CHLB Đức, hiện là nghiên cứu viên cộng tác tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế - ĐH KHXH&NV TP.HCM.