Rất nhiều lần các bạn Đức rủ tôi đi ăn món Việt và thật bất ngờ khi các bạn luôn nhắc về nước mắm. Có thể đó là cách đối đãi tôn trọng khách - là tôi - từ nửa vòng Trái đất đến thăm công ty họ. Nhưng phải thừa nhận là nói đến ẩm thực Việt là nói đến nước mắm.
Nhiều bài báo về ẩm thực trên các tạp chí nổi tiếng còn ví von rằng nói đến Pháp thì nhớ rượu vang, nước Ý thì ôliu và nói đến Việt Nam thì nước mắm. Thậm chí trên blog ẩm thực của tạp chí New York Times còn ví von về một loại nước mắm Phú Quốc là “thử nước mắm như thử rượu vang”.
Ấy vậy mà mấy hôm nay có những liên minh hiệp hội - truyền thông - doanh nghiệp (DN) lại đang dùng nghiệp vụ tiếp thị và kinh phí khổng lồ để “dựng” lên sự thật khác về nước mắm truyền thống: Làm nước mắm kiểu ông bà là chứa thạch tín độc hại. Họ nói một nửa vế của sự thật, rằng nước mắm có độ đạm cao sẽ có thạch tín (asen) nhưng đó là thạch tín hữu cơ có trong cá và vô hại.
Ở các công ty có truyền thống và tầm nhìn dài hạn, họ luôn cho nhân viên và nhà cung cấp phải học và tuân thủ bộ quy tắc ứng xử hay còn gọi là bộ quy tắc đạo đức, trong đó thường có dòng đầu “hoạt động kinh doanh công bằng, trung thực, có đạo đức...”. Các bộ quy tắc ứng xử này có nhiệm vụ khi gặp tình huống khó xử, khi băn khoăn với hành vi có thể không vi phạm pháp luật nhưng ảnh hưởng đến cộng đồng thì có nên làm hay không... Câu trả lời sẽ là không nếu nó vi phạm đạo đức, sự trung thực của DN.
Không dừng lại ở khía cạnh đạo đức, các hành vi của DN đang tiến hành chiến dịch “đánh” nước mắm truyền thống kia đang vi phạm nhiều điều khoản của Luật Cạnh tranh. Các báo phản ảnh hiện tượng có hãng photocopy và phát danh sách các hãng nước mắm có hàm lượng asen vượt ngưỡng, khuyến cáo rằng sẽ gây độc hại, cho các tiểu thương và người tiêu dùng ở các chợ, kèm theo quảng cáo nước chấm công nghiệp của họ là an toàn thạch tín. Hành vi này rõ ràng vi phạm Điều 43 Luật Cạnh tranh:“Cấm DN gièm pha DN khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của DN đó”. Ngoài ra, cả Điều 44 cũng nêu rõ: “Cấm DN gây rối hoạt động kinh doanh hợp pháp của DN khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của DN đó”.
Nghiêm trọng hơn, các quảng cáo in toàn trang trên các báo lớn của DN nước chấm công nghiệp này vi phạm Điều 45 Luật Cạnh tranh: “Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh với các nội dung gây nhầm lẫn về quy định của quy chuẩn quốc gia QCVN 8-2:2011/BYT về asen trong nước mắm”. Quy chuẩn này chỉ quy định hàm lượng asen vô cơ, không có asen hữu cơ nhưng quảng cáo ghi mập mờ về hàm lượng 1 mg/lít và nhấn mạnh về an toàn thạch tín.
Bàn thêm về đơn vị khảo sát về nước mắm là Vinastas, ít nhất đơn vị này đã vi phạm Thông tư 16/2009/TT-BKHCN của Bộ KH&CN về phương pháp lấy mẫu được Quy chuẩn Quốc gia QCVN 8-2:2011/BYT quy định tại mục 6.2.2: “Mẫu hàng hóa sau khi lấy phải được niêm phong có chữ ký của người lấy mẫu, đại diện cơ sở được lấy mẫu”. Vì theo Vinastas, mẫu do cuộc khảo sát này là “mua mẫu như người tiêu dùng bình thường” tại các chợ, siêu thị trên thị trường.
Nếu không niêm phong, ai biết nhân viên đi lấy mẫu bỏ gì vào trong nước mắm?
Hơn nữa, nếu xét trên mức độ hậu quả gây ra cho xã hội là nghiêm trọng, các cơ quan tư pháp có thể truy cứu các hành vi được quy định trong BLHS cho những hoạt động trái pháp luật của DN này.
Dưới góc độ người tiêu dùng hằng ngày, tôi không tin những người dân biển chân chất làm nước mắm ở khắp nơi như Phan Thiết, Cà Ná, Phú Quốc, Nha Trang, Long Hải... có thể làm ra những thứ độc hại cho xóm làng, bà con, đồng loại.
Cũng chắc chắn một điều rằng họ không có động cơ và những chiêu trò bôi xấu nước mắm truyền thống giống như đụng chạm đến niềm tự hào về truyền thống ẩm thực Việt, chê ông bà mình ăn bẩn, chê mình nhà quê.