Khoảng 19 giờ 30 đêm 9-5, bà Lê Thị Thảo bật khóc rồi ngất xỉu khi đang trình bày những bức xúc của mình, sau suốt bao năm mang theo nỗi uẩn ức của người dân bị thu hồi đất ở Thủ Thiêm.
Hình ảnh đó có lẽ không xa lạ trong buổi tiếp xúc của Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm với cử tri quận 2 chiều 9-5. Buổi tiếp xúc còn có ông Phan Nguyễn Như Khuê - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM và bà Trịnh Ngọc Thúy - Phó Chánh án TAND TP.
Bà Lê Thị Thảo bật khóc rồi ngất xỉu tại buổi tiếp xúc. Ảnh: HOÀNG GIANG
Cùng với bao giọt nước mắt đã rơi, hình ảnh bà Lê Thị Thảo bật khóc rồi ngất xỉu cho thấy dường như họ đã kiệt sức trong cuộc đấu tranh này.
Hơn sáu giờ tiếp xúc, khoảng thời gian ấy đại biểu đã chứng kiến không biết bao nhiêu giọt nước mắt ứa ra từ nỗi thống khổ của người dân Thủ Thiêm.
Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết (ngụ đường Lương Định Của) nghẹn ngào: “Gặp được ĐBQH chúng tôi rất mừng, muốn bày tỏ tất cả”. Bà chia sẻ gia đình bà từng bám đất giữ làng, nuôi quân kháng chiến. Khi chính quyền giải tỏa 3.787 m2 đất nhà bà, chỉ trả 568 triệu đồng, vườn cây ăn trái trả hơn 3 triệu đồng. Tức là khoảng 150.000 đồng/m2, bằng tiền mua ba tô phở.
Giọt nước mắt lăn trên má bà Nguyễn Thị Kim Phương. Ảnh: HOÀNG GIANG
Là gia đình cách mạng nên bà vận động mọi người chấp hành chủ trương. “Nhưng sau này thấy đất của chúng tôi xây toàn nhà cao tầng, có lợi ích của một số cán bộ. Bà con hàng xóm của tôi toàn là bi đát, bị đẩy ra đường sống cảnh không nhà cửa. Có ông cụ đến lúc chết còn hỏi con rằng nhà của ông ấy đâu, sao như thế này. Dân với Nhà nước như môi với răng, mà giờ răng như muốn cắn môi" - nói đến đây bà Tuyết bật khóc trước hội trường.
Bà Tuyết dường như không chỉ khóc cho nỗi bức xúc của cá nhân mình mà khóc cho những người dân cùng cảnh ngộ. Phải đồng cảm như thế bà mới xin ban tổ chức cho kéo dài thêm hai giờ để người dân được nói hết vì bức xúc đã thai nghén lâu rồi.
Đến tiếp xúc lần này, có nhiều người dân Thủ Thiêm đã trải qua thời gian dài đi khiếu kiện đến nỗi đổi màu tóc. Đó là trường hợp bà Trần Thị Mỹ (phường An Khánh). Còn nhớ cách đây chín năm, trong một cuộc đối thoại trực tiếp kéo dài bảy giờ đồng hồ của người dân tại KĐT mới Thủ Thiêm với Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Trung Tín ngày 16-7-2009, lúc đó bà Trần Thị Mỹ tóc còn xanh nhưng giờ tóc bà đã bạc.
Bà Trần Thị Mỹ tóc đã bạc trong buổi tiếp xúc chiều 9-5 (ảnh trên) và chính bà cách đây chín năm trong cuộc đối thoại với Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Trung Tín, ngày 16-7-2009 (ảnh dưới). Ảnh: THU HẰNG
Bà Mỹ chia sẻ bao nhiêu năm nay bà và một nhóm người dân đi khiếu nại việc thu hồi KĐT mới Thủ Thiêm, gửi hàng trăm đơn và gặp hàng chục lãnh đạo nhưng chưa có một quyết định giải quyết nào.
Bà cho rằng Quyết định 367-TTg của Thủ tướng là quyết định mang tính nhân văn bởi đã phân rõ khu vực trung tâm đô thị và tái định cư gần nhau chứ không phải sau này lấy thêm đất của dân ngoài ranh nhập vào khu trung tâm đô thị, còn phần đất tái định cư lại phân bổ rải rác nhiều nơi. “Tôi rất tâm đắc với ý kiến của nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Viết Thanh khi cho rằng đồng tiền đã làm biến đổi bản chất KĐT mới Thủ Thiêm” - bà Mỹ nói.
Thực tế cho thấy rằng hơn 22 năm sau khi được Thủ tướng phê duyệt, quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm vẫn còn dở dang, chưa hoàn chỉnh. Còn đất KĐT mới lại được giao cho nhiều nhà đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại.
Nỗi đau của người dân Thủ Thiêm có lẽ đã thấu trong lòng ông Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM. Chia sẻ trên Tuổi Trẻ, ông Thanh cho biết: “Chuyện ở Thủ Thiêm nóng cả tuần nay nhưng với tôi, nỗi đau không chịu nổi nằm trong lòng từ lâu, từ ngày tôi đích thân sang Thủ Thiêm nhìn cảnh giải tỏa các hộ dân ở đường Lương Định Của...".
Ông Võ Viết Thanh cho rằng KĐT mới Thủ Thiêm đã không được như kỳ vọng. Theo ông, bây giờ phải lo làm sao cho việc xây dựng KĐT mới Thủ Thiêm giữ được những mục đích tốt đẹp của quy hoạch ban đầu. Và hơn cả là lo ổn định đời sống nhân dân. Lẽ ra những người dân ở Thủ Thiêm lâu đời phải là những người đầu tiên được hưởng lợi ích từ KĐT mới. Người dân Thủ Thiêm sẽ được sống ổn định, được chứng kiến KĐT mới làm đổi thay quê hương mình.
Điều ông Thanh nói cũng là điều ước thiết tha của người dân Thủ Thiêm trong biết bao năm nay. Họ ứa nước mắt xin được đối xử một cách công bằng với mình, với Thủ Thiêm - nơi họ đã chôn nhau cắt rốn!