Nuôi con ở tuổi 13

Phiên tòa sơ thẩm vụ án giao cấu với trẻ em tại TAND huyện Tân Hưng (Long An) hôm ấy chật cứng người xem. Trước vành móng ngựa, bị cáo đầu đã bạc, gương mặt luôn cúi xuống và trả lời ấp úng từng câu hỏi của HĐXX. Người bị hại là cháu bé 13 tuổi nhưng đã phải làm mẹ do hành vi của bị cáo gây ra…

Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, thành viên của Chương trình Trợ giúp pháp lý miễn phí của báo Pháp Luật TP.HCM, bảo vệ quyền lợi (miễn phí) cho em P., người bị hại của vụ án này.

Đã nghèo còn gặp nỗi éo le

Buổi sáng, từ vùng quê hẻo lánh Hưng Điền B (Tân Hưng, Long An) cặp biên giới Campuchia, bà N. và chồng bỏ hẳn một ngày bán vé số để bao xe ôm ra thị trấn dự tòa. Mỗi bận đi về mất đứt 70.000 đồng, bằng một ngày lặn lội ngược xuôi bán vé số của bà.

Kể từ ngày xảy ra vụ việc đau lòng, không biết bà đi đi lại lại như thế đã bao nhiêu lần. Vì vậy, lần này ông bà hy vọng sau buổi xét xử, P. - đứa con gái 13 tuổi của ông bà sẽ đòi được công bằng để tiếp tục nuôi đứa con nên người - đứa con được sinh ra không từ mong đợi của ông bà và của cả mẹ nó.

“Do cháu mới sinh còn yếu nên vợ chồng tôi kêu nó ở nhà, nhờ bà ngoại coi sóc. Khổ lắm, con nhỏ làm mẹ rồi mà vẫn còn con nít, tối tối vợ chồng tôi phải thức canh coi nó có ngủ quên đè lên con không” - bà N. nói.

Rồi bà N. kể, sau hơn 10 năm về Hưng Điền B lập nghiệp, gia đình bà vẫn còn thuộc diện khó khăn với căn nhà rách nát cặp bờ sông. Nghèo khổ và thất học, bốn đứa con của ông bà lần lượt ra đời, trong đó có em P., sinh năm 2000. Học hết lớp 4, viết chưa rành con chữ, P. đã sớm bỏ học đi bán vé số phụ giúp gia đình.

Một ngày tháng 7-2013, như mọi ngày, P. đạp xe đi bán vé số. Khi đi ngang nhà ông Bùi Văn Đ. ở cùng xã, 62 tuổi, người mà P. thường gọi bằng “ông Hai”, em vào nhà mời ông mua vé số. Phút ma xui quỷ khiến, người đàn ông từng là phó chủ tịch Hội Người cao tuổi xã đã làm hại đời em...

Cuộc sống chật vật, sau ngày khủng khiếp ấy, P. vẫn đi bán vé số như không có chuyện gì xảy ra. Đến một ngày, những người hàng xóm phát hiện em có dấu hiệu bất thường nên nói với mẹ em. Thế là vợ chồng bà N. đưa con đi khám. Cầm phiếu siêu âm, vợ chồng bà rụng rời khi biết con mình đã mang thai hơn 20 tuần tuổi…

Trẻ em lại phải nuôi trẻ em

Nhiều năm tham gia những vụ án liên quan đến xâm hại trẻ em, luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên bày tỏ nhiều băn khoăn đối với vụ án này. Bởi ngoài trách nhiệm hình sự mà bị cáo phải nhận, trong trường hợp này việc đảm bảo cuộc sống về sau để nuôi con khôn lớn của một bà mẹ 13 tuổi là một vấn đề mà HĐXX cần xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng.

Theo luật sư, về trách nhiệm dân sự, bị cáo phải bồi thường toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở lúc sinh con, chi phí mất thu nhập 12 tháng từ lúc cháu bé được sinh ra cho đến lúc cháu được một tuổi. Gia đình người bị hại đã yêu cầu không tính đến khoảng thời gian ba tháng mất thu nhập khi P. phát hiện mang thai cho đến lúc sinh con để bớt khó khăn cho phía bị cáo.

Ngoài ra, luật sư nói khoản bồi thường tổn thất tinh thần bằng mức lương cơ bản theo quy định hiện hành nhân 30 tháng và trợ cấp phí tổn nuôi cháu bé đến đủ 18 tuổi (mỗi tháng 1 triệu đồng) là quá thấp so với chi phí nuôi con thực tế hiện nay. Tổng số tiền mà bị cáo phải bồi thường cho người bị hại một lần là 280 triệu đồng ngay sau khi bản án có hiệu lực (bị cáo đã khắc phục 10 triệu đồng trước đó).

Tòa cho rằng chỉ có thể áp dụng chi phí mất thu nhập trong sáu tháng theo quy định nghỉ hậu sản và cháu P. chưa đủ tuổi lao động nên không thể tính thu nhập như người lớn. Tuy nhiên, theo luật sư, do người bị hại là trẻ em mới 13 tuổi, trẻ em lại phải nuôi trẻ em nên không thể áp dụng như đối với người lớn. “Trong trường hợp này, từ năm chín tuổi, bị hại đã bán vé số giúp gia đình, đây là công việc nhẹ nhàng và phù hợp với độ tuổi của trẻ em cũng như hoàn cảnh thực tế của gia đình bị cáo nên HĐXX cũng nên quan tâm xem xét” - luật sư Liên nói.

Cư xử không xứng với sự vị tha

Trước tòa hôm ấy, “ông Hai” - bị cáo nói: “Bị cáo cảm ơn gia đình bị hại đã xin giảm án cho bị cáo. Về các khoản bồi thường, do hoàn cảnh gia đình bị cáo neo đơn, bản thân vợ chồng bị cáo đã lớn tuổi, lại thường xuyên bệnh tật nên xin HĐXX xem xét giảm nhẹ”.

Trong quá trình điều tra và từ lúc vào phiên tòa đến phần xét hỏi, bị cáo luôn tỏ ra ăn năn hối cải và nhận hết tội lỗi của mình. Thế nhưng đến phần tranh luận, những người tham dự phiên tòa đều bất ngờ khi bị cáo bỗng dưng yêu cầu giám định ADN.

“Mục đích của tôi là để xem liệu đứa bé kia có phải con tôi không” - bị cáo thản nhiên nói trước ánh mắt sững sờ của vợ chồng bà N.

Trước yêu cầu này, HĐXX phải cho hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Ông bà N. lại thất thểu ra về, miệng lẩm bẩm: “Mình dân quê dốt nát, không biết nếu đi giám định gì đó liệu có chính xác không. Nếu không chính xác, không biết con mình có bị thiệt thòi không. Rồi bao giờ mới xử dứt khoát một lần cho xong, để con P. nó bớt tủi thân mà sống tiếp nuôi con...”.

Rồi bà chép miệng: “Nhưng cây ngay không sợ chết đứng chú à! Còn dượng Hai (bị cáo - PV), vợ chồng tôi coi ổng như cha, đâu có nỡ làm khó ổng. Ổng lớn tuổi rồi, mong sao tòa giảm án cho ổng sống được ngày nào đỡ ngày nấy”.

HOÀNG NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm